Sally Zhang (23 tuổi) chính thức tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên vào tháng 6/2023 nhưng cô đã đến Thượng Hải (Trung Quốc) từ đầu tháng 4 để tìm việc làm. Một trong những ký ức khó quên nhất đối với Sally Zhang là khoảng thời gian 5 ngày ở miễn phí trong căn hộ nhỏ tại ngoại ô phía Bắc quận Baoshan.
“Nơi đó rất xa trung tâm và không có ga tàu điện ngầm. Tuy nhiên, nó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tôi ở thời điểm đó”, cô gái cho hay. Được biết, Sally Zhang đến thành phố đông dân nhất Trung Quốc với khoản tiền tiết kiệm vô cùng ít ỏi.
Nơi lưu trú ngắn hạn nhưng miễn phí như vậy là một phần trong sáng kiến được chính quyền thành phố hỗ trợ tài chính với mục đích giúp đỡ những người trẻ đang tìm việc trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn.
Năm nay, thị trường việc làm Trung Quốc dự kiến đón một lượng kỷ lục 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn đang chịu tác động của các chính sách phòng chống dịch COVID-19 vừa được dỡ bỏ vào cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp còn đang vật lộn với tình hình hậu COVID-19.
Quận Baoshan đã triển khai chương trình nhà ở miễn phí từ tháng 6/2022. Người có nhu cầu có thể nộp đơn xin ở lại tới 5 ngày giống như Zhang Sally. Điều kiện là họ phải hoàn thành chương trình đại học, sau đại học hoặc tiến sĩ trong năm nay và được một công ty địa phương mời đến phỏng vấn.
Phố Đông - một quận khác ở Thượng Hải cũng áp dụng chương trình này vào đầu năm 2023. Trên khắp Trung Quốc, ngày càng có nhiều chính quyền thành phố triển khai chương trình hỗ trợ nơi ở tương tự, chủ yếu dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Việc này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các sinh viên mà còn nhằm mục đích thu hút tài năng trẻ.
“Tôi biết sự cạnh tranh rất khốc liệt nên không kỳ vọng cao. Tôi quyết định tới Thượng Hải sớm vào tháng 4/2023 vì lo rằng sẽ có nhiều người đổ xô tới đây vào tháng 6/2023”, Sally Zhang chia sẻ.
Nhiều thành phố ở tỉnh Giang Tô thậm chí hỗ trợ chỗ ở miễn phí tối đa 14 ngày cho các cử nhân đang tìm việc. Hồi tháng 3/2023, Nam Kinh đã dành tới 500 phòng ở 12 địa điểm cho những người tìm việc đã có bằng đại học trở lên trong vòng 2 năm qua. Những người có nhu cầu có thể sống tại đây 14 ngày nếu đáp ứng điều kiện.
Tại thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông, các tiêu chí còn đơn giản hơn. Kể từ tháng 3/2023, bất cứ người nào dưới 35 tuổi có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đều có thể đăng ký lưu trú miễn phí 7 ngày tại các khách sạn được chỉ định.
Tháng 4/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông tin, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi tiếp tục có xu hướng tăng trong năm nay. Tỷ lệ này ở mức 19,6% trong tháng 3/2023, trong khi hồi tháng 2/2023 là 18,1%.
Theo nhận định của Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, chương trình cung cấp chỗ ở miễn phí có thể giúp giảm bớt khó khăn cho một số sinh viên nhưng giải pháp tối ưu nhất vẫn liên quan tới mức độ phục hồi kinh tế.
“Trong vài năm qua, nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tôi không nghĩ họ có thể phục hồi đến mức tuyển dụng nhiều hơn trong thời gian ngắn. Vậy nên, tôi dự đoán sẽ không sớm có nhiều công việc mới”, ông Chu Zhaohui nêu ý kiến.
Ông nói thêm: “Hầu hết những người tìm việc đều thiếu các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu vì sinh viên có xu hướng chỉ tập trung vào việc học. Do đó, triển vọng việc làm cho thanh niên cũng không lạc quan nếu nhìn từ góc độ này”.
Chính quyền trung ương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia ở mức 5% trong năm nay, đồng thời cam kết tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở thành phố, tăng so với mức 11 triệu việc làm vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Shi Lei, Giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán, cho rằng Trung Quốc phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu việc làm của các cử nhân và lao động nhập cư.
Vị giáo sư cho hay: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 1% tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra 1 triệu đến 1,5 triệu việc làm. Chúng ta cần đạt tốc độ tăng trưởng từ 6% trở lên để tỷ lệ thất nghiệp ở mức có thể chấp nhận được.
Tỷ lệ thất nghiệp dưới 6% là tiêu chí cơ bản cho sự ổn định xã hội nên chúng ta phải theo đuổi số lượng (về tăng trưởng GDP) trước khi có thể nói đến chất lượng (của tăng trưởng)”.
Theo South China Morning Post, thị trường việc làm của Trung Quốc đã khởi sắc kể từ khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt dược dỡ bỏ vào cuối năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp khảo sát trên toàn quốc là 5,3% vào tháng 3/2023, thấp hơn một chút so với mức 5,6% trong tháng trước đó.
Sally Zhang rất vui khi được nhận vào làm điều phối viên sự kiện tại một công ty mới thành lập tại Thượng Hải, dù mức lương chỉ khoảng 7.000 NDT/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình 11.396 NDT của thành phố.
“Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình vì tôi vẫn đang học hỏi trong công việc. Tôi chấp nhận mức lương tối thiểu, miễn là số tiền đó đủ để tôi sống tại Thương Hải và có chỗ để tôi phát triển”, cô gái tâm sự.
Nhiều người mới tham gia thị trường việc cũng giống như Sally Zhang. Theo Công ty tuyển dụng Zhaopin.com, ngày càng nhiều người lựa chọn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm nơi dừng chân đầu tiên trên con đường phát triển sự nghiệp. Đây là “một lựa chọn thực tế dưới áp lực công việc gia tăng và phù hợp với kỳ vọng nhận mức lượng thấp hơn”.
Zhou Yaming, Giám đốc Ủy ban Giáo dục Thượng Hải, cho biết những người trẻ tuổi đang tìm việc đã gặp phải “những thách thức chưa từng có” kể từ năm 2020 do dịch COVID-19. Theo Zhou Yaming, áp lực tìm việc vẫn gia tăng trong năm nay khi số lượng sinh viên tốt nghiệp không ngừng tăng lên.
Đinh Kim (Theo SCMP)