Nhiều trụ nước dùng cho công tác chữa cháy (cứu cháy) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị “tê liệt” do mất ty, mất nắp đậy, không có nước... khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trụ mất nắp, không có nước
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, rất nhiều trụ nước cứu cháy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiều khả năng bị “tê liệt” khi có sự cố cháy nổ. Tại ngã tư Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận), trụ cứu cháy có ba cửa lấy nước thì một cửa đã mất nắp đậy. Tình trạng mất nắp đậy tương tự cũng xảy ra ở một số trụ nước cứu cháy trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận). “Trụ nước cứu cháy này bị mất nắp đậy đã lâu rồi. Khu vực này xưa nay cũng chưa xảy ra tình trạng cháy nổ và trụ nước cứu cháy này chưa được sử dụng lần nào nên tôi cũng không biết nó có còn hoạt động được không nữa. Nếu như xảy ra cháy lớn mà trụ nước không hoạt động được thì rất nguy hiểm, bởi ở đây toàn là những cửa hàng kinh doanh xe máy cũ liền kề nhau”, chủ một cửa hàng bán xe máy trên đường Hoàng Văn Thụ tỏ vẻ lắng.
Nhiều trụ nước dùng để chữa cháy bị mất nắp đậy họng nước. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện UBND quận Tân Phú, phản ánh: Trên địa bàn quận có tổng cộng 574 trụ nước phòng cháy chữa cháy nhưng có đến 93 trụ bị mất nắp đậy, 26 trụ không có nước và 152 trụ cần phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng mới có thể... sử dụng được. Tương tự, đại diện của UBND quận 11 cũng phản ảnh trên địa bàn có hơn 100 trụ nước phòng cháy chữa cháy bị mất nắp, mất ty và tại quận 6 có đến 55 trụ hư hỏng, 9 trụ khô nước...
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, một số trụ nước chữa cháy bị những người dân thiếu ý thức lấy trộm nắp đậy bảo vệ khiến vật cứng, cát sỏi lọt vào làm hỏng, không sử dụng được khi chữa cháy. Nguy hiểm hơn, nó có thể làm hư hỏng cả phương tiện khi hút nước từ các trụ này. “Do các trụ nước bị mất nắp, mất ty và hư hỏng nên ngành cấp nước thành phố đã phải khóa van để nước khỏi rò rỉ. Khi có cháy thì sẽ phối hợp với cảnh sát phòng cháy mở van nước ra”, ông Nguyễn Thanh Sự, Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn, cho biết.
Lắp đặt thêm trụ nước
Theo ông Nguyễn Thanh Sự, hiện các trụ nước phòng cháy chữa cháy do Công ty Cấp nước thành phố quản lý là chủ yếu. “Mấy năm nay không thể bàn giao các trụ cứu hỏa cho Sở Phòng cháy chữa cháy được vì thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Trong khi chờ quy định hướng dẫn thì công ty vẫn chịu trách nhiệm tu sửa các trụ nước phòng cháy chữa cháy bị hư hỏng”, ông Sự cho biết.
Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 6.221 trụ nước cứu cháy được bố trí dọc các tuyến đường và tại một số tuyến hẻm, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Tại các khu vực như chợ Kim Biên, Bến Thành, Bình Tây... người dân vừa sinh hoạt vừa kinh doanh nên nằm trong diện báo động rất cao; hay tại các khu dân cư đông, nhiều hẻm ngóc ngách, công tác PCCC khó đảm bảo... thì trụ cứu hỏa rất quan trọng. Nếu như các trụ này bị “vô hiệu hoá” thì khi có sự cố cháy nổ xảy ra, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, theo tiêu chuẩn cứ cách 300 m phải có một trụ nước cứu hỏa thì TP Hồ Chí Minh còn thiếu gần 1.000 trụ. “Hiện chúng tôi đã xây dựng 12 văn bản về công tác quản lý nguồn nước chữa cháy gửi các công ty cổ phần cấp nước khu vực về việc đề nghị lắp đặt và di dời trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp kiểm tra thi công các trụ nước chữa cháy thuộc dự án lắp đặt 800 trụ nước chữa cháy phục vụ công tác cấp nước phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2”, ông Bửu cho biết.
Ông Bửu cũng khuyến cáo: Các trụ nước cứu cháy là một trong những thiết bị rất quan trọng trong việc dập lửa cứu người, cứu tài sản và doanh nghiệp mỗi khi xảy ra sự cố cháy nổ, bởi vậy người dân cần phải có trách nhiệm trong việc phối hợp bảo vệ.
Theo Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.041 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, trong đó có 3 vụ cháy lớn làm chết 3 người và 19 người bị thương, thiệt hại nhiều về tài sản. Nguyên nhân cháy nổ chủ yếu là vi phạm an toàn về điện, thiết bị điện hoặc do sơ suất trong sinh hoạt hàng ngày. |
Theo TTXVN