(ĐSPL) – Vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Karachi lớn nhất Pakistan đêm 8/6 đã khiến hầu hết mọi người đều cảm thấy kinh ngạc.
Liên quan đến vụ tấn công, hãng tin CNN đã đăng tải một bài bình luận của Imtiaz Gul, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh độc lập, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The Most Dangerous Place” (Tạm dịch: Nơi nguy hiểm nhất thế giới) và “Pakistan: Before and After Osama” (Tạm dịch: Pakistan: Trước và sau Osama).
Đây là vụ tấn công lớn nhất của lực lượng Taliban nhằm vào bộ máy an ninh nhà nước Pakistan, đồng thời cũng là lời nhắc nhở về một thách thức an ninh lớn xuất phát từ các tổ chức thuộc Al- Qaeda trong vùng núi biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Trong số 28 người thiệt mạng trong vụ tấn công sân bay Karachi vừa qua, 10 tay súng vũ trang hạng nặng đã bị bắn chết sau cuộc đọ súng kéo dài suốt 5 giờ. Hầu hết các tay súng mặc quân phục đều trang bị vũ khí, lựu đạn,… Các quan chức quân đội cho biết, hai kẻ khủng bố đã kích nổ lựu đạn.
Bằng cách trấn áp được những kẻ tấn công, lực lượng an ninh Pakistan đã có thể ngăn chặn được một vụ bắt giữ con tin quy mô lớn khi báo cáo cho thấy, chúng đã chuẩn bị cả lương thực và vũ khí như đậu Hà Lan, lựu đạn và bom xăng.
Động cơ của vụ tấn công là gì?
Phong trào Hồi giáo Taliban ở Pakistan (Tehreek-i-Taliban TTP) đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công sân bay quốc tế Jinnah tại thành phố Karachi.
“Đây là một sự báo thù cho thủ lĩnh Hakimullah Mehsud” và cũng là một lời cảnh báo đối với hoạt động quân sự sắp tới của chính phủ Pakistan nhằm vào “các bộ lạc vô tội ở Waziristan”, một tuyên bố của TTP nêu rõ. Thủ lĩnh Mehsud đã thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ hồi tháng 11/2013.
Trong một thông điệp trước đó đăng tải trên mạng xã hội Facebook, TTP tuyên bố: “Lý do chủ yếu của vụ tấn công sân bay Karachi là bởi vì đây là trung tâm lớn nhất chuyên cung cấp hàng hóa cho hàng loạt cuộc chiến tranh tôn giáo (Crusaders) ở Afghanistan và Pakistan”.
|
10 tay súng vũ trang hạng nặng đã tấn công vào Sân bay quốc tế Jinnah ở thành phố Karachi, Pakistan đêm 8/6. |
Là cuộc tấn công đầu tiên?
TTP cũng tuyên bố như vậy sau một vụ tấn công kinh hoàng vào sân bay quốc tế Bacha Khan ở Peshawar ngày 15/12/2012.
Tổ chức này cũng nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công vào căn cứ không quân PNS Mehran gần thành phố Karachi tháng 5/2011, sau đó là cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào căn cứ của lực lượng không quân Pakistan ở Kamra, cách thủ đô Pakistan khoảng 70 km về phía bắc, hồi tháng 8/2012.
Cả ba vụ tấn công đã gây ra tổn thất cho nhiều máy bay chiến đấu và giám sát, bao gồm máy bay giám sát Saab 2000 trị giá hàng triệu USD.
TTP xác nhận ba vụ tấn công là một sự trả thù đối với cuộc mật kích của Mỹ ngày 2/5/2011, sự kiện đã tiêu diệt thủ lĩnh Osama Bin Laden. Nhiều câu hỏi cũng như giả thiết được đặt tra trong quá trình đầu của cuộc điều tra.
Những kẻ tấn công đang cố tình làm Pakistan “mất thể diện”?
TTP dường như lại trở thành trung tâm của một mô hình khủng bố với mục đích bên ngoài là nhằm gây tổn hại nền kinh tế đất nước và cô lập Pakistan với thế giới. Chẳng hạn như, sau vụ tấn công vào đội tuyển crikê Sri Lankan hồi tháng 3/2009 tại Pakistan, tất cả các đội tuyển crikê nước ngoài khác đều từ chối sang nước này và các trận crikê quốc tế cũng không diễn ra tại Pakistan nữa.
“Thông điệp duy nhất sau những vụ tấn công này đó là người nước ngoài và các hãng hàng không quốc tế không nên đến Pakistan”, tướng nghỉ hưu Talat Masood nói với Imatiaz Gul. Ông cũng nhớ lại vụ thảm sát khiến 10 du khách nước ngoài thiệt mạng ngày 23/6/2013 trên Nanga Parbat (thuộc Himalaya), một trong những đỉnh núi cao nhất thế giới. Những nạn nhân bao gồm 3 người Ukraina, 2 người Slovakia, 1 người Lithuania, 2 người Trung Quốc, 1 người Mỹ gốc Trung Quốc và 1 người Nepal. Đây được coi là vụ tấn công kinh hoàng nhất nhằm vào du khách nước ngoại tại Pakistan trong một thập kỷ.
Vai trò của các chiến binh nước ngoài trong vụ tấn công sân bay Karachi là gì?
Tướng Rizwan Akhtar đã ám chỉ về khả năng các phần tử Uzbek liên quan đến vụ tấn công đẫm máu vừa qua.
“Qua ngoại hình, chúng giống với người Uzebk nhưng chúng tôi phải chờ kết quả giám định ADN mới thông báo với các nhà chức trách”, Akhtar trả lời khi được hỏi liệu những kẻ khủng bố nước ngoài có thực hiện vụ tấn công này hay không. Và đây không phải là lần đầu tiên các quan chức nhắc tới Uzbek trong một vụ tấn công có tổ chức như vậy.
TTP dường như được hưởng sự ủng hộ tích cực của các chiến binh thuộc phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), một tổ chức đã thoát khỏi sự ngược đãi ở Uzbekistan và định cư trong khu vực miền núi Waziristan nằm giữa Pakistan và Afghanistan, sau sự bại trận của chế độ Taliban hồi tháng 12/2011. Đặc biệt, sau cái chết của thủ lĩnh Tahir Yuldashev trong một vụ không kích tháng 8/2009, IMU ngày càng hướng về al Qeada và hành xử như một tổ chức vũ trang của al Qeada, chống lại các cơ quan an ninh Pakistan bởi chúng coi cơ quan này là một rào cản lớn trong cuộc chiến sinh tồn ở Pakistan.
Những kể tấn công có thông tin nội gián hay không?
TTP và các tổ chức nước ngoài của chúng nhận được sự ủng hộ của “những kẻ thù bên trong”.
“Một vụ tấn công được phối hợp ăn ý như vậy không thể thực hiện được nếu không có thông tin nội gián”, Jalam Husseim, một người từng làm việc trong Không quân Pakistan cho biết.
|
Thi thể của những người thiệt mạng sau vụ tấn công sân bay Karachi đêm 8/6 |
Tác động của các cuộc đàm phán hòa bình gần đây là gì?
Sự thất bại của các cuộc đàm phán giữa TTP với chính phủ Pakistan gần đây đã dẫn tới một loạt các vụ tấn công mới nhằm vào các mục tiêu chiến lược và an ninh. Bất chấp nhiều tuần thương lượng, những cuộc đàm phán do Thủ tướng Nawaz Sharif đề nghị trong một nỗ lực cải thiện an ninh đất nước đều không có kết quả.
Chính phủ và lực lượng an ninh Pakistan nhận thấy không thể chấp nhận các yêu cầu của TTP như thi hành luật Sharia trên mọi lĩnh vực, rút quân khỏi khu vực nơi các bộ lạc sinh sống... Và sau khi cuộc đàm phán trở nên bế tắc, quân đội bắt đầu tấn công vào những nơi ẩn náu của người Duy Ngô Nhĩ và IMU ở vùng núi Waziristan.
Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo mong muốn một khu tự trị Tân Cương độc lập. Nhóm người này được cho là đã khuấy động chiến tranh lợi ích từ khu vực biên giới Pakistan và Afghanistan.
Vụ tấn công có liên quan đến “một cuộc chiến tranh ủy nhiệm”?
Một số nhà chức trách cho rằng, chiến dịch khủng bố do TTP lãnh đạo liên quan đến cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tham gia ở một thời điểm nào đó.
Một số người Pakistan cáo buộc TTP là một tổ chức ủy quyền của Ấn Độ.Trong khi đó, các quan chức Ấn Độ thường đổ lỗi các vụ tấn công vào những lợi ích của Ấn Độ cho cơ quan tình báo Pakistan ISI, bao gồm vụ tấn công tự sát tại lãnh sự quán Ấn Độ ở thành phố Heart, miền đông Afghanistan hồi tháng trước.
Vụ tấn công tiết lộ điều gì về an ninh tại Karachi?
Vụ tấn công sân bay Karachi cũng cho thấy sự yếu kém trong khả năng cảnh báo của cơ quan an ninh Pakistan. Trong khi các nhân viên an ninh tìm cách khống chế những kẻ tấn công suốt 5 giờ và khôi phục giao thông hàng không vào buổi chiều 9/6, dư luận lại đặt nhiều câu hỏi đối với cơ quan tình báo.
Hasan Askari Rizvi, một nhà bình luận an ninh tại Lahore, băn khoăn về việc nhiều kẻ tấn công vẫn chưa bị phát hiện. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho chính phủ và toàn bộ các cơ quan an ninh Pakistan.
Chiến dịch chống khủng bố sẽ cần có sự phối hợp vô cùng chặt chẽ, Imtiaz Gul nhận định.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bi-an-sau-vu-tan-cong-san-bay-karachi-a36352.html