Chỉ một vài tình huống 'chặt chém' của U22 Đông Timor thôi mà nhiều cầu thủ Việt Nam đã cảm thấy ghê chân. Gặp Indo hay Thái Lan khó khăn sẽ tăng lên gấp bội bởi 'chặt chém' là đặc sản của những đội bóng này.
Thái Lan đấu Indo: Cuộc chiến của bạo lực
Hấp dẫn, nóng bỏng, đó là những gì người ta có thể nói về cuộc so tài giữa U22 Thái Lan và U22 Indonesia diễn ra hôm 15/8. Indo gặp Thái Lan thực sự là cuộc đấu chưa bao giờ có sự nhân nhượng từ cả hai phía.
Không giống như Việt Nam, Indonesia không hề biết sợ Thái Lan. Họ chơi rất máu lửa, tự tin và cũng không kém phần quyết liệt. Lối chơi 'chém đinh chặt sắt' của Indonesia chính là một phần nguyên nhân khiến cầu thủ Thái Lan chùn chân và không thể phô diễn được những 'tuyệt kĩ' của mình.
Thái Lan và Indonesia không ngại đá bạo lực mỗi khi cần. Ảnh: SiamSport |
Trận đấu ngày hôm qua là một ví dụ tiêu biểu. U22 Indonesia chơi rất nhiệt và cũng rất 'rát'. Họ không ngần ngại phạm lỗi, vào bóng quyết liệt khiến các cầu thủ Thái Lan cảm thấy ghê chân. Và khi dính phải những cú vào bóng có phần thô bạo, người Thái cũng không còn giữ được bình tĩnh. Họ chơi ăn miếng trả miếng, Indonesia biết chơi xấu ư? Thái Lan cũng có thể làm được điều đó.
Một cầu thủ Indonesia vào bóng bằng gầm giày, ngay sau đó cầu thủ Thái Lan có tình huống bỏ bóng đá người. Thậm chí còn có tình huống cầu thủ Thái giẫm lên lưng cầu thủ của Indonesia.
Tốc độ của trận đấu được đẩy lên rất cao, Indonesia và Thái Lan chơi bóng không nhân nhượng. Và thế rồi tỉ số 1-1 được cả hai đội cảm thấy hài lòng sau một trận cầu đầy bạo lực.
U22 Việt Nam sợ hãi với lối chơi 'chém đinh chặt sắt'?
Không ít lần cầu thủ U22 VN nằm sân vì đối thủ chơi bạo lực. Ảnh: Zing.vn |
Trận ra quân, U22 Việt Nam đối đầu với đội bóng yếu hơn rất nhiều là Đông Timor. Dĩ nhiên, để có thể tìm được kết quả có lợi, Đông Timor đã chơi phòng ngự số đông.
Cảm thấy điều đó là chưa đủ, họ còn thường xuyên chơi quyết liệt, vào bóng rất 'rát'. Chính lối chơi ấy đã khiến nhiều tuyển thủ của Việt Nam cảm thấy ghê chân. Người ta có thể thống kê thấy hàng chục lần Tuấn Anh bị phạm lỗi rồi nằm sân. Văn Toàn tả xung hữu đột bên cánh phải bị một cầu thủ mang thân hình 'hộ pháp' như U40 chơi đủ mọi loại tiểu xảo... Những đường chuyền của các cầu thủ cũng vì thế mà trở nên vội vàng hơn.
Một Xuân Trường giữ bóng khôn ngoan và khá bình tĩnh trong nhiều tình huống đã phải chuyền vội vì sợ cầu thủ đối phương bất tình lình ập vào phạm lỗi. Tuấn Anh, Công Phượng cũng vậy, nhiều tình huống họ phải đá vội hơn thường lệ để tránh những chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra.
U22 Việt Nam có lối chơi kĩ thuật, giàu tốc độ, thế nhưng điểm yếu của đội là khả năng tranh chấp sức mạnh với đối thủ. Sẽ là rất khó khăn khi chúng ta phải đối đầu với những đội bóng có sức mạnh và chơi bóng quyết liệt như Indonesia hay thậm chí là cả Thái Lan.
Rõ ràng đây là bài toán không hề đơn giản dành cho HLV Hữu Thắng và các học trò. Đá với Indo hay Thái Lan sắp tới, U22 Việt Nam vừa phải lo thắng vừa phải lo tránh chấn thương. Đó thực sự là bài toán khó!.