(ĐSPL)- Xung quanh những bức xúc của người dân liên quan đến những công trình xây dựng không phục vụ lợi ích cộng đồng như thông tin cầu treo 3,5 tỉ đồng chỉ phục vụ... 2 hộ dân hay nắn đường chạy qua nhà, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) để có một góc nhìn khách quan về vấn đề này.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. |
Địa phương có nhóm lợi ích chung chi?
Thưa ông, dư luận người dân bức xúc về việc cây cầu hàng tỉ đồng ở Hà Tĩnh được xây dựng phục vụ cho 2 hộ dân, trong đó có nhà của Chủ tịch UBND xã. Hay trước đó, một số con đường bị “nắn cong” để tiện lợi cho việc đi lại của nhà lãnh đạo. Vậy, ông đánh giá gì về những câu chuyện này?
Nói chung, người ta rất thích dự án, bởi vì khi có dự án về thế nào cũng được cấp kinh phí và thế nào thì cũng “véo” được \% nọ, \% kia. Cái đó nếu Trung ương không kiểm soát được thì sẽ gây ra hiện tượng lãng phí vô cùng lớn.
Chuyện xây cầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng rất quyết liệt. Tuy nhiên, qua lời phát biểu của ông Tổng cục trưởng một tổng cục thuộc Bộ này thì nói đến đó hai lần mà vẫn quyết định phê duyệt cái dự án đó thì đấy là cái gì? Điều đó chứng tỏ một điều là ở cấp xã, cấp huyện có thể dễ dàng “qua mặt” được các cấp Trung ương. Qua đó thể hiện lợi ích của một nhóm người không vì lợi ích của xã hội, trong đó gây nên sự lãng phí về ngân sách của Nhà nước.
Những công trình nhiều “sạn”, được dựng lên với mục đích phục vụ cho lợi ích một số cán bộ. Cái tham đã biến cây cầu, con đường dân sinh thành những con đường “quan”, ông thấy sao?
Không cần nói gì nhiều, thực ra tất cả những cái đó nó bị suy nghĩ mưu lợi cá nhân chi phối chứ không có lý do nào khác. Đừng nói có chuyện “đường cong mềm mại”, nếu như nó vướng vào đình, vào chùa, vào công trình văn hoá lịch sử thì đã đành. Còn nếu không vì lý do đó thì chỉ có mưu lợi cá nhân. Ai cũng nhìn thấy một số nơi có chuyện cấp huyện, cấp xã làm bừa nhưng cán bộ không bị kỷ luật. Có dự án thì cứ làm, còn lãng phí là do Nhà nước chịu, dân chịu.
Không thể “thí tốt”
Trong câu chuyện vừa nhắc tới, chúng ta không thấy vai trò giám sát cũng như thanh tra để sớm phát hiện những bất hợp lý của các dự án này?
Vai trò trách nhiệm quản lý giám sát ở địa phương phải được phát huy như thế nào, không ai hiểu hơn chính quyền địa phương các cấp. Ví dụ như cấp xã, huyện người ta đề nghị xây dựng những công trình như nhà văn hoá, cầu không phục vụ dân sinh chẳng hạn, người ta có đề nghị lên cấp huyện, cấp tỉnh phải qua Sở rồi trình tỉnh phê duyệt, phải có văn bản của tỉnh thì Trung ương mới căn cứ vào đấy để người ta xem xét tiếp.
Ở địa phương phải kiểm soát được những việc đó, nhưng tôi không thấy vai trò của chính quyền địa phương. Giờ quay lại đổ lỗi cho xã, có nghĩa là “thí tốt”. Đối với cấp huyện lại không có khuyết điểm gì, rồi lại đổ cho cấp Sở về việc xây cầu 3,5 tỉ đồng. Bây giờ, Sở không thấy nói gì về trách nhiệm của mình. Theo tôi biết, văn bản đề xuất lên bộ GTVT là từ xã, huyện và Sở, Ủy ban tỉnh duyệt. Trong khi đó, ở cấp xã người ta lập nên một danh sách nhìn biết ngay chỉ có một người ký mà cũng có thể tin được. Những việc làm đó mà không ai phải chịu trách nhiệm(?!).
Theo tôi, sai từ cấp nào, cấp đó phải chịu trách nhiệm. Ở địa phương thì UBND cấp tỉnh là cơ quan phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của địa phương. Anh có bộ máy, sở, ban, ngành chuyên môn của mình để làm gì?
Nhiều ý kiến cho rằng, một số cán bộ biến những công trình phục vụ lợi ích công cộng thành lợi ích cá nhân để tư túi, kiếm chác. Vậy chúng ta cần phải làm gì để hạn chế và chấm dứt tình trạng này, thưa ông?
Các dự án lớn thì có ban quản lý dự án của tỉnh, nếu nhỏ thì giao cho cấp huyện, còn sở GTVT có phòng. Nếu ban quản lý thì phần lớn Sở này cũng tham gia hoặc đứng đầu ban quản lý đấy. Vậy thì liệu thanh tra của Sở có làm được việc thanh tra? Chả ai mà lấy đá đập tay mình?!
Những công trình dự án xây dựng cơ bản “dính” đến nguồn ngân sách Nhà nước không ít nơi đều có biểu hiện của việc tư lợi cá nhân. Chúng ta cần vai trò thanh kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, tuy nhiên ngoài việc thanh kiểm tra của các cấp Trung ương thì địa phương cũng phải sâu sát. Ở địa phương, các đơn vị thanh tra có đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo luật Tổ chức chính quyền địa phương để phục vụ công việc. Điều quan trọng là các anh có làm hay không thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
QUANG SƠN - NGUYỄN BẮC - VPMT