Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia thứ 3 của mình là ông John R. Bolton vì bất đồng về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Ảnh: NY Times |
Tổng thống Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton được cho là thường xuyên mâu thuẫn về chính sách đối ngoại lớn mà Mỹ phải đối mặt. Ông Bolton – cố vấn “diều hâu” lâu năm – đã đưa ra một số quan điểm trái ngược với ông Trump, ủng hộ các biện pháp trừng phạt và hành động quân sự phủ đầu đối với một số quốc gia, ngay cả khi Tổng thống quyết định theo đuổi ngoại giao.
Thậm chí ngay trong tuyên bố liên quan tới việc mất chức, ông Trump và ông Bolton vẫn bất đồng với nhau. Chỉ 90 phút trước khi ông Bolton tham dự cuộc họp với báo chí cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, ông Trump đã đăng bài trên Twitter, viết rằng vào tối ngày 9/9, ông đã yêu cầu quan chức của mình nộp đơn từ chức và ông Bolton đã tuân thủ vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của New York Times qua tin nhắn, ông Bolton nói rằng ông là người đã chủ động đề nghị từ chức.
Dưới đây là 5 quốc gia đã thúc đẩy những bất đồng chính sách giữa ông Trump - người đã miễn cưỡng mở rộng dấu chân của quân đội Mỹ ở nước ngoài, và ông Bolton – người chủ trương cứng rắn đối đầu trong suốt 17 tháng giữ chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Afghanistan
Gần đây nhất, ông Bolton đã dẫn đầu nhóm những quan chức Mỹ phản đối kế hoạch đàm phán hòa bình với Taliban - một ý tưởng được ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo ủng hộ với mục tiêu đưa quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan sau gần 18 năm chiến tranh. Ông Trump đã đi xa đến mức sắp xếp các cuộc đàm phán diễn ra tại Trại David vào cuối tuần trước.
Ông Bolton lập luận rằng Mỹ có thể rút một số quân khỏi Afghanistan - và giữ một trong những lời hứa từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống - mà không cần ký kết với các thành viên của một nhóm khủng bố. Cuối cùng, ông Trump đã hủy cuộc họp, nhưng các trợ lý ủng hộ cuộc đàm phán đổ lỗi cho ông Bolton vì rò rỉ thông tin về thái độ phản đối.
Triều Tiên
Phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên là một trong những vấn đề tạo nên bất đồng giữa ông Trump và ông Bolton. Ảnh: NY Times |
Ông Trump xem một trong những thành tựu đối ngoại lớn nhất của mình là giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Cho dù Tổng thống Trump liên tục nói rằng ông “không vui” khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử vũ khí hồi tháng 5, song ông không nghiêm trọng hóa vấn đề, đồng thời cho biết các vụ thử này không làm mất đi sự lạc quan của ông về việc hai nước có thể tiếp tục các cuộc đàm phán liên quan đến giảm lệnh trừng phạt và các nỗ lực phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, ông Bolton không thấy tiến triển nào trong các thử nghiệm đó và tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên gặp Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 6, ông Bolton đã có phản ứng giận dữ khi New York Times đưa tin về một thỏa thuận tiềm năng mà trong đó Mỹ sẽ nhượng bộ để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng hoạt động hạt nhân.
Ông Bolton từ lâu đã lập luận rằng Triều Tiên nên dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân trước khi nhận được bất kỳ “phần thưởng” nào. Trong khi đó, những quan chức khác trong chính quyền lại sẵn sàng xem xét một quá trình từng bước.
Iran
Rất lâu trước khi trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, ông Bolton đã ủng hộ hành động quân sự chống lại Iran. Ông Trump gần đây đã tập trung vào một cách tiếp cận ngoại giao với Iran, nói rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Hassan Rouhani của Tehran với một số điều kiện tiên quyết.
Ông Trump và ông Bolton đã đồng ý về một quyết định chính sách lớn: rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2018. Quyết định đó và việc áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran đã khiến căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang. Đến tháng 6/2019, Tổng thống Trump đã huỷ bỏ kế hoạch của các cố vấn do ông Bolton đứng đầu, trong đó đề xuất trả đũa bằng hành động quân sự sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, nói rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra thương vong quá lớn.
Venezuela
Sau khi Mỹ và các nước đồng minh tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro là bất hợp pháp và đã ủng hộ phong trào đối lập do ông Juan Guaidó lãnh đạo, ông Trump đã thất vọng vì những nỗ lực thay đổi chính quyền không thành công ngay lập tức.
Washington biết rằng Mỹ có ít ảnh hưởng trong khu vực hơn dự đoán vì phe đối lập được Nhà Trắng ủng hộ trong bế tắc với chính phủ Venezuela trong nhiều tháng. Ông Trump đã đặt câu hỏi về chiến lược quản lý của mình ở đó, trong khi ông Bolton tiếp tục thúc đẩy thêm áp lực từ Mỹ và tuyên bố đã đến thời điểm để hành động.
Nga
Tháng trước, ông Bolton đã bảo đảm với người Ukraine rằng họ sẽ nhận được sự hỗ trợ trong cuộc xung đột với phe ly khai, nhưng Nhà Trắng đã thể hiện ít hành động để thực hiện hứa hẹn đó. Trong những ngày gần đây, Mỹ đã trì hoãn hỗ trợ quân sự cho chính phủ Ukraine, và ông Trump đã nói riêng với các phụ tá rằng ông coi Ukraine là quốc gia có chính phủ tham nhũng.
Ông Bolton cũng đối đầu với Nga về cáo buộc can thiệp bầu cử - một chủ đề xuất hiện từ cuộc bầu cử năm 2016 mà ông Trump đã nhiều lần phủ nhận.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo NY Times)