+Aa-
    Zalo

    Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri gửi đến Quốc hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Qua các buổi tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan chức năng nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

    Qua các buổi tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan chức năng nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

    Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong các ngày 29 - 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Nam Định, Đắk Lắk và Thanh Hóa đã tiếp xúc với các cử tri thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng như lắng nghe ý kiến, ghi nhận những kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

    Cử tri Đắk Lắk nêu ý kiến với đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

    Tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Lanh Chánh và Cẩm Thủy.

    Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cử tri các địa phương đã kiến nghị những vấn đề đang được nhân dân quan tâm như tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở một số xã, nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường giao thông về xã vùng đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục thực hiện Chương trình 135, Nghị quyết 30a, chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng; giải quyết chế độ cho lực lượng thanh niên xung phong. Đặc biệt, cử tri một số xã nằm trong vùng đệm các Ban quản lý rừng phòng hộ mong muốn các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh có phương án giải quyết tình trạng thiếu đất của người dân.

    Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Uông Chu Lưu đã thông báo tới cử tri một số nội dung dự kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV như xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo và cho ý kiến đối với 14 dự án luật.... Đồng thời tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp trình Quốc hội và các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

    * Trong các ngày 29 - 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tiếp xúc cử tri tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

    Tại các điểm tiếp xúc, cử tri Nam Định bày tỏ phấn khởi trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua; đồng thời kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan chức năng nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

    Cử tri các xã Hải Phúc, Hải Lý, Hải Ninh, huyện Hải Hậu kiến nghị, Nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa ngay các vị trí xung yếu trên tuyến đê biển, đê sông để đảm bảo phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trung ương cần có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi cho các xã khó khăn, xã có biên giới biển. Bày tỏ lo ngại về vấn đề môi trường khi địa phương triển khai xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nam Định I tại 2 xã Hải Châu và Hải Ninh, cử tri huyện Hải Hậu đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp, tính toán hợp lý để xử lý triệt để vấn đề môi trường, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

    Cử tri huyện Nam Trực mong muốn Nhà nước, Chính phủ xem xét tạo điều kiện cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 62 ngày 9/11/2011 của Chính phủ về giải quyết chế độ một lần, trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ tháng 2/1979 đến tháng 12/1988 hoặc làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và Lào sau ngày 30/4/1975. Lo ngại trước thực trạng báo động có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật, cử tri nêu ý kiến, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt quan tâm quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho sức khỏe người dân.

    Cử tri huyện Vụ Bản kiến nghị, cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung đủ số lượng giáo viên, nhân viên kế toán, y tế học đường cho các trường mầm non theo chỉ tiêu quy định; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn để có nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; quản lý hợp lý việc dạy thêm, học thêm để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa không để tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Cử tri cho rằng, cần tính toán lộ trình tăng viện phí và dịch vụ y tế phù hợp, tránh tình trạng tăng đột biến gây khó khăn cho người bệnh.

    Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu ghi nhận và giải đáp kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

    * Trong 2 ngày 29 và 30/ 9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại các huyện: Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ.

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả Kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XIV thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XIV; lắng nghe ý kiến và những kiến nghị của cử tri.

    Tại các buổi tiếp xúc, cử tri các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, an sinh-xã hội. Đặc biệt cử tri quan tâm đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng “trôi nổi” trên thị trường. Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ nêu ý kiến, thị trường thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cây trồng quá rộng, không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng kẽ hở này để đưa vào thị trường nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, khiến người nông dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn, sử dụng cho cây trồng.

    Cử tri Nguyễn Văn Thân, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar kiến nghị: Các ngành chức năng của tỉnh cần giám sát chặt chẽ công tác phân phối, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh; có chế tài xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, buôn bán các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng để người nông dân yên tâm hơn trong lao động, sản xuất.

    Cử tri tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị nhiều vấn đề như: Tỉnh Đắk Lắk cần có những giải pháp quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội; sớm giải quyết những những bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công; nhiều tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng cần được sớm đầu tư, nâng cấp; có chính sách thu hút, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

    Nguồn: TTXVN

    Video đang được xem nhiều nhất:

    [mecloud]HkhzolSS83[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-van-de-nong-duoc-cu-tri-gui-den-quoc-hoi-a163915.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.