(ĐSPL) - Để hoàn thành được công việc, các nữ cảnh sát giao thông đã phải cố gắng, rèn luyện cực khổ.
Đã qua 2 năm kể từ ngày thực hiện việc bố trí nữ cảnh sát tại 25 nút giao thông trọng điểm trong giờ cao điểm. Tình hình TTATGT tại 25 chốt chỉ huy giao thông trọng điểm có bố trí nữ CSGT hướng dẫn, chỉ huy, điều khiển giao thông đã có chuyển biến mạnh mẽ, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên.
Để hoàn thành được công việc, các nữ cảnh sát giao thông đã phải cố gắng, rèn luyện cực khổ.
Thượng sĩ Nguyễn Thị Kim Anh (23 tuổi) – Đội CSGT số 2 (CA TP Hà Nội) chia sẻ, ngày đầu ra đứng bục tham gia điều khiển giao thông, cô không tránh khỏi bỡ ngỡ, rất ngại vì hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào mình.
Thượng sĩ Nguyễn Thị Kim Anh khi ngày đầu ra đứng bục cảm thấy bỡ ngỡ, rất ngại vì hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào mình. Ảnh: Dân trí. |
Dẫn lời Thượng sĩ Nguyễn Thị Kim Anh trên Dân Trí: “Từ khi có Kế hoạch 03 của Phòng CSGT Hà Nội, bọn em cũng ra đứng bục luôn. Em ra đứng bục từ những ngày đầu tiên, ban đầu thấy rất bỡ ngỡ, cảm thấy rụt rè và mang một chút lo sợ. Là nữ nên bao nhiêu ánh mắt người đi đường nhìn vào, ban đầu thấy lạ, mọi người càng... soi kỹ. Em thấy rất ngại, nhưng vẫn cố gắng giữ đúng tác phong của CSGT khi làm nhiệm vụ, cố gắng vượt qua cảm giác "nhồn nhột" ban đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thượng sỹ Kim Anh vui vẻ chia sẻ thêm, những ngày đầu ra đứng bục, bên cạnh sự vất vả và những ánh mắt nhìn làm các nữ CSGT ngại ngùng, thì họ cũng nhận được rất nhiều lời động viên của người đi đường. Nhiều người hỏi han ân cần như “Cháu có mệt không”, “Cố lên cháu nhá”… hay những em bé được bố mẹ đèo qua đã hồn nhiên cất tiếng chào “Cháu chào cô CSGT ạ!”.
Cũng giống Thượng sỹ Kim Anh, Trung úy Trịnh Thị Lan Anh (SN 1988) sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân với tấm bằng loại Khá đã được phân công làm việc tại Đội CSGT số 7 (CA TP Hà Nội).
Trung úy Trịnh Thị Lan Anh đang điều tiết giao thông. Ảnh: Dân trí. |
Trung úy Lan Anh thường điều khiển giao thông tại nút Văn Phú – Lê Trọng Tấn. Điều đáng nhớ nhất của cô trong những ngày đầu đứng bục là ánh mắt lạ lẫm của người dân.
Trung úy Trịnh Thị Lan Anh chia sẻ, ngoài việc phải khắc phục tốt về vấn đề sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, còn phải phối hợp ăn ý với đồng nghiệp, nếu chỉ cần 1 thao tác “lệch” nhau sẽ dẫn đến xung đột giao thông. Các chiến sỹ CSGT phải hiểu nhau, có thể dùng ám hiệu riêng, nhưng quan trọng nhất vẫn là bộ đàm. Khi có ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông các CSGT sẽ dùng bộ đàm liên lạc với nhau và chỉ được dùng bộ đàm phục vụ cho công việc.
Ngoài ra những khó khăn khác như ngoài thời gian đứng bục điều tiết giao thông, các nữ CSGT còn phải xử lý một khối lượng văn bản, giấy tờ rất lớn; do làm về luật, nên phải nắm rất rõ các biên bản, các qui định… sao cho khi in ra các quyết định xử phạt phải rất chính xác, không được phép nhầm lẫn... Điều này cũng khiến các nữ CSGT căng thẳng trong công việc hành chính.
Sự quan tâm của mọi người chính là một “liều thuốc” tinh thần, động lực lớn giúp các nữ CSGT hoàn thành nhiệm vụ.