+Aa-
    Zalo

    Nhóm học sinh lớp 10 bị bắt khẩn cấp vì "đu trend chặt biển số", “báo động đỏ” hành vi lệch chuẩn

    (ĐS&PL) - Các vụ việc chặt biển số xe liên tiếp xảy ra tại các địa phương như hồi chuông cảnh báo về nhận thức lệch chuẩn của giới trẻ trong trào lưu "đu trend" mạng xã hội.

    “Đu trend” chặt biển số xe

    Những ngày qua liên tiếp xảy ra các vụ chặt biển số xe máy của người đi đường. Tình trạng này nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều địa phương, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn phản ánh sự ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về hành vi của giới trẻ.

    Mới đây, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với Trần Quốc Ph (SN 28/7/2008, trú tại TDP Hương Đình, phường Tân Phú, TP.Phổ Yên, Thái Nguyên), Nguyễn Văn N (SN 1/6/2009, trú tại TDP Quan Rùa, phường Đông Cao, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên) và Nguyễn Huy M (SN 26/10/2009, trú tại TDP Triều Lai 2, phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên). Các đối tượng đều là học sinh khối 10 trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên về hành vi “Cướp tài sản”.

    Nhóm học sinh lớp 10 tại hiện trường gây án. (Ảnh: CACC)

    Nhóm học sinh lớp 10 tại hiện trường gây án. (Ảnh: CACC)

    Trước đó, vào chiều 19/10, các đối tượng gồm: Trần Quốc Ph, Nguyễn Văn N, Nguyễn Huy M cùng với Nguyễn Xuân K (SN 3/2/2009, trú tại TDP Quan Rùa, phường Đông Cao, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên (học sinh trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên); Ngô Thượng Tr (SN 13/8/2008, trú tại TDP Yên Gia, phường Tân Phú, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên (học sinh trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên) và Nguyễn Đức H (SN 3/8/2009, trú tại TDP Me, phường Đông Cao, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên (đã bỏ học) đã bàn bạc cùng nhau đến cầu Hòa Sơn (cây cầu bắc qua sông Cầu, nối xã Hoà Sơn, Hiệp Hoà, Bắc Giang với phường Đông Cao, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên) để tìm đánh các thanh niên là người tỉnh Bắc Giang và chặt, chiếm đoạt biển kiểm soát của các phương tiện mà các thanh niên Bắc Giang sử dụng.

    Sau đó, 6 đối tượng này sử dụng 2 xe mô tô không mang biển kiểm soát. Khi đi, Trần Quốc Ph và Nguyễn Huy M mỗi người mang theo 1 con dao dạng dao Mèo. Đến cầu Hòa Sơn, phát hiện trên cầu có 2 thanh niên đi trên 1 xe mô tô là Nguyễn Duy Q (SN  2005, trú tại TDP số 1, thị trấn Thắng, Hiệp Hoà) đang điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave mang biển kiểm soát 98D1-207.55 chở Trần Mạnh Đ (SN 8/4/2009, trú tại TDP số 2, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa) đi về hướng huyện Hiệp Hòa thì Nguyễn Xuân K và Ngô Thượng Tr nhảy xuống xe để N chở M, H chở Ph đuổi theo.

    Đuổi được khoảng 1,2km thì nhóm của Ph bắt kịp và ép Q dừng xe. Lúc này, Ph. tiến đến dùng dao mang theo chặt đứt chắn bùn phía sau của bánh sau xe Q điều khiển rồi chiếm đoạt chiếc biển kiểm soát. Sau đó cả nhóm đi về TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cất giấu chiếc biển kiểm soát vừa chiếm đoạt được.

    Hay ngày 4/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng Phùng Quang Vinh (SN 2007, đều trú tại Tân Phú, Tân Sơn), Phạm Xuân Toàn (SN 2008, Hà Minh Trí (SN 2008, trú tại Thạch Kiệt, Tân Sơn) về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. 

    Các đối tượng tham gia chặt biển số xe ở Phú Thọ.

    Các đối tượng tham gia chặt biển số xe ở Phú Thọ.

    Tại cơ quan công an, các đối tượng trên khai nhận, sau khi xem được nội dung của một số thanh, thiếu niên trên mạng xã hội TikTok về “chặt biển số xe người lạ mặt đi đường”, ngày 3/9, các đối tượng trên đã gặp nhau, bàn bạc, thống nhất làm theo "trend" trên. Chúng thống nhất thực hiện vào buổi tối, sử dụng từ 2 - 3 xe máy đi trên tuyến đường quốc lộ 32, sau đó, nếu gặp thanh niên lạ mặt, đi kèm ít người thì chặn đánh và chặt lấy biển số xe để thị uy, chụp ảnh khoe trên mạng xã hội.

    Tương tự, ngày 17/8, nhóm thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 - 17 tại huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội, cầm tuýp sắt gắn đầu sắc nhọn, gây ra hàng loạt vụ chặt biển số xe trên địa bàn… Mục đích của các vụ việc chặt biển số xe là để đăng lên mạng xã hội khoe... "chiến tích". Nhóm trước làm, nhóm sau thấy vậy học theo. 

    Lệch chuẩn nhận thức, biết sai vẫn làm, vì sao?

    Nghe PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích về hành vi "đu trend" lệch chuẩn của giới trẻ:

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, vụ việc chặt biển số xe đang trở thành một xu hướng đáng lo ngại, phản ánh sự thiếu giám sát và giáo dục từ gia đình và nhà trường. Sự phát tán của các video và hình ảnh trên mạng xã hội đã thúc đẩy các hành vi này, khiến giới trẻ tìm cách gây sự chú ý bằng những hành động phá hoại.

    Theo PGS.TS Trần Thành Nam, lí do khiến trẻ vị thành niên thực hiện những hành vi lệch chuẩn dù biết là sai là họ đang tìm kiếm sự phấn khích. “Các em chán học, muốn thoát khỏi sự nhàm chán bằng những hành vi tìm kiếm sự phấn khích. Những hành vi như chặt biển số xe, đua xe, hút thuốc hay quan hệ tình dục không an toàn nó cũng là hành vi tìm sự phấn khích.

    PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

    PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

    Việc đu trend như chặt biển số xe lại tạo được sự chú ý của người khác, trong khi đó, lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi rất muốn khẳng định bản sắc của riêng mình, muốn tìm kiếm sự chú ý của người khác nhưng họ lại không có tài năng gì để thu hút sự chú ý của người khác. Và khi thấy trào lưu trên mạng xã hội đang được quan tâm, thì ngay lập tức các em sẽ làm theo với mong muốn “gây sốc” trong cộng đồng”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

    Cùng với đó, theo PGS.TS Nam, ở nhóm tuổi này, tính tư duy phản biện chưa cao, tính giá trị hình thành của các em chưa bền vững cùng kiến thức pháp luật còn rất hạn chế.

    “Chúng ta đang chuyển từ giáo dục “dạy chữ” sang “dạy người” nhưng về cơ bản vẫn thiên về dạy chữ, các hoạt động “dạy người” ở các nhà trường chưa đủ thu hút để các bạn tham gia vào và vì vậy những cái giá trị như trung thực, tôn trọng, hợp tác… chưa được hình thành. Vì không có những giá trị cơ bản đó, nên những hành vi lệch chuẩn nhận thức được hành động một cách vô tư và sẽ không dừng lại.

    Rõ ràng khi mạng xã hội đang trở thành 1 phần không thể thiếu của giới trẻ, những trend lệch chuẩn lại tạo sự thu hút ghê gớm. Tư duy các bạn trẻ lại thực dụng khi những clip được sự chú ý, nhiều view lại được trả tiền, từ đó, các em nhận thấy việc kiếm tiền rất đơn giản và bị ảo tưởng sức mạnh rằng mình chỉ cần như thế thôi mình có thể thành công, có tiền và như vậy mình có quyền làm cái này làm cái khác. Đó là 1 thực trạng đáng báo động”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

    Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Thành Nam, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho rằng, những hành vi “đu trend” lệch chuẩn nhận thức như trend chặt biển số xe của các thanh thiếu niên như hồi chuông cảnh báo, cần biện pháp giáo dục cấp thiết.

    "Đối tượng thực hiện những hành vi này chủ yếu là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 - 18. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành nhân cách và nhận thức xã hội của các em, kiến thức pháp luật rất hạn chế.

    Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, tôi gặp rất nhiều bạn trẻ trong các vụ gây rối trật tự công cộng, chặt biển số xe, đua xe… bật khóc khi lấy lời khai. Nhiều em hồn nhiên trình bày không thể nghĩ việc chặt 1 biển số xe mang về để quay clip đăng tiktok lại phạm tội “Cướp tài sản” với khung hình phạt nặng như vậy. Thật sự rất xót xa khi tương laii các em còn rất dài ở phía trước”, luật sư Kiên chia sẻ.

    Giải pháp nào loại bỏ tư duy thích “đu trend” lệch chuẩn?

    Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giải pháp tổng thể rõ ràng đó là giáo dục những giá trị căn bản ở nhà trường và gia đình cần đồng hành, sát cánh bên các bạn trẻ. Bản thân các bạn trong vị thành niên đang rất muốn có những sân chơi lành mạnh mà chúng ta còn đang thiếu, do đó cần có sự chung tay của xã hội, nhà trường và gia đình.

    Luật sư Phạm Hồng Kiên.

    Luật sư Phạm Hồng Kiên.

    Còn theo luật sư Phạm Hồng Kiên, gia đình cần có trách nhiệm giáo dục con cái về đạo đức và pháp luật từ sớm. Việc quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội, thiết lập các bộ lọc nội dung và khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa là các biện pháp cần thiết. Gia đình cũng nên tạo điều kiện cho con cái phát triển các kỹ năng xã hội tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh. 

    “Về những lỗ hổng kiến thức pháp luật ở giới trẻ, nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục pháp luật và đạo đức, cần tích hợp các bài học về quyền và nghĩa vụ, các quy định pháp luật vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi học ngoại khóa, hội thảo và hoạt động tuyên truyền sẽ giúp học sinh nhận thức rõ hơn về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Kiên phân tích.

    Qua vụ việc xảy ra tại huyện Hiệp Hòa, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đề nghị Ban giám hiệu các nhà trường, các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, không giao phương tiện cho con em mình khi chưa đủ điều kiện sử dụng. Thời gian tới, Công an huyện Hiệp Hòa sẽ chỉ đạo các lực lượng tăng cường các biện pháp quản lý thanh thiếu niên nhất là đối với học sinh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Người dân khi phát hiện các nhóm thanh thiếu niên có biều hiện vi phạm đề nghị thông báo đến Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc trực ban Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang theo số điện thoại 02043.872.205 để tiếp nhận và xử lý theo quy định.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhom-hoc-sinh-lop-10-bi-bat-khan-cap-vi-u-trend-chat-bien-so-bao-ong-o-hanh-vi-lech-chuan-a475994.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan