Tân tổng thống Mỹ và kế hoạch đưa “nước Mỹ trở lại”
Trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi bắt đầu với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1. Cụ thể, vào ngày 20/1/2021 (giờ Mỹ), ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington D.C. Buổi lễ ngày hôm ấy đã đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử của nước Mỹ khi họ có nữ phó tổng thống đầu tiên, bà Kamala Harris.
Thời gian này, nhiều người kỳ vọng Tổng thống Joe Biden và nữ “phó tướng” Kamala Harris sẽ đem đến một sự ổn định mới cho nước Mỹ, đặc biệt sau nhiều “hỗn loạn” dưới thời người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump.
Được biết, ít lâu trước khi ông Biden chính thức được công nhận là người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, cựu Tổng thống Trump từng nhiều lần đưa ra những cáo buộc “gian lận bầu cử”. Tuy nhiên, các phiên toàn xét xử đã lần lượt bác bỏ những lời buộc tội trên.
Đỉnh điểm sự hỗn loạn xảy ra vào ngày 6/1/2021, được xem là “ngày đen tối nhất” nước Mỹ. Vào ngày hôm ấy, các nghị sĩ lưỡng đảng đã cùng nhau họp tại Điện Capitol – toà nhà Quốc hội liên bang Mỹ - để xác nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi những người ủng hộ tiến hành cuộc biểu tình, tiến tới Điện Capitol để ngăn các nhà lập pháp xác nhận ông Joe Biden là tân tổng thống Mỹ.
Cuộc biểu tình sau đó đã nhanh chóng chuyển hướng, trở thành cuộc bạo loạn khi những người quá khí vượt rào, xông vào trong Điện Capitol đập phá, gây ảnh hưởng tới cuộc họp và đe doạ sự an toàn của các nghị sĩ. Sau sự kiện này, cựu Tổng thống Trump đã vấp không ít chỉ trích từ chính những chính trị gia trong đảng Cộng hoà và thậm chí phải trải qua cuộc điều tra luận tội thứ 2 trong nhiệm kỳ.
Bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump không phải là tệ nhưng lại nhận xét hỗn loạn, bất ổn và gây chia sẻ. Bởi lẽ đó, nhiều người Mỹ mong muốn sự bình ổn đã đặt hy vọng của họ vào người kế nhiệm ông, Tổng thống Joe Biden. Phát biểu tại lễ nhậm chức đầu năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất, không phân biệt đảng phái để cùng đưa “nước Mỹ trở lại”.
Cụ thể, ông Biden đã nói: “Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày dân chủ. Một ngày của lịch sử và hy vọng. Của sự đổi và giải quyết các vấn đề. Với lịch sử lâu đời, nước Mỹ gặp phải những thách thức và nước Mỹ đã vươn lên, vượt qua tất cả. Hôm nay chúng ta ăn mừng chiến thắng không phải của một ứng cử viên mà là của nền dân chủ. Những nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe và được chú ý. Chúng ta một lần nữa biết rằng dân chủ là điều vô cùng đáng quý. Nền dân chủ thật mong manh. Và vào khoảnh khắc, các bạn của tôi, dân chủ đã thắng thế.
Vì vậy, giờ đây, tại mảnh đất linh thiêng này, nơi bạo lực chỉ cách đây vài ngày đã tìm cách làm lung lay nền tảng của Điện Capitol, chúng ta đến với nhau như một quốc gia, dưới quyền của Chúa, không thể chia cắt, để thực hiện việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình như chúng ta đã làm trong hơn 2 thế kỷ qua. Chúng tôi nhìn về phía trước theo cách độc đáo của Mỹ - không ngừng nghỉ, táo bạo, lạc quan - và đặt mục tiêu về quốc gia mà chúng tôi biết chúng tôi có thể đạt được và phải đạt được”.
Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã chứng minh cho người dân về năng lực lãnh đạo của ông trong việc cải thiện tình hình kinh tế và quan trọng nhất là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng của Mỹ trong thời gian đầu tương đối hiệu quả. Kết quả là đến tháng 7, vào dịp Quốc khánh, người dân Mỹ đã một lần nữa được quây quần bên nhau ăn mừng dịp lễ lớn của đất nước.
Tuy nhiên, thành tựu này không duy trì được lâu. Sự bùng phát của biến thể Delta đã nhanh chóng đẩy Mỹ, và nhiều quốc gia khác trên thế giới, vào tình trạng khẩn cấp khi số ca mắc mới và tử vong tăng cao kỷ lục. Riêng tại Mỹ, trong đợt bùng phát dịch tồi tệ này, có những ngày cả nước ghi nhận hơn 100.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kéo theo những thiệt hại nặng nề với nền kinh tế.
Những khó khăn trong năm đầu tiên tại vị của ông Biden chưa dừng lại ở đó. Vào ngày 15/8, khi Mỹ và các nước phương Tây chuẩn bị hoàn tất kế hoạch rút quân, kết thúc 20 năm tham chiến tại Afghanistan, sự trỗi dậy của nhóm Hồi giáo Taliban đã nhanh chóng gây ra sự hỗn loạn mới. Việc chính phủ Afghanistan, với lực lượng quân đội tinh nhuệ được đích thân Mỹ và phương Tây huấn luyện, sụp đổ một cách chóng vánh đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng.
Tổng thống Biden vì thế đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt không chỉ từ đảng đối lập mà còn trong chính đảng Dân chủ. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden từ đó tới nay cũng trên đà “tụt dốc”.
Dù vậy, tổng thống Mỹ vẫn còn 3 năm nữa để chứng minh năng lực lãnh đạo của mình và khiến những người từng bỏ phiếu cho ông tin rằng họ đã lựa chọn đúng.
“Bà đầm thép” Angela Merkel chính thức rời nhiệm sở
Tại Đức, năm 2021 có lẽ là năm mang đến cho họ sự thay đổi lớn nhất trong 16 năm qua khi “bà đầm thép” Angela Merkel chính thức rời nhiệm sở. Là nhà lãnh đạo lâu năm của Đức, với 16 năm đảm nhận cương vị thủ tướng, bà Merkel được coi là người “định hình nước Đức hiện đại”. Nhiều người châu Âu còn nói rằng họ đã lớn lên mà chỉ biết đến bà Merkel là người lãnh đạo Đức. Bởi vậy sự thay đổi này có lẽ sẽ gây ra sự tác động lớn, không chỉ ở Đức mà còn ở châu Âu.
Chia sẻ với The Guardian về việc này, Chris (sinh viên 18 tuổi ở Phần Lan) nhận định: “Khó khăn với các nhà lãnh đạo như bà Merkel chính là sự nổi tiếng của họ. Mọi người khó có thể nhìn trước về một tương lai mà không có những nhà lãnh đạo này. Tôi không có nhiều điều để bình luận về các chính sách của bà nhưng bà đã định hình nước Đức thông qua cương vị thủ tướng, tôi mong đợi sự thay đổi mà người kế nhiệm của bà mang đến.
Những nhà lãnh đạo lâu năm thường để lại những cái bóng lớn và bà Merkel cũng vậy. Tôi nghĩ rằng, có một thế hệ đã không biết đến một nước Đức mà không có bà. Do sự nổi tiếng của bà ấy và thời gian tại vị lâu năm, sẽ rất khó để các vị thủ tướng tiếp theo có thể thành công khi được so sánh với bà”.
Được biết, người kế nhiệm bà Merkel là tân Thủ tướng Olaf Scholz, đảng viên đảng Dân chủ Xã hội (SDP). Trước khi trở thành thủ tướng Đức, ông Scholz đã là một gương mặt quen thuộc với người dân Đức trong hơn 20 năm. Ông từng phục vụ trong hai chính phủ do Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Angela Merkel lãnh đạo, gần đây nhất, ông đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính dưới quyền bà.
Hiện chưa rõ ông Scholz sẽ trở thành một thủ tướng như thế nào nhưng theo giới chuyên gia nhận định, người kế nhiệm “bà đầm thép” Angela Merkel là một con “tắc kè hoa” trong giới chính trị. Theo đó, ông Scholz là người thực tế, có thể dễ dàng thích ứng đến nỗi nhiều người không thể đoán được ông đang đứng ở vị trí nào.
Được biết, từ trước, ông Scholz luôn bị đánh giá thấp nhưng vẫn kiên trì đi theo con đường của mình. Một đồng minh thân thiết với ông cho biết mong muốn trở thành thủ tướng của ông Scholz bắt đầu từ năm 2011. Điều này khiến ngay cả những đối thủ chính trị cũng phải thán phục bản năng, sức chịu đựng và sự tự tin thầm lặng của ông.
Ba năm trước, khi xếp hạng phê duyệt của đảng SDP dao động gần mức thấp kỷ lục, ông là người đã tự tin tuyên bố với New York Times rằng đảng của ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Và quả thật, trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2021, đảng SDP đã xuất sắc giành chiến thắng trước đảng của bà Angela Merkel, dù chỉ với cách biệt sít sao.
Sự linh hoạt trong chính trị có thể giúp ông Scholz trở thành nhà lãnh đạo hoàn hảo để giải quyết những thách thức thường trực với tư cách là thủ tướng. Tuy nhiên, đó vẫn sẽ là một chặng đường dài với tân thủ tướng Đức khi bà Merkel đã ghi dấu ấn quá lớn tại Đức và châu Âu.
Về phía bà Angela Merkel, trong một cuộc phỏng vấn tại Washington D.C, “bà đầm thép” nước Đức cho biết kế hoạch của bà sau khi từ chức là nghỉ ngơi và đọc sách. Bà hiện chưa tiết lộ về những dự định xa hơn trong tương lai và khả năng quay trở lại chính trường.
Minh Hạnh (Theo CNN, The Guardian, Indian Express)