(ĐSPL) – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo, số ngày và số đợt nóng ở nước ta đang có xu hướng tăng trên hầu hết các khu vực, nhất là miền Trung. Dự báo, đến giữa thế kỷ 21 số ngày nắng nóng sẽ tăng 20-30 ngày so với thời kỳ 1980-1999.
Cùng với đó, hạn hán sẽ gia tăng ở khắp các khu vực trên cả nước, nhất là khoảng thời gian từ tháng 1-4 và tháng 5-8, trùng vào vụ đông xuân và hè thu. Thực tế hiện nay cho thấy, các đợt hạn nặng đã và đang xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là hạn cực khắc nghiệt.
|
Các đợt hạn nặng đã và đang xuất hiện nhiều hơn ở nước ta. Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, sự gia tăng của mực nước biển khiến các vùng đang chịu ảnh hưởng xói lở bờ biển và ngập lụt tiếp tục sẽ tiếp diễn trong tương lai, đồng thời với việc gia tăng tốc độ gió tối đa của các cơn bão sẽ trở thành mối đe dọa cho vùng ven biển Việt Nam.
Ngoài ra, số ngày rét đậm, rét hại sẽ giảm nhưng các đợt rét đậm rét hại lại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina, sự gia tăng mưa lớn sẽ làm tăng rủi ro sạt lở đất ở khu vực miền núi.
Kết quả qua theo dõi các năm cũng cho thấy, cực đoan khí hậu ở Việt Nam có nhiều thay đổi như mực nước cao bất thường ở vùng ven biển, xâm nhập mặn vào sâu đất liền, mưa cực đoan có xu hướng tăng.
Báo cáo cũng đưa ra một loạt các hành động để ứng phó với những rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, bao gồm tăng cường phân tích rủi ro; cải thiện hệ thống cảnh báo sớm; tăng cường quy hoạch không gian đô thị; cơ sở hạ tầng, nhà ở và các công trình khác; hệ thống bảo vệ và trợ giúp xã hội, đặc biệt là tập trung vào người già và trẻ em.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-vung-o-viet-nam-du-bao-se-bi-han-han-cuc-nang-a83265.html