+Aa-
    Zalo

    Nhiều tiền như kinh doanh xổ số

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từng gây bão trên thị trường với những giải thưởng hàng trăm tỷ đồng, xổ số điện toán Vietlott đã giáng một đòn mạnh khiến các ông lớn xổ số truyền thống phải giật mình.

    Từng gây bão trên thị trường với những giải thưởng hàng trăm tỷ đồng, xổ số điện toán Vietlott đã giáng một đòn mạnh khiến các ông lớn xổ số truyền thống phải giật mình nhìn lại sau hàng thập kỷ “ngồi mát ăn bát vàng”.

    Xổ số Vietlott - đối thủ chính khiến xổ số truyền thống phải chuyển mình.

    So găng “anh đại” xổ số truyền thống và Vietlott

    Tháng 7/2016, xổ số điện toán Vietlott phát hành sản phẩm đầu tiên – Mega 6/45 với những giải thưởng lên tới hàng trăm tỷ đồng đã gây sốt trên thị trường, người người nhà nhà đổ xô đi tìm kiếm vận may qua 6 con số. Chỉ trong thời gian ngắn, khi làn sóng Vietlott lan tỏa mạnh mẽ đã khiến các công ty xổ số kiến thiết truyền thống phải vật lộn tìm những phương án kinh doanh khác nhau nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.

    Sau 4 năm, “cơn sốt” Vietlott dần hạ nhiệt, trái với những dự báo ảm đạm về tương lai của xổ số truyền thống, thực tế diễn ra lại khiến nhiều người bất ngờ.

    Mới đây nhất, “anh cả” của làng xổ số truyền thống là công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP.HCM đã công bố báo cáo tài chính năm 2019 sau kiểm toán với những con số khả quan. Doanh thu phát hành xổ số năm 2019 của công ty đạt 8.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.400 tỷ đồng – tăng lần lượt 14% và 23% so với năm 2018.

    Đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận là sản phẩm xổ số truyền thống, phần nhỏ là xổ số cào biết ngay kết quả - sản phẩm mới phát hành của công ty. Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đánh giá: "Xổ số truyền thống vẫn là động lực tăng trưởng chính cho năm nay với 104 kỳ mở thưởng. Vé cào đang phát triển tốt, vượt kỳ vọng của ban lãnh đạo nhưng hạn chế bởi năng lực in ấn. Sản phẩm này nếu làm tốt có thể mang về doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm".

    Trái với sự tăng trưởng của công ty Xổ số TP.HCM, Vietlott – đối thủ chính khiến doanh nghiệp xổ số truyền thống lao đao vài năm qua lại có bước đi lùi gây thất vọng. Từng tiệm cận mức doanh thu của nhiều công ty xổ số truyền thống lớn vào năm 2017, nhưng đến nay Vietlott đã rời khỏi top 10 doanh nghiệp xổ số có doanh thu hàng năm cao nhất.

    Năm 2018, sau khi Vietlott gây ấn tượng với màn trao giải “khủng” nhất lịch sử ngành xổ số nước nhà với giải độc đắc Jackpot 1 Power 6/55 lên tới hơn 300 tỷ đồng, nhiều tỉnh thành ghi nhận người dân kém mặn mà hơn với hình thức xổ số này.

    Năm 2019, Vietlott ghi nhận doanh thu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2018. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 190 tỷ đồng – giảm tới 44% so với năm trước đó, nguyên nhân chủ yếu do thu nhập khác giảm. Đây là khoản tiền trúng giải hàng trăm tỷ đồng nhưng không có người đến nhận nên công ty này được phép ghi nhận vào khoản thu nhập bất thường của doanh nghiệp.

    Một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của Vietlott năm qua là người chơi trúng giải nhiều hơn, dẫn đến chi phí trả thưởng của Vietlott tăng lên. Theo đó, riêng chi phí trả thưởng của công ty Xổ số này trong năm 2019 đã lên tới 2.050 tỷ đồng, tương đương 54% doanh thu.

    Không chỉ so với “anh cả” làng xổ số truyền thống là công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, Vietlott cũng hụt hơi so với những doanh nghiệp xổ số các tỉnh thành khác như Tiền Giang (doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận 625 tỷ), Tây Ninh (doanh thu 4.335 tỷ đồng và lợi nhuận 516 tỷ đồng).

    Của để dành nghìn tỷ

    Việc kinh doanh có thể trồi sụt từng lúc khác nhau, tuy nhiên có một đặc điểm chung giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt này đó là những khoản tiền gửi hàng nghìn tỷ đồng – gấp nhiều lần so với mức vốn điều lệ Nhà nước đầu tư.

    Đơn cử như đối với công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 2.600 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng tới 64% tổng tài sản là khoản tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn (dưới 12 tháng), tương đương 1.653 tỷ đồng. Lượng tiền này được duy trì nhiều năm trên bảng cân đối kế toán của công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM. Trong khi đó, tổng vốn góp của bộ Tài chính rót vào doanh nghiệp này chỉ là 1.300 tỷ dồng. Một điều khó hiểu là với khoản tiền gửi lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thu nhập từ lãi vay của công ty vỏn vẹn 42,8 tỷ đồng.

    Với Vietlott, dù tình hình kinh doanh có phần sụt giảm năm qua nhưng một chỉ tiêu tăng trưởng mạnh nhất trên báo cáo tài chính đó là tiền và các khoản tương đương tiền. Trong khi lượng tiền mặt duy trì vào cuối năm chỉ là 10 tỷ đồng (Xổ số TP.HCM duy trì lượng tiền mặt hơn 900 tỷ vào cuối năm 2018 và hơn 700 tỷ vào cuối năm 2019) thì Vietlott vẫn có “của để dành” gửi tại các ngân hàng lên tới 1.038 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2019 – tăng 45% so với năm 2019.

    Khoản tiền gửi này đem về cho Vietlott số lãi 40-50 tỷ đồng mỗi năm, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của tình hình kinh doanh khó khăn đến lợi nhuận công ty. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra đó là khoản lãi vài chục tỷ đồng kể trên có xứng đáng để các doanh nghiệp xổ số sử dụng hàng nghìn tỷ nhàn rỗi của mình gửi ngân hàng hay không?

    Hiểu Minh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (109)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-tien-nhu-kinh-doanh-xo-so-a330497.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan