(ĐS&PL) Cứ mỗi dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5 hàng năm nhằm: Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước 30/4; Ngày Quốc tế lao động 1/5; Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và Ngày Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 khắp nơi trên cả nước tưng bừng tổ chức nhiều sự kiện chào mừng.Trong những hoạt động đó, Trưng bày Sinh Vật Cảnh đã trở thành một mỹ tục mới không thể thiếu.
Nhà báo Đỗ Phượng trong chuyến đi về phương Nam cuối cùng vào năm 2016
Hơn 20 năm trên cương vị lãnh đạo Hội SVC Việt Nam, cố nhà báo lão thành Đỗ Phượng thường có những chuyến đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam để tham dự các sự kiện SVC khắp các địa phương vào những dịp như thế. 30 tháng 4 năm nay, là năm thứ hai ông đi xa về với tiên tổ nhưng hình bóng của ông về những lần ăn "Tết Thống nhất" ở phương Nam vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí những người giúp việc.
Tết Thống nhất năm 2006 cùng cụ Cù Văn Chước tại TP. Hồ Chí Minh
Nhớ về Festival Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2006 được tổ chức quy mô toàn Quốc nhằm chào mừng "Tết Thống nhất", Ngày Quốc tế lao động và ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày đến thành phố mang tên Bác bằng đường bộ nhưng hành trang của cố nhà báo Đỗ Phượng tưởng chừng như không thể đơn giản hơn. Một va li với đầy đủ quần áo, thuốc men và những vật dụng cần thiết. Ông giao cho người viết bày này khi đó một nhiệm vụ không kém phần nặng nề. Đó là tháp tùng và đảm bảo an toàn cho cụ Cù Văn Chước, người cán bộ giúp việc gần gũi Bác Hồ suốt 15 năm ở Phủ Chủ tịch mà mọi người vẫn quen gọi cụ thân mật là "Thư đồng của Bác".
Những ngày tham dự Festival Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Đỗ Phượng và cụ Cù Văn Chước cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp của họ với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam nhưng cuộc sống đời thường lại rất đỗi giản dị. Hai cụ kể cho nhau về những cảm nhận của mình về "Tết Thống nhất" đầu tiên của Đất nước. Các cụ vô cùng vui mừng chứng kiến những đổi thay của thành phố mang tên Bác sau hơn 30 giành trọn vẹn non sông. Festival Sinh Vật Cảnh hội tụ hàng ngàn tác phẩm tiêu biểu từ mọi miền đất nước đã nói nên phần nào cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện. Giữa công viên Tao Đàn, hai cụ khoác vai nhau đi trong tiếng cười và miền vui cùng những người nghệ nhân, doanh nhân đến từ mọi miền Tổ quốc.
Cố Nhà báo Đỗ Phượng cùng một số đại biểu tại Festival SVC thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I năm 2006
Tết Thống nhất năm 2013 cùng đồng chí Y Luyện Niếk đăm tại Đắk Lắk
Dịp 30/4 năm 2013, người viết bài này được cùng nhà báo Đỗ Phượng và cả BCH Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tham dự Triển lãm Sinh Vật Cảnh tỉnh Đắk Lắk. Kết thúc hội nghị BCH và Triển lãm, chúng tôi được nhà báo Đỗ Phượng dẫn thêm thăm Già làng Tây Nguyên Y Luyện Niếk đăm. Người có uy tín bậc nhất Tây Nguyên và được đồng bào dân tộc thiểu số gọi là Vua Ê đê. Tiếp chúng tôi bằng rượu cần tại khu nhà nằm lọt thỏm giữa buôn Kr Am thuộc xã Ea Tiêu, cách thành phố Buôn Mê Thuột thủ phủ Tây Nguyên hơn 15 km. Một khu nhà rộng khoảng 3ha, đẹp và yên tĩnh giữa rừng mà ông xây hết…60 tấn cà phê. Một ông lão dáng mảnh, đen và ăn mặc giản đơn, tộc toạc như một lão già làng. Ai gặp lần đầu khó biết được đó lại chính là một cựu Đại biểu Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy uy danh một thời của Buôn Mê, của Đăk Lăk, của núi rừng Tây Nguyên này.
Hôm đó, đồng chí Y Luyện và nhà báo Đỗ Phượng trò chuyện rất thân mật và uống rượu cần cũng rất nhiệt tình. Ông Y Luyện nói với nhà báo Đỗ Phượng: "Tây Nguyên sẽ chẳng ra làm sao nếu không còn men rượu cần và vắng tiếng cồng chiêng. Rừng Tây Nguyên luôn gắn với văn hóa rừng. Rừng có thú có chim muông, nó có cái hồn và văn hóa rừng hẳn hoi đấy. Mình không có nhà trên phố, lúc đương chức cũng như khi đã hưu đều tiếp khách ở “dinh thự núi” này thôi. Các vị Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết…và hầu hết các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác đến với Tây Nguyên đều đã về đây, ngồi phệt xuống sàn nhà tớ uống rượu cần như hôm nay. Uống đi, uống cho say mới được về! Cần rượu quay vòng liên tục, không được phép dừng, chuyền và quay vòng đến… ngất ngây! Gặp khách quí tớ nói nhiều, say chuyện say tình chứ không phải say rượu đâu nhé!".
Thủ tướng Chính phủ thăm, tặng quà ông Y Luyện Niê Kdăm - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk năm 2017: Ảnh: Internet
Mọi người uống rượu cần, hát những bài hát cách mạng, cùng múa theo điệu múa của người Ê đê và nghe vị "thủ lĩnh" Tây Nguyên bày tỏ những sinh kế lâu dài để đồng bào một lòng theo cách mạng, để những mùa xuân nối những mùa xuân yên bình bền vững. Ông cho gọi cả bản, cả họ ra tiếp khách. Phút chốc cả nhà ông trở thành một ngày hội của buôn làng. Nhiều người không giấu nổi niềm xúc động được hòa mình vào những điệu hò, câu hát hay điệu múa của đồng bào trong không khí của ngày vui Tết Thống nhất ở Tây Nguyên thật ấn tượng độc đáo. Những người trẻ tuổi như chúng tôi sau khi nghe các cụ tâm sự mà cảm tưởng "dòng máu cách mạng" đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của các cụ. Để rồi đây họ làm gì, nói gì, suy nghĩ gì cũng một lòng vì nước vì dân theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Chẳng thế mà, ở cổng ngõ vào nhà riêng của ông luôn treo cờ Tổ quốc và đắp nổi dòng chữ "Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muôn năm". Cuộc vui cứ vậy kéo dài đến khi mặt trời khuất núi mới dừng. Chia tay, hai cụ còn quyền luyến hẹn gặp lại những Tết Thống nhất năm sau.
Tết Thống nhất năm 2014 cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Bình Dương
Dịp 30/4 năm 2014, người viết bài này vinh dự được dự ngày Tết Thống nhất tại Bình Dương. Khi đó, Diễn đàn Sinh Vật Cảnh các tỉnh miền Đông Nam Bộ đăng cai tổ chức Hội nghị BCH Trung ương Hội SVC Việt Nam và Triển lãm SVC các tỉnh miền Đông Nam Bộ chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước và những ngày lễ lớn của Đất nước trong năm 2014. Cũng như thường lệ, nhà báo Đỗ Phượng thường vào trước vài ngày để thăm hỏi các đồng chí, đồng nghiệp phương Nam. Cách ngày diễn ra hội nghị đúng 02 ngày, nhà báo Đỗ Phượng có hiện tượng mất ngủ và tình hình sức khỏe suy giảm rõ rệt. Những người giúp việc tưởng chừng ông sẽ không tham dự được Hội nghị. Nhưng rồi đến ngày tổ chức hội nghị, cụ vẫn chống gậy và có người rìu đến tham dự và chủ trì hội nghị.
Hội nghị diễn ra được ít phút, người ta thấy ở ngoài hội trường có một vị khách đặc biệt tay xách hơn chục quả Thanh Long tím cắt ở vườn nhà ra thăm hỏi nhà báo Đỗ Phượng. Vị khách đó là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hai cụ gặp nhau tay bắt mặt mừng, trò chuyện hàng giờ đồng hồ để ôn lại những câu chuyện một thời đấu tranh quên mình cho ngày non sông thống nhất một nhà, giang sơn thu về một mối. Các cụ cùng trao đổi tâm sự về những chính sách đại đoàn kết dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa người Việt trong và ngoài nước, những chính sách hòa hợp dân tộc để những người ít nhiều còn tâm tư với chế độ cũ sớm hòa đồng chung sức vì sự phát triển và trường tồn của dân tộc. Những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Việt Nam về dự hội nghị hết sức bất ngờ về tình cảm sâu nặng của hai cụ đến vậy.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm quan Triển lãm SVC tỉnh Bình Dương; Ảnh: Internet
Với phong cách giản dị, gần gũi, nguyên Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết hôm đó ở lại dự tiệc và trò chuyện thân mật với đại biểu về với Bình Dương trong dịp mừng ngày hội Thống nhất Đất nước 30/4. Đại biểu ai nấy đều phấn khởi vui mừng được gần gũi được nghe những câu chuyện cảm động của những người trực tiếp đấu tranh trong những thời khắc gian khó nhưng hào hùng của dân tộc để Đất nước có được hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, để những giá trị văn hóa chung, những giá trị Sinh Vật Cảnh ngày càng phát triển bền vững.
Qua những câu chuyện cảm động về những lần được ăn Tết Thống nhất ở phương Nam cùng cố Nhà báo Đỗ Phượng và những người bạn thân thiết của ông, chúng tôi những người trẻ sinh ra từ thời bình cảm nhận ngày càng rõ rệt tinh thần cách mạng, quên mình vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc trong mọi việc dù là nhỏ nhất ở một thế hệ từng trực tiếp kinh qua những năm tháng lửa đạn, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng. Khi họ về hưu khí chất ấy, tinh thần ấy vẫn bừng bừng "khí thế tiến công".
Với khí thế ấy, tinh thần cách mạng trong sáng ấy, thế hệ của các cụ đã biến một thú chơi nhân văn tao nhã của ông cha thành một cuộc cách mạng cảnh quan góp phần làm cho Đất nước ngày càng tươi đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; Sinh Vật Cảnh không chỉ là một nhánh cái trong chùm rễ văn hóa dân tộc mà đang trên đà trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, một mặt hàng trong lĩnh vực Rau, Hoa, Quả có rất nhiều lợi thế để xuất khẩu ra toàn cầu.
Vương Xuân Nguyên