(ĐSPL) - Hoa cỏ may, phía trước là bầu trời... là những bộ phim đi cùng thế hệ 7X, 8X.
Phía trước là bầu trời
Phía trước là bầu trời" là bộ phim tâm lý xã hội của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Bộ phim đã nhận được nhiều sự đồng cảm ngày từ khi khởi chiếu. Những thước phim quay chậm về thời sinh viên nhiều khó khăn nhưng cũng lắm hoài bão của những cô cậu tỉnh lẻ lên Thủ đô học tập, sinh sống.
Những hình ảnh của một xóm trọ nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười với những trò tắm mưa, xin nước, xin đồ ăn… đến bây giờ vẫn còn khắc sâu trong mỗi người. Sự hồn nhiên, trong trắng của thời sinh viên rộn vang không âu lo được khắc họa một cách thành công qua từng vai diễn. Rồi những câu chuyện tình yêu thời sinh viên vui có, buồn có; những mâu thuẫn nảy sinh trong chính cuộc sống hằng ngày với nhiều mối quan hệ phức tạp trong xã hội cũng được nói tới. Những bộ hồ sơ xin việc cùng thời gian đợi chờ ở những nơi môi giới đã lấy đi của nhiều cô cậu sinh viên nét vô tư ngày đầu.
Bộ phim còn khéo léo lồng ghép những "cảnh báo" cho thế hệ sinh viên: chuyện sống thử, bon chen… và đã rất thành công. Mỗi nhân vật trong phim lại khiến khán giả nhớ tới với những hình ảnh thực trong cuộc sống.
Hoa cỏ may
Bộ phim "Hoa cỏ may" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được ra mắt công chúng vào năm 2001. Phim kể lại câu chuyện của một nhóm bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp.
"Thời niên thiếu". |
"Hoa cỏ may" gồm 2 phần: "Thời niên thiếu" gồm 4 tập và "Những ngày bình yên" gồm 8 tập. Phim không chỉ để lại cho người xem ấn tượng về nội dung đậm tính nhân văn mà còn đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Là sự hắt hủi của cô bé con lai của những người xung quanh; là nét hồn nhiên, dung dị của những cô cậu thân thiết với nhau từ thuở bé…
Các diễn viên trong phần 2 "Những ngày bình yên". |
Phần 1 tập trung nói về những vấn đề tại nông thôn và thành thị khi đất nước vừa giải phóng. Nhân vật chính là: Na, Hương, Thái, Thủy, Bình, Tiến, Hùng. 7 người đến từ nhiều nơi nhưng họ đã gặp nhau tại thủ đô và lấy tên nhóm là "Hà Nội tụ nghĩa".
Phần 2 là khi tất cả đều đã lớn khôn, trưởng thành. Những mối quan hệ rắc rối về tình bạn, tình yêu nảy sinh quanh họ. Và những so đo, tính toán về những lựa chọn nghệ nghiệp tương lai cũng được nói đến.
Những ngọn nến trong đêm
"Những ngọn nến trong đêm" để lại được nhiều thiện cảm trong lòng khán giả, đến mức nhiều nhân vật chính trong phim được nhắc tới vẫn gắn liền với những cái tên, vai diễn năm nào. Đây là bộ phim tâm lý, tình cảm của đạo diễn Vũ Hồng Sơn, ra mắt khán giả năm 2002.
Các diễn viên chính trong phim. |
Bộ phim kể về cuộc đời của Trúc (Mai Thu Huyền thủ vai) sống cùng mẹ và dượng. Trong một lần tình cờ, Trúc được thế chân người chị quen biết để trình diễn thời trang. Từ đó, niềm đam mê thiết kế thời trang trỗi dậy và cô quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.
Nhân vật Trúc do Mai Thu Huyền thủ vai. |
Tuy nhiên, cuộc đời cô cũng gặp rất nhiều sóng gió. Người mà cô yêu thương, lấy làm chồng lại bị ma túy lôi kéo. Những trận đòn roi không lý do khiến Trúc trở nên cam chịu. Cuộc sống hậu trường của những chân dài cũng phần nào được tiết lộ qua bộ phim.
Của để dành
"Của để dành" là bộ phim truyền hình thứ hai của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, ra mắt năm 2000. Phim xoay quanh gia đình bà Vi và ba đứa con lớn của bà là Thanh, Tiến và Thư. Do bà Vi thường xuyên bệnh tật nên cần người chăm sóc nhưng cả ba đứa con của bà do quá bận rộn với công việc nên không có thời gian chăm sóc bà mẹ. Vì vậy, ba đứa con đã quyết định tìm người giúp việc cho mẹ, nhưng tất cả đều đã không ở lại giúp việc được lâu. Thất vọng vì ba đứa con của bà, bà đã quyết định bỏ đi. Chỉ khi ấy, ba người con mới nhận ra bà Vi quan trọng thế nào. Vì thế họ đã lo lắng và sốt sắng đi tìm mẹ mình. Sau khi cảm thấy mình đã cho họ một bài học đích đáng, cuối cùng bà cũng đã trở về.
Các diễn viên trong "Của để dành". |
Tình mẫu tử được thể hiện rõ nét trong "Của để dành". Kết thúc có hậu bằng việc những đứa con xấc xược trước đây nhận ra sai lầm và hối lỗi, tìm về với người mẹ đáng kính đã làm lay động nhiều trái tim.
Đất Phương Nam
“Đất phương Nam” là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.
Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân.
An và Cò trong "Đất Phương Nam". |
Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai; được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.
Bộ phim khắc họa những chi tiết nhỏ và đặc sắc về từng mảnh đời và số phận người dân, bao gồm cảnh cô bé chờ mẹ vào từng đêm trăng rằm, cảnh cô đào hát vở Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà rồi tự vẫn, cảnh hạnh phúc ngắn ngủi của gia đình Mười Chức, cảnh một ngọn lửa đôi đèn tân hôn tắt báo hiệu điềm không lành cho sự hy sinh sắp tới của cô dâu Út Trọng,...