(ĐS&PL) Tiến tới tổng kết chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn (2010 - 2020), sáng ngày 17/8, tại TP Vinh (Nghệ An), Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình Mục tiêu quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị |
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và đại diện lãnh đạo của 17 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tổng diện tích toàn vùng là 72.371,4 km2 (chiếm 21,85% diện tích cả nước), dân số khoảng 31.685.300 người (chiếm 34,18% dân số cả nước, năm 2017).
70% số xã đạt Nông thôn mới
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đến hết tháng 7-2019, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có 2.402/3.474 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 69,1%). Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 83,59%, cao nhất trong cả nước, vượt mục tiêu toàn vùng là 80%. Vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,92%, chưa đạt mục tiêu toàn vùng là 59%. Bình quân cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt bình quân 18,28 tiêu chí/ xã, cao nhất cả nước; vùng Bắc Trung Bộ đạt bình quân 15,8 tiêu chí/xã. Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới năm tiêu chí; có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng NTM, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của cả nước đạt chuẩn NTM. Có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu hết năm 2020 toàn vùng sẽ có 88 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; đã có 510 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu hết năm 2020, toàn vùng có 939 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo đó, tổng vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2019 của hai vùng khoảng 689.798 tỷ đồng, chiếm 32,5% của cả nước.
Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn nhìn chung đã có nhiều thay đổi |
Báo cáo cũng đã chỉ rõ, nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân, đến năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng ước đạt 43,3 triệu đồng/người/ năm; vùng Bắc Trung Bộ đạt 27,9 triệu đồng/người/năm thấp hơn bình quân chung của cả nước (35,9 triệu đồng). Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có lần lượt 1,79%, 6,03% hộ nghèo, tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đạt dưới 4% và tỷ lệ hộ cận nghèo 4,38%...Tuy nhiên vùng còn có những hạn chế như: môi trường; quá trình đô thị hoá mạnh theo chiều bê tông hoá; an ninh trật tự; nhiều địa phương nặng về hình thức chưa quan tâm đến chất lượng, trông chờ ỷ lại vào nguồn lực TƯ...
Nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới của đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ phấn đấu đạt 8/17 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng NTM; 60% huyện đạt chuẩn; 85% số xã đạt chuẩn xây dựng NTM, trong đó ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7,5% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ; 85% thôn, bản vùng đặt biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM theo tiêu chí áp dụng đối với các thôn, bản do địa phương quy định...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các tỉnh trong vùng đã có nhiều tham luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thành công, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 và đề ra những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, cần tập trung hướng tới mục tiêu thay đổi phương thức sản xuất của người dân nhằm nâng cao thu nhập, gắn với thị trường, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp để nông sản tạo thành chuỗi khép kín nâng cao chất lượng các sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng NTM phải gắn với môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá...
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh phát biểu về những sáng tạo của tỉnh Nghệ An trong xây dựng Nông thôn mới |
Trong đó, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nêu nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng NTM của tỉnh Nghệ AN theo 5 nguyên tắc. Trong đó nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất theo thứ tự hợp lý, tránh lãng phí và nợ đọng xây dựng cơ bản; nâng cao dân trí cho người dân, đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, mang bản sắc truyền thống của địa phương, gắn với phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện.
Hướng tới tầm cao mới
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã đánh giá cao kết quả 10 năm xây dựng NTM của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đây là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng NTM của cả nước trong những năm qua.
Từ thực tiễn và những kết quả đạt được của vùng là cơ sở để đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị |
Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cũng là nơi thí điểm những mô hình mới hiệu quả để tổng kết và đề xuất những nội dung xây dựng NTM cho giai đoạn sau năm 2020 (đó là du lịch nông thôn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư, xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…).
Để phát huy tốt những kết quả đã đạt được qua 10 năm xây dựng NTM, hướng tới những tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo, Phó Thủ tướng chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tập trung làm tốt một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM, với tinh thần: Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đặc biệt, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.
Thứ hai, mỗi địa phương cần thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, như: Nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống ở khu dân cư…Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo tiêu chí quy định hiện hành, đồng thời, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, hướng tới phấn đấu đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục có bước đột phá trong ban hành khung chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các xã miền núi, khó khăn tiệm cận với quy định đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới hiện hành.
Thứ ba, cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế nông thôn, góp phần đưa các tỉnh trong vùng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để đúc rút kinh nghiệm, phát huy hiệu quả nhân rộng toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Hà Nội thăm gian hàng thủ công mỹ nghệ |
Thứ tư, phát huy những lời thế về văn hóa, du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Noi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt với các di tích lịch sử và di tích cách mạnh dày đặc, nơi xuất phát của hầu hết tất cả các triều đại lịch sử của nước Việt, với truyền thống văn hiến nghìn đời cũng như những bãi biển trải dài và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi có Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến là Trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Vì vậy cần phải khai thác du lịch NTM gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn, để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của các địa phương, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các vùng, các địa phương xung quanh; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng không gian xanh ở nông thôn, nhất là đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa trên các trục đường giao thông thôn, xã.
Nông thôn mới Hà Nội nhiều khởi sắc |
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi Hội nghị và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn sau năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, làm rõ nội dung để đưa vào định hướng Chương trình xây dựng NTM cả nước giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu hiện tại, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định cụ thể nguồn lực cho xây dựng NTM.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 09 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, có 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã. |
Vương Xuân Nguyên