+Aa-
    Zalo

    Nhìn lại toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau hơn 20 ngày phát hiện cá chết trắng ở bờ biển ở các tỉnh miền Trung, nguyên nhân gây ra vụ việc này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

    (ĐSPL) - Sau hơn 20 ngày phát hiện cá chết trắng ở bờ biển các tỉnh miền Trung, nguyên nhân gây ra vụ việc này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

    [mecloud]R10Hc17CBx[/mecloud]

    Cá chết trắng ven biển miền Trung

    Từ ngày 8/4, trên địa bàn 3 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có tổng cộng 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá như cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ... bị chết hàng loạt. Tính đến ngày 12/4 đã có 37.200 con cá giống, 2.120 kg cá thương phẩm chết, thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

    Ông Lê Xuân Vương, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết, sát vùng biển Vũng Áng có 2 nhà máy nhiệt điện và 1 nhà máy sản xuất thép đang hoạt động. Người nuôi cá ở đây cho rằng, ô nhiễm bắt nguồn từ 3 nhà máy này có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

    Khi người dân Hà Tĩnh đang hoang mang trước thực trạng, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra thì sau đó vài ngày, hiện tượng cá chết đã lan sang các huyện ven biển của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế

    Tại Huế, từ ngày 14 - 15/4 ngư dân phát hiện tình trạng cá “lờ đờ” nổi ở ngoài biển và đã vớt được số lượng lớn.

    Ở cửa sông Lạch Giang, cá nuôi trong lồng, hay cá tự nhiên cũng chết nổi trắng sông. Các loại như cá vẩu, cá mú, cá hồng, tôm, ghẹ, mực đều chết cả. Nhiều loại như cá chình, cá đuối, cá vẩu thường sống ở vùng nước sâu nay người dân cũng bắt được ở khu vực ven bờ, thậm chí là chết dạt nhiều vào bờ.

    Cá nuôi tại vùng biển Vũng Áng bị chết hàng loạt bất thường. Ảnh: Báo Thanh niên.

    Hành trình đi tìm nguyên nhân khiến cá chết

    Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, qua kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá do Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, bước đầu kết luận, hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh không phải do tác nhân vi khuẩn, virus mà do yếu tố gây độc trong môi trường nước (nguồn nước bị ô nhiễm).

    Từ kết quả nghiên cứu, phân tích chuyên môn, cơ quan chức năng nhận định, yếu tố gây độc trong nước tại biển Vũng Áng được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt.

    Công tác điều tra vẫn đang được tiến hành thì vào ngày 21/4, một ngư dân tên Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi) trú thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, trước đó vào ngày 4/4,  trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.

    Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2m, đường kính khoảng 40 cm).

    “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.  Sau khi phát hiện đường ống trên, ngư dân này đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được.

    Đến ngày 22/4, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh xác nhận đường ống dẫn thải ra biển của KCN Vũng Áng là hợp pháp, đã được phê duyệt. 

    Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường.

    Họp khẩn bàn giải pháp khắc phục hiện tượng cá chết

    Ngày 23/4, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh diễn ra cuộc họp khẩn giữa liên bộ NN&PTNT, TN&MT với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế nhằm bàn về giải pháp khắc phục vụ việc cá chết hàng loạt bất thường tại ven biển các tỉnh miền Trung.

    Chủ trì cuộc họp gồm ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự còn có ông Võ Tuấn Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các Cục, Viện liên quan và Sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. 

    Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    Về nguyên nhân cá chết hàng loạt, Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ và các cơ quan đã có kết luận bước đầu, có thể loại bỏ nguyên nhân do dịch bệnh và nguyên nhân do môi trường nước.

    "Không có tác nhân do dịch bệnh, loại trừ do môi trường bởi những chỉ tiêu môi trường thông thường vẫn đảm bảo, không vượt ngưỡng... Nay chỉ còn nguyên nhân là nhóm độc tố: Sinh học (Tảo độc) hay hóa học, các độc tố khác như kim loại nặng", ông Tám cho biết.

    Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

    Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có chỉ đạo yêu cầu làm rõ thông tin nghi vấn ống xả thải khổng lồ nối từ nhà máy Formosa xuống đáy biển Vũng Áng.

    Những cuộc họp báo về nguyên nhân vụ việc

    Trong khi người dân vẫn đang hoang mang về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt thì cũng trong ngày 25/4, trả lời PV một cơ quan báo chí, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng Đối ngoại Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) đã có phát ngôn gây sốc.

    Vị này cho rằng chỉ có thể chọn 1 trong 2, hoặc tôm cá hoặc nhà máy. "Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại," ông Chu nói.

    Hình ảnh ống xả thải của Formosa dưới đáy biển. Ảnh cắt từ clip (Nguồn: VTC).

    Tiếp đó vào ngày 26/4, phía Công ty Formosa đã tổ chức buổi họp báo. Rất đông phóng viên có mặt tham dự và đưa tin.

    Tại đây, mở đầu buổi họp, ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc điều hành công ty Formosa đã đứng ra phủ nhận toàn phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm trước đó đồng thời cùng ban lãnh đạo công ty cúi đầu, gửi lời xin lỗi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

    Lý do được đưa ra là ông Chu Xuân Phàm phát biểu ý kiến cá nhân, không đúng lập trường công ty trong khi ông này chỉ là phiên dịch cho Giám đốc công ty, không có chức năng, nhiệm vụ trả lời báo chí.

    Về ống xả thải của Formosa trở thành nguyên nhân khiến nhiều người nghi ngại có ảnh hưởng đến thực trạng cá chết, đại diện công ty này cho biết, để vận hành nhà máy gang thép, công ty này nhập khẩu các máy móc, thiết bị từ Châu Âu, đều thuộc diện hiện đại, tiên tiến nhất thế giới.

    Vị này khẳng định, hệ thống xử lý nước thải của Formosa đầu tư 45 triệu USD, cũng thuộc diện tiên tiến.

    Ngày 27/4, một cuộc họp báo khác đã diễn ra thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo đài và người dân. Tại cuộc họp này, ông Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, các nhà khoa học nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và biển; thứ hai là do hiện tượng thủy triều đỏ.

    Kết thúc cuộc họp, ông Nhân cho biết, chưa có bằng chứng khẳng định Formosa có liên quan tới sự việc này.

    BẢO KHÁNH

    [mecloud]dSS32LCzon[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhin-lai-toan-canh-vu-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung-a129187.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan