Trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán 2022, thanh khoản trong hệ thống vẫn tiếp tục gặp áp lực và kênh thị trường mở (OMO) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống.
Theo đó, NHNN đã bơm tổng cộng 14.390 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5% thông qua kênh OMO. Trong khi đó, lượng bơm 8.837 tỷ đồng từ tuần trước nghỉ lễ cũng đáo hạn trong tuần này.
Theo BVSC, sự mở cửa và hồi phục của nền kinh tế và đặc biệt là nhu cầu thanh toán tăng lên khi dịp lễ Tết Nguyên đán tới gần là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua.
Từ ngày 27/1 đến 9/2/2022, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có diễn biến tăng mạnh, ở mức lần lượt là 0,9% và 1,19%, lên mức 3,32% và 3,39%/năm.
LSLNH kỳ hạn 2 tuần giảm nhẹ 0,08%, xuống còn 2,51%/năm. Trong đó, LSLNH kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
SSI Research cho rằng có 2 lý do chính cho diễn biến trên, bao gồm việc tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm %/tháng), đồng thời hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của NHNN cũng diễn ra khá trầm lắng trong thời gian qua.
Nhóm phân tích dẫn số liệu từ NHNN, cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021. Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 1, tín dụng đã tăng gần 1 điểm %.
Biểu lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cũng đã được điều chỉnh tăng ở một số ngân hàng dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhằm thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống.
Trong năm 2022, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15% và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Bạch Hiền (t/h)