Nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Cà Moong được xem là bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện miền núi xứ Nghệ. Điểm trường tại đây có 5 giáo viên phụ trách, trong đó có tới 2 nữ giáo viên còn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X. Các cô đã tình nguyện vượt rừng, vượt suối vào giữa lòng hồ Bản Vẽ để gieo chữ.
Ngày đầu nhận nhiệm vụ khóc ướt gối
Mặc dù sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi nhưng cô giáo Lương Thị Vân (SN 1994), quê xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An mang vẻ đẹp của thiếu nữ thành thị. Làn da trắng bóc, khuôn mặt ưa nhìn, sống mũi dọc dừa, bàn tay thon thả như chưa từng phải làm công việc nặng nhọc. Vì thế, rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô Vân dạy học ở trường tiểu học Lượng Minh, điểm trường bản Cà Moong.
Vân cười giải thích: “Hồi nhỏ, em cũng phải làm việc cực nhọc lắm. Nhưng sau khi em thi đỗ khoa Sư phạm, đại học Vinh thì xuống thành phố ở nên mới được như thế này. Tốt nghiệp xong, phần vì muốn gần nhà, phần vì muốn đóng góp cho quê hương nên em quyết định trở về dạy ở trường tiểu học Lượng Minh. Thế mà cũng gõ đầu trẻ được 2 năm rồi”.
Cô giáo trẻ luôn hết lòng với học trò. |
Mặc dù cùng huyện Tương Dương, thậm chí nếu tính “đường chim bay” thì từ thị trấn Hòa Bình vào xã Lượng Minh chỉ khoảng 20km nhưng nơi đây được xem là chốn thâm sơn cùng cốc, bởi nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Đời sống người dân còn khó khăn, chưa có điện lưới, mùa mưa hoàn toàn bị cô lập, chưa có sóng điện thoại... Để đến với điểm trường Cà Moong, cô Vân cùng các thầy cô khác phải đi thuyền máy mất 1 giờ đồng hồ, rồi tiếp tục cuốc bộ khoảng 2 giờ đồng hồ trên những con đường cheo leo toàn núi đá.
“Năm đầu tiên em vào nhận lớp cũng là lúc vừa xảy ra lũ quét, đường vô cùng trơn trượt, bùn ngập đến mắt cá chân, vừa đi vừa phải bám chặt ngón chân xuống để khỏi ngã. Đến được trường, từ đầu đến chân của em chẳng có chỗ nào sạch cả. Sau này, hành trang vào trường của em luôn có 1 đôi ủng, 1 đôi dép rọ, quần áo thì càng đơn giản càng tốt”, cô Lương Thị Vân kể.
Mặc dù đã lường trước những khó khăn mà mình sẽ gặp phải, thế nhưng khi biết rằng ở đây không có điện, không có nước, không có trạm y tế..., Vân vô cùng thất vọng. Đêm đầu tiên ngủ trong phòng giáo viên, Vân đã bật khóc nức nở. Đến gần sáng, Vân mới thiếp đi vì mệt.
Khi được hỏi đã bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề, cô giáo Vân ngập ngừng: “Nếu nói không nghĩ đến thì không phải, nhưng chỉ đến khi đứng trên bục giảng, nhìn các em học sinh ở đây thì không nỡ. Khó khăn đủ bề nhưng thấy học trò chăm học là động lực cho em và anh chị trong nghề. Cuối năm, thấy nhiều em đậu vào trường Phổ thông dân tộc nội trú – trung học cơ sở huyện Tương Dương thì em lại cảm thấy hãnh diện”.
Điều đặc biệt, điểm trường Cà Moong của trường tiểu học Lượng Minh có 5 giáo viên, trong đó có 2 nữ. Ngoại trừ một thầy giáo 8X cắm bản lâu nhất, những người còn lại đều thuộc thế hệ 9X. Họ xung phong lên đây sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Vì cùng lứa tuổi nên cô Vân nhanh chóng hòa nhập với mọi người và họ chia sẻ với nhau mọi vui buồn để vơi đi nỗi nhớ nhà.
“Đến đây tôi mới biết, các thầy cô khác đều ở xa, có những người đi gần 10 giờ đồng hồ mới đến được với điểm trường Cà Moong. Vì vậy, có thể xem tôi là người “sướng nhất”. Do nơi đây mưa xuống là bị cô lập nên mọi người chia nhau trở về để chuẩn bị thực phẩm, biết tôi nhớ nhà nên những tháng đầu, tôi liên tục được ưu tiên. Thế nhưng ở nhà được 1 ngày, tôi lại chào bố mẹ để quay lại trường, vì sợ lớp không có ai dạy”, cô Lương Thị Vân cười.
Thắp lên niềm hy vọng
Cô Vi Thị Hồng Vân (SN 1993) quê xã Yên Thắng, huyện Tương Dương là nữ giáo viên thứ hai tại điểm trường này. Trước khi tốt nghiệp, cô Hồng Vân đã xác định sẽ vào đây dạy nên tự “củng cố” tinh thần từ trước. “Nhà tôi cách điểm trường khoảng 50km, nhưng khi thực tập, tôi đã xin về huyện Tương Dương. Quê tôi còn nghèo, người dân còn khổ, nên tôi chỉ muốn đóng góp chút công sức, giúp các em nâng cao dân trí hơn”, cô Hồng Vân cho hay.
Hai "bóng hồng" Cà Moong thức đêm soạn giáo án cho tiết học hôm sau. |
Nói thì vậy, nhưng cô Hồng Vân cũng thừa nhận phải mất vài tháng mới quen được nơi đây. Bởi không chỉ đơn giản là dạy con chữ cho các em, các thầy cô còn phải vượt rừng, lội suối để thuyết phục học sinh đến trường. Hầu hết học sinh tại điểm trường là con em đồng bào Khơ Mú, thu nhập từ việc sản xuất nương rẫy, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, học sinh thường bỏ học để giúp bố mẹ làm rẫy, hoặc ở nhà chăm em chứ không chịu đến trường.
“Chúng tôi phải chia nhau đến từng nhà để vận động, phân tích cho các phụ huynh hiểu việc học chữ quan trọng thế nào. Nếu ở nhà, mãi chỉ bám vào nương rẫy thì các em sẽ khổ như bố mẹ mà thôi. Thường thì các phụ huynh sẽ phản đối vì không có người giúp, nhưng họ đều thật thà nên nói mãi cũng sẽ nghe theo. Trường hợp nào khó quá thì chúng tôi ở lì đó cho đến khi họ đồng ý hoặc bí quá thì gọi Trưởng bản đến nói giúp”, cô Hồng Vân cười nói.
Nụ cười của cô gái trẻ khiến chúng tôi ấm lòng. Ở cô, chúng tôi thấy được sự đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ. Cô Hồng Vân và rất nhiều thầy cô khác ở các điểm trường đã kiên trì bám trường, bám bản gieo ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao.
Một trong những biện pháp mà các thầy cô nghĩ ra để giúp học sinh theo kịp bài vở đó là mở lớp phụ đạo vào buổi đêm. Tối đến, từ thứ Hai đến thứ Năm, các thầy cô tổ chức hướng dẫn học sinh học bài và làm bài, vì ở lớp có ánh điện đèn cù (do nhà không có điện, không có đèn dầu nên các em thường đi ngủ sớm). Sau này, hiểu được tấm lòng của các giáo viên nên nhiều phụ huynh đã góp nhau mua chiếc đèn tích điện để phục vụ thêm cho lớp học.
Cô Hồng Vân cho hay: “Mỗi tối, chúng tôi gọi các em đến để bổ túc, nhằm nâng cao kiến thức, theo kịp bạn bè ở lớp. Giờ đây, dân bản đều ý thức được muốn con em mình đổi đời thì phải học lấy cái chữ. Khi đủ tuổi đến trường, các em đều được phụ huynh cho đi học”.
Ông Moong Văn Vinh, Trưởng bản Cà Moong cho hay: “Cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng các thầy cô tình nguyện đến cắm bản nên chúng tôi vô cùng kính trọng. Các thầy cô dạy chữ cũng vì mong muốn con em ở đây khôn lớn thành người, sống no ấm hơn. Vì thế, bất cứ khi nào các thầy cô gặp khó khăn thì chúng tôi đều nhiệt tình giúp đỡ, chỉ mong các thầy cô ở lâu dài để giúp người dân”.
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Tháng số Tết