Khi thành phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì những người phụ nữ lại tất bật gồng mình bươn chải với đôi quang gánh, chiếc xe kéo tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội)...
Những người phụ nữ nhọc nhằn kéo xe hàng trong đêm. |
Bán… sức khỏe chốn đô thành
3h sáng 19/10, chúng tôi đến chợ Long Biên - chợ đầu mối rau quả lớn nhất miền Bắc. Đủ các loại phương tiện từ xe tải tới xe máy, xe kéo nối đuôi nhau chạy rầm rầm. Chen vào đó là những bước chân thình thịch, tiếng hò hét, í ới, quát tháo vang lên từ dòng người khuân vác gánh hàng thuê cho các chủ xe và thương lái. Dáng vẻ vội vã, khuôn mặt hốc hác chạy ngược, chạy xuôi, bất kể hàng nặng, nhẹ đang mang trên mình, những nữ cửu vạn bước như chạy, ai cũng cố ngoi lên về đích trước để còn quay lại nhận hàng tiếp theo. Không ở đâu, cửu vạn nữ lại đông như chợ Long Biên. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau như: Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… nhưng đều chung một công việc: Bán sức lao động để kiếm sống. Người thì có xe kéo, xe đẩy, người thì chiếc đòn gánh trên vai, thậm chí chỉ cần đôi bàn tay, hễ ai cần thuê mướn, họ đều sẵn sàng làm tất thảy.
Khi những tia sáng đầu tiên trong ngày bắt đầu cũng là lúc những tấm lưng nữ cửu vạn thấm đẫm mồ hôi. Cô Hòa (58 tuổi, Nam Định) một người có kinh nghiệm lâu năm trong chợ đang gồng mình kéo chiếc xe chở hơn hai tạ quýt và củ đậu qua con dốc lởm chởm đất đá, khúc khuỷu. Gần 20 năm nay, đêm nào cô cũng có mặt ở chợ từ 12h đêm đến khi chợ vãn bất kể trời mưa, nắng hay rét mướt. Chiếc xe kéo hai càng, được mua với giá hơn 1 triệu đồng đã gắn bó với cô từ lúc mới vào nghề. Trong những giây phút hiếm hoi ngồi nghỉ chờ hàng, cô xoa nắn đôi bàn tay chai cứng, thô ráp sau những tháng ngày cầm càng xe. Cô bảo, ở quê làm ruộng không ăn thua, trông chờ vào vài sào ruộng thì không đủ ăn, từ khi lên đây làm tuy vất vả nhưng thu nhập khá, tằn tiện cũng gửi được tiền về nuôi gia đình. “Công việc ở đây vất vả lắm, phải có sức khỏe mới trụ được, tiền lương phụ thuộc vào lượng hàng mình kéo được. Trung bình mỗi lượt kéo được hơn một tạ với số tiền 60 - 70 nghìn đồng. Chỉ những ngày mùng 1, ngày rằm tiền công được trả gấp đôi. Trừ chi phí sinh hoạt và phòng trọ, mỗi tháng thu nhập 10 - 12 triệu đồng. Nhớ con, nhớ cháu thì cũng phải hơn tháng mới được về nhà một lần...”, cô Hòa tâm sự. Khi được hỏi sắp có cơn bão đổ bộ đến Hà Nội, cô Hòa cười: “Gió mưa là bệnh của trời, bất kể mưa gió thì công việc vẫn như mọi ngày. Tôi làm đến khi họ (chủ hàng - PV) hết việc thì thôi”.
Mẹ còng lưng cho... con đỡ khổ!
Trời càng về sáng, những giọt mưa rớt bão bắt đầu rơi nặng hạt càng thúc bước đi của chị Trâm (quê Hưng Yên) lại càng nhanh hơn. Khác với cô Hòa, chị Trâm không có điều kiện để mua một chiếc xe kéo cho mình, mà thay vào đó là chiếc đòn gánh được nẹp bằng hai thanh tre đực để tạo thêm độ bền chắc. “Xếp như thế này này... sao lại cho thùng nho ở dưới thùng quýt như thế, hỏng hết hàng của người ta à? Thắt dây cho chặt vào... rồi rồi rồi!”, chủ thương lái giọng choe chóe như quát vào mặt chị Trâm. Lấy hết sức gồng lên, chiếc đòn gánh như oằn cong trên vai, người phụ nữ mảnh khảnh ấy lại hấp tấp bước đi. “Thế là nhẹ đấy, có người còn chửi như vặt thịt ấy. Tốt nhất là chủ hàng bảo gì thì mình làm đấy sao cho vừa ý họ”, chị Trâm hổn hển vừa gánh vừa nói.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, nữ cửu vạn tại chợ Long Biên đều cười nhạt lắc đầu không muốn nói. Cũng phải thôi bởi với họ mở mắt ra là những gánh hàng và trước khi kết thúc một ngày cũng là những gánh hàng... Không biết có chạm vào nỗi tự ái không, song chúng tôi vẫn đánh liều hỏi chị Trâm có nghĩ về Ngày Phụ nữ Việt Nam sắp đến, thì nhận được câu trả lời quả quyết: “Không! Mình là người lao động, lên cái đất này làm ăn làm gì có thời gian mà nghĩ đến những ngày ấy. Bây giờ chỉ nghĩ là xem làm sao càng gánh được nhiều hàng, có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn để chúng nó đỡ khổ như mình...”. Nói tới đây, chị Trâm vội vã đi vào phía cổng chợ để tiếp tục gánh hàng tiếp theo khi trên tay vẫn còn mẩu bánh mì gặm dở...
Quả thật, nếu không thức trắng đêm chứng kiến, thì không thể hình dung được công việc nặng nhọc với sức lực dẻo dai của những nữ cửu vạn. Bác Phúc, người xe ôm đã hơn 10 năm tại cổng chợ Long Biên kể: “Ngày nào cũng chứng kiến cảnh họ vội vã gánh hàng, bất kể mưa hay nắng. Người lâu dài thì trọ theo tháng, người không cố định thì trọ theo ngày với giá từ 15-20 nghìn đồng/ngày.”
6h30 sáng, chợ đã vãn, phần lớn cánh phu xe đã nghỉ tay. Ở một góc nhỏ cuối chợ, một vài người phụ nữ cửu vạn tụm lại để đếm những đồng bạc lẻ kiếm được sau một đêm mệt nhoài…
Xem thêm video:
[mecloud]iIMZxkPNkm[/mecloud]