+Aa-
    Zalo

    Nhức nhối nạn dùng chứng chỉ giả thi tuyển công chức, hợp thức hồ sơ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Làm giả khuôn dấu của nhà trường, nhiều trường hợp bị phát hiện mang chứng chỉ này đi xin việc làm tại các cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.

    Làm giả khuôn dấu của nhà trường, chữ ký của hiệu trưởng và các thông tin được ghi trên chứng chỉ có nội dung giống với chứng chỉ ngoại ngữ của trường đại học Ngoại ngữ cấp (ĐH Huế), rất nhiều trường hợp bị phát hiện mang chứng chỉ này đi xin việc làm tại các cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

    Ngày 16/5, ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường đại học Ngoại Ngữ, ĐH Huế cho biết, qua quá trình rà soát, nhà trường đã phát hiện có rất nhiều trường hợp các đối tượng bên ngoài làm giả chứng chỉ ngoại ngữ của đơn vị để xin việc làm. Cũng theo ông Tiến, bằng việc tiến hành đối chiếu với hồ sơ đã tổ chức thi, nhà trường đã phát hiện những trường hợp không có tên trong danh sách của đợt thi mà đơn vị đã tổ chức. Được biết, sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo trường đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

    Theo ông Tiến, sau khi nhận được công văn của một số đơn vị trên cả nước yêu cầu trường đại học Ngoại ngữ, ĐH Huế kiểm tra, rà soát các loại chứng chỉ ngoại ngữ do nhà trường cấp, đơn vị đã phát hiện rất nhiều trường hợp được làm giả tinh vi. “Cụ thể, các đối tượng đã làm giả khuôn dấu của nhà trường, chữ ký của hiệu trưởng và các thông tin được ghi trên chứng chỉ có nội dung giống với chứng chỉ ngoại ngữ của trường đại học Ngoại ngữ cấp”, ông Tiến nói. Được biết, sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo trường đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Trao đổi với PV, một cán bộ của phòng PA83, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, về vụ việc này đơn vị vẫn chưa nắm được thông tin phản ánh.

    Chứng chỉ ngoại ngữ giả được trường đại học Ngoại ngữ, đại học Huế kiểm tra, phát hiện.

    Thời gian trước, cũng tại Thừa Thiên- Huế, một cán bộ (công tác tại ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế) bị phát hiện dùng bằng Ngoại ngữ giả để được trường ĐH Huế cấp bằng thạc sĩ. Theo đó, qua nhiều thư tố cáo nặc danh, cho rằng cán bộ này dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả để đủ điều kiện cấp bằng thạc sĩ, ĐH Huế đã kiểm tra, phát hiện tấm bằng ngoại ngữ do một trường ĐH ở TP.HCM cấp là không trùng khớp với hồ sơ gốc của trường ĐH đó lưu - chứng tỏ bằng giả. Giám đốc ĐH Huế đã ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ của cán bộ nói trên, lý do “không đủ điều kiện tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành”. ĐH Huế cũng ra văn bản đề nghị trường ĐH Nghệ thuật có hình thức xử lý kỷ luật cán bộ do trường quản lý.

    Vấn nạn bằng giả đã có mặt nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Tại Hà Nội, thời điểm đầu năm 2018, Nguyễn Thị H. (SN 1983), trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cùng Nguyễn Văn Th. (SN 1972) Giám đốc công ty CP phát triển nguồn nhân lực Đông Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực châu Âu. Mới đây, 2 đối tượng này đã bị Công an Hà Nội bắt giữ. Đến thời điểm bắt giữ, các đối tượng đã tổ chức thi cho hơn 140 thí sinh. Được biết, người phụ nữ này nguyên là giảng viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, trước khi tham gia vào đường dây cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả. Đáng chú ý, H. từng đứng ra tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả, đã bị Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện. Vụ việc đang trong quá trình xử lý thì H. tiếp tục có dấu hiệu phạm tội. Các thí sinh dự thi phải nộp từ 3,5 đến 33 triệu đồng, tùy loại chứng chỉ. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng.

    Về biện pháp xử lý những vi phạm trong vấn nạn bằng giả, luật gia Nguyễn Văn Hoan cho rằng, chế tài để xử lý những vi phạm liên quan đến giáo dục nói chung là từ xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự. Đối với trường hợp những người làm bằng, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng có thể bị xử lý hình sự. Ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục, nếu bị phát hiện việc cấp chứng chỉ cho người chưa trải qua quá trình học tập, thi cử (cũng được coi là bằng giả, mặc dù phôi thật) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

    Công Định

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 60

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhuc-nhoi-nan-dung-chung-chi-gia-thi-tuyen-cong-chuc-hop-thuc-ho-so-a230034.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan