Thấy cặp tình nhân đang tâm sự, nhóm thiếu niên đã dùng dao uy hiếp, cướp tiền và điện thoại đem bán lấy tiền ăn chơi.
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, Công an quận 1 (Công an TP. Hồ Chí Minh) đang tạm giữ Lê Văn Huy, Phạm Công Thìn và Lê Nguyễn Phương Khanh (cùng 16 tuổi, ngụ quận 1) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Ba đối tượng tại cơ quan công an - Ảnh: báo Công an TP. Hồ Chí Minh |
Theo thông tin đăng tải trên báo Công an TP. Hồ Chí Minh, trước đó vào khoảng 22h45 ngày 7/4, nhóm thiếu niên đi trên đường Hoàng Sa (P. Tân Định, Q.1) thì phát hiện thấy anh Trần Phi Long (SN 1994, quê Tiền Giang) đang ngồi tâm sự cùng bạn gái bên bờ kè.
Nhìn cặp tình nhân đang mải mê tâm sự, ba đối tượng này liền nảy sinh ý định khống chế nạn nhân để cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. Sau đó, bọn chúng lẻn lại gần rồi móc một con dao Thái Lan dí vào người anh Long đe dọa nếu kháng cự sẽ bị chúng đâm chết.
Do bị uy hiếp, cặp tình nhân trẻ không dám phản ứng, để mặc cho bọn chúng lục túi cướp 2 điện thoại và 380 ngàn đồng tiền mặt. Trước khi bỏ đi, bọn cướp còn hăm dọa nếu nạn nhân dám trình báo công an sẽ bị chúng truy tìm đâm chết.
Tiếp nhận thông tin từ bị hại, công an P. Tân Định nhanh chóng xuống khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để điều tra làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã khoanh vùng nghi phạm bắt giữ 3 thiếu niên sau hai ngày truy xét.
Tại cơ quan công an, Thìn, Huy và Khanh khai do thiếu tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định đi cướp.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp