+Aa-
    Zalo

    Nhức nhối nạn “cò” trong các bệnh viện tuyến đầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện nay, an ninh ở các bệnh viện vẫn luôn là vấn đề nhức nhối khi các loại "cò" và đạo chích hoành hành ngay trong bệnh viện.,,,

    Ngoài những sự việc gây chấn động như bắt cóc trẻ em, cắt chân, giả dạng bác sỹ luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra bất cứ lúc nào, thì các bệnh viện vẫn luôn nhức nhối trước tình trạng “cò” và mất cắp trong bệnh viện.

    Với thực trạng quá tải nghiêm trọng tại tất cả các bệnh viện tuyến đầu của nước ta hiện nay, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại đây luôn vô cùng nóng bỏng và ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

    Vẫn thủ đoạn lôi kéo bệnh nhân ra phòng khám tư

    Là bệnh viện tuyến đầu thuộc hàng đông nhất cả nước, mỗi ngày Bạch Mai đón khoảng 2 vạn lượt người ra vào, bao gồm bệnh nhân, người nhà, y, bác sỹ, nhân viên bệnh viện, sinh viên, thực tập sinh… Kéo theo con số khổng lồ này là hàng ngàn lao động ăn theo: bán hàng, taxi, xe ôm, và không thể thiếu được… “cò”. Tình hình này nổi cộm đến độ, bệnh viện Bạch Mai có riêng một phòng Bảo vệ chính trị nội bộ được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp như lực lượng “đặc nhiệm”, với chức năng vừa kiểm soát ANTT trong bệnh viện, vừa chống thoái hoá, biến chất ngay trong đội ngũ y, bác sỹ để chống lại nạn “cò”.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Tấn, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ của bệnh viện cho biết: "Nổi cộm nhất hiện nay, ngoài việc đi lại lộn xộn trong và ngoài bệnh viện, thì vẫn cứ là nạn “cò” hoành hành. “Hiện tượng “cò” câu kết với y, bác sỹ của bệnh viện, chúng tôi đã đấu tranh ngăn chặn được, thì nảy sinh loại “cò” lôi kéo bệnh nhân ra các phòng khám tư với giá cắt cổ. Đặc biệt người nhà bệnh nhân ở các tỉnh xa đến như Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… dễ bị lợi dụng lừa gạt” - ông Tấn cho biết.

    Nhức nhối nạn “cò” trong bệnh viện
    Một ca cấp cứu ở phòng khám Bệnh viện Việt Đức.

    Lực lượng bảo vệ của bệnh viện Bạch Mai mấy năm nay đã thống kê và hễ phát hiện đều báo ngay cho lực lượng Công an phường xử lý. Tuy nhiên chế tài xử phạt quá nhẹ, nên các đối tượng đâm “nhờn”. Thủ đoạn chung của “cò” là đánh vào tâm lý bệnh nhân, hù dọa khu khám bệnh trong bệnh viện rất đông, phải xếp hàng đến tối rồi sau đó  mạo nhận là người nhà bác sỹ, có thể bố trí khám nhanh, uy tín với giá rẻ, để “lôi” bệnh nhân ra phòng khám tư.

    Nhanh hay uy tín đâu chưa biết, nhưng giá chắc chắn là gấp đôi, gấp ba. Bệnh viện Bạch Mai đã từng bắt được 1 trường hợp thu gần 3 triệu đồng với một xét nghiệm trong bệnh viện chỉ làm mất 800.000 đồng.

    Theo tiết lộ của ông Tấn, tỷ lệ ăn chia của “cò” với phòng khám tư khiến nhiều người giật mình, vì nó lên tới 40\%. Ăn thì “đậm”, trong khi nếu bị bắt phạt hành chính chỉ có 150.000 đồng, nên dẹp xong “cò” lại “mọc”.

    TS. Trần Đình Thơ, Trưởng phòng TCCB (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, đã có trường hợp người nhà một bệnh nhân tim bị lừa mất 50 triệu đồng cũng bằng thủ đoạn giả quen bác sỹ, có thể bố trí mổ nhanh. Những thủ đoạn như thế này không hiếm gặp.

    Quá tải là nguyên nhân chính

    Không riêng gì bệnh viện Bạch Mai, tại các bệnh viện tuyến đầu khác như Việt Đức, K, Răng Hàm Mặt, Phụ sản Trung ương... cũng không thiếu gì “cò”.

    Nằm ở một vị trí nhỏ, chật chội trên đường Hai Bà Trưng, bệnh viện K luôn có bệnh nhân đông nghẹt, lại toàn bệnh nhân nặng, có khi xếp hàng cả ngày chưa đến lượt khám… Đây là cơ hội bằng vàng cho “cò” hoạt động. Trung tá Tô Quốc Đông, Phó trưởng Công an phường Hàng Bông (Hà Nội) luôn trăn trở trước tình trạng này.

    “Cò” phổ biến ở bệnh viện K là bán “chỗ” xếp hàng, lấy kết quả xét nghiệm sớm và lôi kéo bệnh nhân ra phòng khám tư. Trong khi đó, công tác bảo vệ của bệnh viện này yếu và chưa được lãnh đạo bệnh viện quan tâm đúng mức.

    Thậm chí có lần lực lượng Công an dẹp trật tự ngoài đường, những người bán hàng rong còn chạy vào bệnh viện trốn, mà bảo vệ không ngăn chặn. Nhiều “cò” quen mặt vẫn tự do ra vào bệnh viện liên tục, nhưng lực lượng bảo vệ không bắt được trường hợp nào.

    Ngoài nạn “cò”, tình trạng mất cắp ở bệnh viện cũng diễn ra phức tạp, dù các bệnh viện đều luôn nhắc nhở người nhà bệnh nhân cảnh giác. Thông thường, các đối tượng thường lựa những khu vực đông người như phòng khám, nơi xếp hàng lấy số khám, thanh toán viện phí hoặc trong thang máy, để trộm cắp, móc túi. Tại bệnh viện K, kẻ gian đã đột nhập phòng làm việc của nhân viên, lấy đi 6,2 lượng vàng và 53 triệu đồng.

    Tại bệnh viện Bạch Mai, lực lượng bảo vệ ở đây đã lập được danh sách các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, trong đó trẻ nhất mới 13 tuổi, già nhất hơn 70 tuổi. Các đối tượng này có thể là một nhóm nữ 3 - 5 người, rồi gây hỗn loạn để lấy cắp và chuyền tay nhau. bệnh viện Bạch Mai từng bắt những đối tượng có đến 14 tiền án, tiền sự như Bùi Thị Tâm, Trần Thị Dung.

    Đối với hiện tượng giả dạng bác sỹ, đối tượng thường là học viên một số trường cao đẳng, trung cấp y, có thời gian thực tập tại bệnh viện nên quen đường đi, nước bước và cũng hiểu một chút chuyên môn để có thể thuyết phục được bệnh nhân.

    Công an phường Hàng Bông cũng từng bắt được một sinh viên Cao đẳng Y Hải Dương, sau đợt thực tập đã quay lại lừa đảo người nhà bệnh nhân. Thời gian hoạt động của các đối tượng thường vào khoảng 11 – 13h và sau 17h, khi bác sỹ không đi khám bệnh, phát thuốc nên khó bị nhận ra.

    Chia sẻ về tình hình ANTT tại bệnh viện, cả đội ngũ bảo vệ bệnh viện lẫn lực lượng Công an đều rất lo lắng. Ai cũng hiểu rõ, nếu không đảm bảo ANTT, các thầy thuốc sẽ khó làm tốt công tác chuyên môn, nhưng vẫn chưa có thuốc “đặc trị” cho căn bệnh này. “Bệnh viện Việt Đức có truyền thống về đảm bảo tốt ANTT và đầu tư rất lớn cho công tác này. Nhưng vẫn có những yếu tố khách quan không thể thay đổi, như lượng người ra vào quá lớn, mỗi ngày khoảng chục nghìn lượt; bệnh viện quá tải, lúc nào cũng đông đúc, cung không đáp ứng đủ cầu, cơ sở vật chất lại quá chật chội” - TS Trần Đình Thơ chia sẻ.

    Linh Chi (theo CAND)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhuc-nhoi-nan-co-trong-cac-benh-vien-tuyen-dau-a25311.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan