(ĐSPL) - Bằng lý do nào đó, người ta có thể biến đất rừng, đất an ninh - quốc phòng thành đất nghĩa trang. Có nhiều khu mộ đang tiến dần vào khu dân cư, cơ quan hành chính công cộng. Đã có hiện tượng cò mồi, đầu cơ trong lĩnh vực mua bán loại hình đất để làm mồ mả.
Khi đất cõi âm xâm lấn dương trần
Theo quy định của luật, tiêu chí để xây dựng nông thôn mới phải có nghĩa trang nhân dân, xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quy chế về quản lý nghĩa trang. Nghĩa trang phải có khu mai táng, cát táng, tâm linh, có nơi trồng cây xanh; có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng; mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Thế nhưng, tình trạng mai táng người chết tại các vùng nông thôn ở Nghệ An vẫn còn lộn xộn, thiếu quy hoạch. Địa bàn huyện Thanh Chương, vấn đề nghĩa trang đang trở nên quá tải, tồn tại sát nhà dân khiến vấn đề trở nên nhức nhối.
Mộ nằm sát ngay quanh khu vực nhà dân ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương. |
|
Đi qua xã Thanh Lương (Thanh Chương) chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy hàng trăm ngôi mộ nằm ngay sát nhà, bếp ăn, vườn..., thậm chí gần giếng nước của nhiều hộ dân. Chỉ một đoạn đường dài chưa đến 500m đã có hơn 100 ngôi mộ nằm ngay sát khu dân cư. “Đầu tháng 4/2014, bà Nguyễn Thị N. (73 tuổi), trú tại xã Thanh Lương qua đời. Gia đình tổ chức làm lễ an táng cho bà N. tại nghĩa địa Cồn Lim. Khu vực mai táng cho bà N. nằm đối diện, cách cổng nhà tôi có 3m. Tôi đã làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng về điều này với mong muốn sẽ không có trường hợp nào chôn ở đây nữa”, ông Nguyễn Văn Đàn (81 tuổi) xóm 3, xã Thanh Lương bất lực trước việc họ chôn người chết trước cửa nhà mình.
Ô nhiễm môi trường
Người dân địa phương cho biết, nghĩa trang Cồn Lim có từ thế kỷ 18 nhưng những năm gần đây đã quá tải do người chết tăng lên. Các khu mộ lấn sang phần đất ở của người dân. Những ngày nắng nóng oi bức, mùi thối bốc lên khiến cho người dân nơi đây rất lo lắng. Không những thế, tình trạng rác thải bủa vây xung quanh khu nghĩa địa Cồn Lim khiến cho nhiều người dân cảm giác ngột ngạt.
Theo quan sát của phóng viên, tình trạng chồng chéo, lộn xộn, cỏ mọc um tùm, phân trâu bò vương vãi không có người chăm nom, vừa rất mất mỹ quan, vừa thất lễ với người đã khuất. “Gần khu nghĩa trang, rác tập trung nhiều năm nay không có cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý.Chuẩn bị vào mùa nắng nóng rồi, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, mùi xác chết động vật, rác thải,... bốc lên chắc chúng tôi không chịu đựng được. Mong chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, không để tình trạng ô nhiễm xảy ra nữa”, ông Lương Văn Hồng (58 tuổi) trú tại xóm 3, xã này cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tứ, cán bộ phụ trách địa chính xã Thanh Lương cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chết sống chung với người sống như hiện nay là do các gia đình xâm lấn đất để ở nên nghĩa trang quá tải. Hầu hết các hộ gia đình ở đó đều chưa được chính quyền xã cấp sổ đỏ. Trên bản đồ có từ năm 1984 thì toàn bộ khu vực đó đều nằm trong quy hoạch nghĩa trang Cồn Lim”.
Theo ông Tứ, thực tế xã cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vấn đề trên bởi những ngôi mộ ở đây tồn tại nhiều năm liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng khiến việc di dời là vô cùng khó khăn. Nếu làm theo quy tắc thì những hộ dân nơi đây phải di dời nhà nhưng họ đã sống ở đây mấy chục năm nên chính quyền cũng bất lực. Ông Tứ phân trần: “Hiện tại chúng tôi đã cấm chôn cất người chết ở Cồn Lim mà chuyển vào 3 khu nghĩa trang, gồm: Phượng Hoàng, Đồn Đổ, Khe Dóc. Còn về phần bãi rác nằm sát nghĩa địa Cồn Lim là do người dân chợ Cồn, xã Thanh Lương tập kết rác về đó”.
Chính quyền loay hoay
Không chỉ ở nghĩa trang Cồn Lim mà nghĩa trang Cồn Thập Mẫu ở Thanh Lâm cũng đang trong tình trạng tương tự. Nghĩa trang này đã tồn tại từ lâu nhưng những năm gần đây, số người chết được chôn nhiều khiến nơi đây trở nên chật chội.
Điều đáng nói, dù nghĩa trang này thuộc phần đất quản lý của xã Thanh Lâm nhưng đa số ngôi mộ chôn cất tại đây chủ yếu là của người dân ở xã Thanh Giang. Có 58 hộ dân, 278 nhân khẩu, xã Thanh Lâm đang từng ngày phải gánh chịu trực tiếp việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nên càng khiến dư luận và người dân địa phương bức xúc.
Nghĩa trang Cồn Lim ngập trong núi rác nhiều năm nay. |
|
Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, đầu năm 2009, UBND huyện Thanh Chương đã ra Công văn số 224/CV-UBND gửi UBND xã Thanh Lâm và UBND xã Thanh Giang phối hợp thực hiện tuyên truyền, kiểm tra không để cho người dân tiếp tục chôn cất tại nghĩa trang này.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền xã Thanh Lâm đã treo biển cấm chôn cất người chết tại nghĩa trang. Không những thế, xã Thanh Lâm còn phối hợp với chính quyền xã Thanh Giang, tuyên truyền người dân trong xã không được đưa người mất tới mai táng tại nghĩa trang này nữa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân một số xóm ở xã Thanh Giang vẫn tiếp tục chôn cất người mất ở nghĩa trang Cồn Thập Mẫu. Điều này khiến cho nhiều hộ dân xung quanh rất bức xúc.
Những ngôi mộ mọc lên dày đặc đã làm ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Nhiều giếng nước của bà con đã xuất hiện váng màu vàng như váng mỡ không sử dụng được. Trong khi đó, đa số người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nước giếng đào và nước giếng khoan.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Tưởng Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: “Sau khi có văn bản của UBND huyện, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến người dân để mọi người biết không vi phạm. Chúng tôi đã quy hoạch 2 nghĩa trang mới là Cồn Thông và Cồn Ong trong xã làm nơi chôn cất người chết. Tuy nhiên, do khu vực nghĩa trang Cồn Thập Mẫu còn một số quần thể mộ thuộc các dòng họ nên một số gia đình khi có người chết vẫn chôn cất tại đây. Sắp tới nếu có trường hợp nào vi phạm chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm”, ông Thành nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân, chúng tôi đã xem xét và ra công văn cấm chôn cất người chết tại khu nghĩa trang Cồn Thập Mẫu. Những hộ vi phạm phải lập biên bản, thu giữ phương tiện để giải quyết dứt điểm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với xã kiểm tra xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Ngoài Thanh Chương, nhiều huyện khác ở trên địa bàn Nghệ An, tình trạng xây mộ đang còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Dù đã có quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân mới nhưng nhiều hộ gia đình ở xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) vẫn chôn cất người chết ở nghĩa trang cũ – nằm trong khu dân cư. Hầu hết, mộ ở các khu nghĩa trang ở đây được đặt đủ các hướng theo ý chủ quan của người sống, cái thò ra, cái thụt vào, cái cao, cái thấp, lô nhô, mất mỹ quan.
Đa số các nghĩa trang ở đây đều không đảm bảo quy định cách khu dân cư 1500m. Tình trạng chồng chéo, giải quyết không triệt để khiến cho người dân phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Việc quy hoạch nghĩa trang càng lộn xộn hơn khi người dân chôn cất theo kiểu “mạnh ai người ấy chiếm” kéo theo nhiều hệ lụy xấu.
Được biết đa phần là mồ mả xâm lấn vào khu dân cư nhưng trên thực tế, có nơi vẫn còn tình trạng để các khu du lịch, khu vui chơi xâm lấn vào cả khu nghĩa trang truyền thống. Mới đây, người dân thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) rất bất bình với việc bị chính quyền ngăn cấm chôn cất người đã khuất vào khu nghĩa địa truyền thống của họ.
Sở dĩ có việc như vậy là do tại địa phương, khu ẩm thực của một doanh nghiệp tư nhân đặt cạnh với khu nghĩa địa trên. Để tránh bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đã can thiệp nhờ chính quyền cản trở để người dân không tiếp tục được chôn cất tại khu nghĩa địa này.
NHÓM PVMT
(Còn nữa)
Xem thêm video: Phản đối xây nghĩa trang, 5 đối tượng lĩnh 117 tháng tù
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhuc-nhoi-quy-hoach-dat-nghia-trang-nguoi-dan-tu-phat-chinh-quyen-bat-luc-a91316.html