Tính đến ngày 29/11, Triều Tiên đã thực hiện 15 vụ thử tên lửa đạn đạo từ đầu năm 2017, chưa kể vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Sức mạnh của các quả tên lửa dường như ngày càng tăng và khiến thế giới thực sự lo lắng.
Ồ ạt thử tên lửa
Vụ thử tên lửa mở màn năm 2017 diễn ra ngày 11/2. Khi đó, Triều Tiên thử thành công tên lửa KN-15 phóng ngay trên mặt đất. Đây là loại tên lửa tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn, bay được gần 500km và rơi xuống Biển Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AFP |
Tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, nhận định trước một ủy ban quốc hội đầu tháng 4 rằng vụ phóng ngày 11/2 đánh dấu một bước tiến lớn với Triều Tiên vì đây là tên lửa nhiên liệu rắn đầu tiên được phóng thành công từ bệ phóng di động. Tên lửa được phóng bằng bệ di động khó bị phát hiện hơn và có thể được bắn gần như ngay sau khi nhận lệnh. Vụ phóng hồi tháng 2 này xảy ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Mỹ.
Đầu tháng 3, Triều Tiên phóng 5 tên lửa Scud tầm trung, trong đó 4 quả bay 960km xuống Biển Nhật Bản, quả còn lại rời bệ phóng nhưng bị nổ. Ngay sau vụ thử này, Mỹ đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới lắp đặt ở Hàn Quốc.
Cũng trong tháng 3, vào ngày 21, Triều Tiên đã thử một quả tên lửa từ bệ phóng di động, song tên lửa phát nổ vài giây sau khi được phóng. Vụ phóng diễn ra gần Kalma ở tỉnh Wonsan phía đông Triều Tiên. Năm 2016, Triều Tiên đã thử 8 quả rocket Musudan nhưng chỉ có một quả thành công. Giới chức Mỹ chưa xác định được loại tên lửa được Triều Tiên thử ngày 21/3 vì nó nổ ngay sau khi vừa rời bệ phóng.
Tháng tiếp theo, Triều Tiên thử tên lửa 3 lần liền nhưng đều thất bại. Vụ thử đầu tiên diễn ra ngày 4/4, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình gặp Tổng thống Trump tại Mar-a-Lago, trong đó hai bên bàn cách kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Chính quyền Mỹ hi vọng Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng kinh tế với Triều Tiên để ép nước này từ bỏ hạt nhân. Giới chức Mỹ cho biết quả tên lửa được phóng ngày 4/4 đã bị mất kiểm soát và rơi xuống biển Nhật Bản. Vụ phóng bị coi là thất bại. Chưa đầy hai tuần sau, Triều Tiên lại phóng thêm một quả KN-17 nữa và nó cũng phát nổ ngay sau khi được phóng. Vụ thử cuối cùng trong tháng 4 diễn ra vào ngày 28 với một quả KN-17. Quả tên lửa này khá hơn khi bay được vài chục km rồi mới nổ trên không.
Sau nhiều lần liên tiếp thất bại với KN-17, Triều Tiên “phục thù” bằng vụ thử KN-17 thành công ngày 14/5. Đây là vụ thử thành công đầu tiên KN-17. Tên lửa tầm trung được phóng từ Kusong, phía tây Triều Tiên, bay 696km rồi rơi xuống Biển Nhật Bản, cách biên giới Nga 96km. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nhận định tên lửa đạt độ cao chưa từng có tiền lệ là 2.000km. Các chuyên gia cho rằng tên lửa sẽ bay xa hơn nhiều nếu được phóng theo phương tối ưu và có thể chạm tới các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Trong tháng 5, Triều Tiên còn thực hiện hai vụ phóng nữa. Một vụ ngày 21/5 và một vụ ngày 28/5. Trong khi tên lửa phóng ngày 21 là tên lửa đạo đạo tầm trung, ngắn hơn các tên lửa trong các vụ thử khác thì tên lửa phóng ngày 28 là tên lửa tầm ngắn. Ngay sau vụ phóng KN-15 ngày 21, Triều Tiên tuyên bố vụ thử cho thấy nước này đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng vươn tới căn cứ quân sự Mỹ và Nhật Bản. Vụ thử diễn ra khi ông Trump lần đầu đi công du nước ngoài tới Saudi Arabia. Còn với vụ thử ngày 28, Triều Tiên tuyên bố mục đích là thử nghiệm hệ thống dẫn đường chính xác mới.
Ba lần thử ICBM, một lần thử hạt nhân
Sau tháng 6 im ắng hoàn toàn, Triều Tiên “chào mừng” quốc khánh Mỹ 4/7 bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên diễn ra trong hai giai đoạn. Quả tên lửa được phóng theo phương cao 2.768km, bay ngang hơn 900km rồi rơi xuống Biển Nhật Bản. Tên lửa được phóng từ phía bắc Kusong, nơi từng diễn ra nhiều vụ phóng trước đó. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chỉ trích: “Thử ICBM là gia tăng đe dọa Mỹ, đồng minh và đối tác, khu vực cũng như thế giới”.
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quả ICBM thứ hai được Triều Tiên phóng sau đó ba tuần, tức 28/7, từ Mypyong-ni, điểm cực bắc Triều Tiên, gần một nhà máy vũ khí. Quả ICBM này bay 993km trong 45 phút và rơi xuống Biển Nhật Bản, trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng tên lửa này hoàn toàn có thể bay xa tới tận New York hay Washington, DC.
Ngày 29/11 vừa rồi đánh dấu lần thứ ba Triều Tiên thử ICBM năm 2017. Quả tên lửa Hwasong-15 là quả ICBM mạnh nhất, to nhất từ trước tới nay. Nó bay gần 50 phút, cao nhất và xa nhất từ trước tới nay. Tên lửa Hwasong-15 dài hơn Hwasong-14 tới 2 mét, đường kính lớn hơn từ 0,4-0,8 mét, phương tiện chở và phóng có 9 trục trong khi Hwasong-14 chỉ có 8 trục, tầng thứ nhất của Hwasong-15 sử dụng cụm 2 động cơ của Hwasong-14.Trong trường hợp được phóng với một góc độ bình thường, tên lửa này có thể bay xa hơn 13.000 km. Điều này có nghĩa là tên lửa có thể vươn tới thủ đô Washington, D.C.
Ngoài 3 vụ thử ICBM nói trên, trong tháng 8 và 9, Triều Tiên còn thực hiện 3 vụ thử tên lửa đạn đạo nữa. Trong vụ thử ngày 25/8, ba quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được bắn ra Biển Nhật Bản. Quả đầu và thứ ba thất bại khi bay, còn quả thứ hai nổ ngay lập tức. Vụ thử này diễn ra sau khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẩu chiến dữ dội. Còn sau vụ Triều Tiên thử KN-17 ngày 28/8 khiến hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Nhật Bản vang lên, ông Trump phát tuyên bố rằng “mọi lựa chọn đang được tính tới”.
Ngày 14/9, Triều Tiên thực hiện thêm một vụ thử KN-17 trước khi im hơi lặng tiếng hơn 2 tháng. Vụ thử khiến Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi mọi quốc gia có biện pháp chống Triều Tiên, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
Đáng chú ý trong năm 2017 là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên ngày 3/9. Vụ thử được đánh giá mạnh nhất và Triều Tiên tuyên bố thiết bị thử là một quả bom nhiệt hạch có thể vừa khít đầu tên lửa. Với số liệu ghi nhận xảy ra động đất 6,3 độ richter tại nơi thử hạt nhân của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trang web của Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động Triều Tiên North 38 cho rằng sức nổ trong vụ thử hạt nhân vừa qua tương đương 250 kiloton – gấp 16 lần sức nổ 15 kiloton từ quả bom nguyên tử mà Mỹ trút xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong năm 1945.