+Aa-
    Zalo

    Nhớ phim Xô Viết một thời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau năm 1954 cho đến khi Liên Xô tan vỡ, từ các rạp ở thành phố đến các bãi chiếu bóng ngoài trời, đâu đâu cũng phim Xô Viết.

    Sau năm 1954 cho đến khi Liên Xô tan vỡ, từ các rạp ở thành phố đến các bãi chiếu bóng ngoài trời, đâu đâu cũng phim Xô Viết. Trong Tuần lễ phim Liên Xô, người ta còn ghép tên phim thành thơ: “Khởi đầu, tôi lên Trên cao/Gặp Cơn gió lốc đưa vào Trái tim/ Ngày mai tôi sẽ đi tìm/ Người thứ 41 trong Đêm giao thừa”.

    Phim nước Nga toàn là tranh với đấu

    Dân gian đã khái quát phim các nước để đặt lời cho bài hát Tình đất đỏ miền Đông. “Phim nước Nga toàn là tranh với đấu/ Phim nước Mỹ toàn chuyện cởi áo quần/ Còn phim Pháp, Anh toàn là gươm với giáo/ Phim Nhật phim Tầu đấm đá tùm lum...”. Thời kỳ Xô Viết, phim về đề tài chiến tranh nhiều hơn cả. Rạp nào cũng dán áp phích với hình ảnh chiến sĩ hồng quân kèm theo dòng chữ “Phim mầu chiến đấu Liên Xô - Màn ảnh rộng”.

    Trước năm 1975, phim Xô Viết ở miền Bắc thường chỉ có hai đề tài là chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội với đề tài nông trang. Hai dòng phim này phù hợp với miền Bắc vì đất nước đang có chiến tranh và miền Bắc đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng không phải phim chiến đấu nào cũng được nhập về và chiếu. Người ta chỉ chiếu những phim khích lệ lòng yêu nước, dũng cảm trên chiến trường để tuyên truyền cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

    Một cảnh trong phim Bài ca người lính.

    Phim Một người chân chính dựa theo truyện cùng tên của Boris Polevoi, với phi công Maresiev bị cụt chân sau một trận chiến trên không, vẫn bền sức luyện tập để được bay tiếp. Phim Hiệp 3 nói về phẩm cách của hồng quân Xô Viết qua một trận đá bóng giữa tù nhân là hồng quân và lính phát xít Đức. Dù biết nếu không chịu thua thì cả đội sẽ bị bắn nhưng họ quyết tâm và đá thắng.

    Rồi các phim: Sư trưởng Sapaep, Số phận một con người, Ga dành cho hai người, Tinh cầu địa cầu, Cô gái Kiev... ngợi ca con người, chiến sĩ Xô Viết quả cảm trong chiến tranh vệ quốc. Còn những phim cũng đề tài chiến tranh nhưng phản ánh về góc khuất và thân phận con người giữa sự sống và cái chết như: Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Người thứ 41... thì sau 1975 mới chiếu vì nó bị cho là ủy mị và không phù hợp.

    Phim về xây dựng chủ nghĩa xã hội có Người ở đúng cương vị mình, kể về một nông trang viên đã dám xung phong làm giám đốc để đưa nông trang ấy thoát khỏi thất bát mùa màng liên miên. Ngoài ra, còn có phim hài như Xổ số thể thao 82. Thập niên 80 có phim chiếu tại các rạp ở Hà Nội ngày mấy suất, nườm nượp người xếp hàng mua vé là Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt. Phim cũng gây ra dư luận trái chiều trong xã hội.

    Ấn tượng những ca khúc trong phim

    Có điều rất kỳ lạ là nhiều phim Xô Viết không chỉ hay về nội dung mà các bài hát trong phim cũng rất lôi cuốn. Các nhạc sĩ đã không bỏ lỡ đặt lời Việt cho các bài hát này và nó tự nhiên đi vào lòng người. Nhiều người không nhớ tên phim nhưng lại thuộc bài hát. Bộ phim Khát nước nói về chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô. Phim dựa trên một số câu chuyện có thật khi chiến tranh đã chia cắt tình yêu đôi lứa. Bài hát Đôi bờ trong phim là nỗi buồn sâu thẳm của người con gái khi người yêu ra chiến trường. “Đêm dài quá dưới mưa rơi/ Em mong chờ anh tới...”, Đôi bờ lay động nhiều trái tim vì thời gian đó Việt Nam đang chiến tranh và rất nhiều đôi trai gái phải chia tay trong nhớ nhung và cả nỗi tuyệt vọng. Cho đến hôm nay, Đôi bờ vẫn được nhiều người Việt hát.

    Bài Chiều Matxcơva là bài hát trong bộ phim tài liệu Những ngày Spartakiat. Cả phim và bài hát ban đầu không gây ấn tượng cho khán giả nhưng khi nghệ sĩ V.Troshin thể hiện thì lập tức bài hát thu hút sự yêu thích đặc biệt của thính giả và gây xúc động toàn Liên Xô. Chiều Matxcơva được đặt lời Việt và các ca sĩ Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy... cất tiếng hát làm thổn thức bao trái tim người Việt.

    Một bài hát khác trong phim cũng đốn tim và gây suy nghĩ cho một thời là Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt. Cho đến nay vẫn còn nghe lời Việt: “Còn điều gì Matxcơva chưa từng thấy/ Matxcơva chẳng giấu nỗi thương đau/ Nhưng bất hạnh, lo âu, tất thảy/ Trước Matxcơva đã phải cúi đầu”.

    Ảnh hưởng tới suy nghĩ và lối sống

    Thời thanh niên sôi nổi là bài hát trong phim Về phía đằng kia. Lời và giai điệu bài hát thể hiện lòng nhiệt huyết xây dựng và bảo vệ đất nước của các thế hệ thanh niên Xô Viết. Bài hát được đặt lời Việt: “Lòng ta mong muốn và ước mơ/ Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ/ Để ngàn đời ngàn năm Tổ quốc ta/ Trời cao muôn ngàn năm chói lòa...” đã trở thành lý tưởng của thanh niên miền Bắc thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Phim Thép đã tôi thế đấy chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã làm sôi sục thanh niên sống phải có lý tưởng. Điều đó lý giải vì sao có Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và biết bao thanh niên Việt Nam khác chấp nhận hy sinh chiến đấu vì Tổ quốc Việt Nam.

    Phim Xô Viết không chỉ tác động đến người lớn mà trẻ con cũng bị ảnh hưởng. Bộ phim thần thoại dành cho thiếu nhi Ông già Khốt Ta Bít được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn L.I. Lagin. Nội dung kể về những cuộc phiêu lưu của một ông thần từ xứ sở cổ tích lạc vào một thành phố hiện đại. Kể về tình bạn giữa ông già Khốt Ta Bít với cậu bé Volka và quan niệm của ông về cuộc sống, hạnh phúc khác với cách nhìn nhận của cậu bé. Và từ phim này, trẻ con Hà Nội đã gọi bố mẹ bằng ông Khốt, bà Khốt. 

    Một bộ phim khác lấy được nước mắt của các nữ sinh là Hãy tìm tôi nhé, Lionya! Phim kể về tình bạn giữa một cô bé con nhà khá giả với một cậu bé lớn hơn, mồ côi cha mẹ đi theo cách mạng. Cảnh cô bé cùng ông cụ già hát rong hát giữa chợ và cảnh kết khi cậu phải ra đi trên tàu thủy còn cô bé chạy trên bờ và kêu lên: “Hãy tìm tôi nhé, Lionya!”. Khi bài hát Thời gian ơi xin ngừng trôi trong phim được đặt lời Việt thì thiếu nữ tuổi học trò chuyền tay nhau chép.

    ...Rồi hè tới ve sầu khóc,

    Cùng tiếng trống hết niên học.

    Bâng khuâng khi người bạn trai,

    Trao cho ai lời yêu đầu.

    Phim Xô Viết không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là lý tưởng, lẽ sống cho nhiều thế hệ người Việt một thời. Dù Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết không còn nhưng phim Xô Viết chắc chắn sẽ còn mãi mãi với người Việt Nam.

    Nguyễn Ngọc Tiến

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 44

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nho-phim-xo-viet-mot-thoi-a208620.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan