+Aa-
    Zalo

    Những “bến xe” bí hiểm đón khách giữa giờ cao điểm ở Thủ đô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, trên địa bàn HN xuất hiện tình trạng các xe vận tải khách núp bóng danh nghĩa xe hợp đồng, xe du lịch thường xuyên vòng vo, đón trả khách trong khu vực TP.

    (ĐSPL) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng các xe vận tải khách núp bóng danh nghĩa xe hợp đồng, xe du lịch thường xuyên vòng vo, đón trả khách trong khu vực thành phố. Thực trạng này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn rất khó xử lý.

    Phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã tiến hành tìm hiểu thực tế và phát hiện những kẽ hở khiến các doanh nghiệp vận tải ngang nhiên lách luật, thách thức cơ quan chức năng. Trong vai hành khách, PV đã điện thoại cho các nhà xe, rồi trực tiếp đi hàng chục chuyến xe du lịch trá hình, để tìm hiểu hoạt động trái phép của hàng loạt “bến cóc” ở Hà Nội.

    PV đã không khỏi giật mình trước thực trạng ngang nhiên lách luật của các nhà xe - vấn đề nhức nhối một thời “xe dù, bến cóc” đã trở nên tinh vi hơn.

    Thủ đoạn trá hình

    Thời gian vừa qua sự bùng phát các loại xe 10 chỗ được cải tạo nội thất thành những chiếc “xe siêu sang” hoạt động theo kiểu hợp đồng đưa đón khách du lịch đã gây mất trật tự an toàn giao thông nội đô Hà Nội. Bất chấp thời gian, thời tiết, ngay giữa giờ cao điểm, các loại xe này vẫn ngang nhiên xuất hiện trong các “bến cóc” đón trả khách giữa lúc đông người. Đáng nói, các hoạt động này diễn ra rất công khai.

    Khảo sát trên Google về loại xe khách hợp đồng đi theo các tuyến cố định, không khó để chúng tôi có được địa chỉ của hàng chục hãng “xe khách giá rẻ, chất lượng cao” quảng cáo, mời chào đặt vé qua mạng internet và qua điện thoại. Các nhà xe đều xin đầy đủ tên của khách hàng và hẹn giờ đặt chỗ.

    Trong vai khách hàng muốn đi Thái Nguyên, chúng tôi liên hệ với nhà xe Hà Lan có trụ sở tại công ty cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan (có 1 văn phòng tại trụ sở doanh nghiệp tại Thái Nguyên, 1 văn phòng đại diện tại Hà Nội ở địa chỉ số 82 đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy). Sau nhiều lần giới thiệu địa chỉ, nhân viên tổng đài của nhà xe đã chỉ cho chúng tôi rất nhiều điểm đưa đón khách khác nhau. Theo đó, hãng xe Hà Lan có các điểm đón khách cố định như: Số 82 Nguyễn Chánh, Bảo tàng dân tộc học, Chung cư vườn Đào, 211 Lò Đúc, 87 Đại Cồ Việt và Sân bay Nội Bài. Ngoài sân bay Nội Bài, các địa điểm đưa đón khách của hãng xe Hà Lan đều là những điểm nóng về giao thông vào giờ cao điểm.

    Theo tìm hiểu của PV, một trong những “điểm nóng” đồng thời cũng là nơi “tập kết” của nhiều loại xe khách Hà Lan ở ngay sau siêu thị BigC trên đường Nguyễn Chánh. Ngay khi ngồi xuống hỏi đường đi Thái Nguyên, chúng tôi đã được sự chỉ bảo nhiệt tình của rất nhiều người khách ở đây. Anh Lê Đình Hải, một khách hàng thường xuyên đi chuyến Hà Nội – Thái Nguyên nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi: “Anh muốn đón xe khách đi Thái Nguyên thì cứ vào đây (văn phòng của công ty Hà Lan trên đường Nguyễn Chánh - PV), cứ 5 – 10 phút là có một chuyến, xe đỗ ở ngay sau Big C này thôi. Mình đi từ Đông Á 1, Thái Nguyên xuống đến đây hết 120 nghìn đồng. Xe đến đón tận nhà. Trước kia đi Thái Nguyên – Hà Nội phải mất đến 2,5 tiếng, bây giờ chỉ mất khoảng 1h45’ là đến nơi”.

    Nhân viên nhà xe Hà Lan vô tư biến đường phố thành “bến cóc”.

    Cũng theo sự chỉ dẫn của anh Hải, đằng sau siêu thị BigC trên đường Phạm Hùng, thường xuyên có 2 – 3 xe Limousine của hãng xe Hà Lan có mặt, đủ các loại biển từ Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ. Nhìn bề ngoài các xe này có diện mạo y hệt nhau.

    Lách luật để trốn thuế

    Tìm xe khách đi các tỉnh, PV cũng thấy hàng dài xe mời chào, trong đó cũng rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định, thậm chí có một số xe chỉ cần “cộp mác xe hợp đồng” rồi vô tư biến các văn phòng, trụ sở thành bến cóc trong nội thành và dọc đường. Ngang nhiên hơn, nhiều xe còn đón trả khách ở ngay trong phố cổ như xe Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành, Inter bus line...

    Đặc biệt, sau 17h, trên các tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), hay Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) đâu đâu cũng thấy hàng loạt loại xe đón trả khách, từ xe giường nằm gắn phù hiệu hợp đồng, cho đến các loại xe du lịch kiểu limousine đón trả khách lẻ. Những khách này chỉ cần báo qua điện thoại hoặc đặt chỗ qua mạng là có xe đến đón. Không chỉ dùng các loại xe limousine 10 chỗ, nhiều hãng xe hiện nay còn sử dụng cả xe 7 chỗ ngồi. Nhìn bên ngoài các loại xe này không khác xe tư nhân, tuy nhiên, việc lập “bến cóc” để vận chuyển vẫn ngang nhiên diễn ra giữa nội đô.

    Theo phản ánh của người dân, thực trạng “xe dù, bến cóc” theo hình thái mới đã diễn ra suốt một thời gian dài. Phương thức hoạt động của các loại xe này chủ yếu là núp bóng xe được cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, đỗ tại nhà riêng, các điểm du lịch, bãi xe. Khi có khách, các phương tiện chạy vòng vo trong thành phố đón trả khách theo yêu cầu. Nhìn các loại xe này hoạt động trên phố mới thấy sự lộng hành, ngang nhiên của các tài xế, bởi việc đón trả khách tùy tiện trên đường phố gây ảnh hưởng lớn đến trật tự đô thị và an toàn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Đặc biệt, đa số “bến cóc” này tồn tại trái phép từ lâu.

    Các loại xe Limousine tập hợp ngay sau siêu thị Big C.

    Theo quy định, xe của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải tuân thủ nhiều yêu cầu như giờ giấc, lộ trình đường tuyến, thuế, tiền bến bãi và các loại phí. Tuy nhiên, với loại xe khách hoạt động theo kiểu xe du lịch thì những loại phí trên đã được các nhà xe “nuốt trọn”. Từ thực tế hoạt động của các hãng chạy “xe dù, bến cóc” trá hình, với lượng khách tới cả hàng ngàn người hàng ngày không vào bến đi xe, doanh nghiệp vận tải, nhà xe đã né được khoản thuế VAT 10\% rất lớn trên giá vé, các nhà xe tư nhân áp dụng hình thức thuế khoán cũng trốn được khoản thuế 4,5\% trên giá vé. Đây cũng là số tiền không nhỏ mà Nhà nước thất thu về thuế việc khai nộp bao nhiêu tùy vào sự tự giác của doanh nghiệp, chủ xe chạy hợp đồng. Việc “xe dù” thoải mái lựa chọn bến đỗ mà không thông qua bến bãi, và ngang nhiên trốn thuế dù gây ra nhiều bức xúc nhưng các hãng xe này hiện vẫn đang hoạt động công khai và khó bị xử lý triệt để.

    Theo ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng đội Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, loại hình xe chạy theo hợp đồng đón đưa khách trong nội đô đã xuất hiện nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã biết, nhưng việc xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn.

    Trong hoạt động vận tải hiện nay đang phân ra các loại hình vận tải, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch... với chức năng vận chuyển và những đối tượng vận chuyển riêng. Vì thế, khi xe ô tô vận tải được cấp phù hiệu hợp đồng, nhưng lại vận chuyển hành khách như tuyến cố định, gây ra sự lộn xộn trong giao thông và khó khăn cho công tác quản lý.

    Kỳ cuối: Bản hợp đồng ma làm bùa hộ mệnh cho xe dù

    Điều kiện đơn giản khiến bùng phát “xe dù, bến cóc” trá hình?

    Theo số liệu của vụ Vận tải, (tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản, nên xuất hiện nhiều xe hợp đồng trá hình, đón trả khách như xe khách chạy tuyến cố định. Đây cũng chính là lý do khiến loại hình “xe dù, bến cóc” theo phương thức mới bùng phát hoạt động.

    LẠI CƯỜNG – NGUYÊN MẠNH

    [mecloud]X3dwp1GZWG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ben-xe-bi-hiem-don-khach-giua-gio-cao-diem-o-thu-do-a145913.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan