Cần là có, “a lô” là ship
Theo luật Dược năm 2016, thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
Để phân biệt được đâu là thuốc kê đơn, bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Trong quy nêu rõ cụ thể tại Điều 15 về các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo khi dùng thuốc: Đối với thuốc kê đơn, trên nhãn bao bì phải ký hiệu “Rx” tại góc bên trái của tên thuốc và dòng chữ “Thuốc kê đơn”. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng phải kèm ký hiệu “Rx” kèm theo dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo đơn”.
Nghị định 124/2021/NĐ-CP hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”.
Tại nhà thuốc Pharmacity số 702 Trương Định, quận Hoàng Mai, không cần nêu triệu chứng bệnh, chỉ đọc tên thuốc cần mua, người bệnh sẽ được nhân viên cửa hàng tư vấn tận tình. Đơn cử với thuốc Amoxicillin 500 mg (một trong những loại thuốc kháng sinh bắt buộc phải kê đơn) có công dụng điều trị các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm trùng đường hô hấp trên, dưới, bệnh lậu.,… Dù đã được bộ Y tế khuyến cáo trên bao bì sản phẩm “thuốc bán theo đơn”, nhưng PV dễ dàng mua được mà không cần đơn thuốc.
Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều nhà thuốc khác, cụ thể: nhà thuốc Pharmacity số 193 Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy; nhà thuốc Pharmacity số 20 ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy.
Không chỉ mua thuốc trực tiếp, việc kinh doanh thuốc online với các loại thuốc nằm trong danh mục phải kê đơn cũng diễn ra khá sôi động vài năm trở lại đây.
Đơn cử, khi phóng viên liên hệ qua số điện thoại trên website thì dễ dàng đặt mua thuốc Augmentin 625 mg của nhà thuốc Phương Chính, nhà thuốc siêu thị thuốc Việt có địa chỉ cụ thể là tầng 1, nhà B1, làng Quốc tế Thăng Long, đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy; Số 169 Mai Hắc Đế, số 38 Mai Hắc Đế và số 29 Bạch Mai, Hà Nội. Chỉ cần nói tên thuốc muốn mua, nhân viên nhà thuốc lập tức báo giá sản phẩm bao gồm cả giá thuốc và phí ship (vận chuyển). Ngoài ra, những thông tin quan trọng như người bệnh đang mắc bệnh gì, triệu chứng như thế nào, có đơn hay chỉ định từ bác sĩ không đều không thấy nhân viên nhà thuốc đề cập đến. Sau khi nói tên thuốc cần mua, khoảng gần một giờ đồng hồ sau, thuốc được giao đến tận tay khách hàng với đầy đủ hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Nhưng việc mua bán thuốc dưới hình thức mới trên liệu đã được cơ quan quản lý chấp thuận tại Việt Nam chưa là điều mà người dân đang thắc mắc?
Sẽ kiểm tra làm rõ
Thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra và nhà thuốc phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPP). Cụ thể, tại điểm đ, khoản 2, Điều 32, luật Dược 2016, hiện nay có 4 mô hình kinh doanh thuốc bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Hiện nay, luật Dược 2016 và các văn bản dưới luật này chưa có quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.
Để làm rõ hơn về thực trạng bán thuốc kê đơn tràn lan, phóng viên đã liên hệ làm việc với sở Y tế Hà Nội. Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Xuân – Phó phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với đơn vị chức năng, chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các nhà thuốc vi phạm quy định của pháp luật trong việc kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nộị. Kết quả xử phạt đã công bố đầy đủ trên website của sở”.
Khi phóng viên cung cấp cho đại diện sở Y tế Hà Nội, các loại thuốc trong quá trình ghi nhận thực tế như Augmentin 625 mg, Amoxicillin 625 mg, Stadnex 20 CAP loại 20 mg, Ofloxacin, Losartan Boston, vị này khẳng định những thuốc này đều phải có đơn của bác sĩ mới được phép bán. Ông Xuân cũng đề nghị phóng viên cung cấp hóa đơn mua hàng kèm theo, sau đó sẽ phối hợp với thanh tra sở Y tế Hà Nội kiểm tra và sẽ có phản hồi sớm.
Theo luật sư Vũ Văn Biên - công ty luật An Phước, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bán thuốc kê đơn tràn lan như hiện nay. Chẳng hạn như người mua thuốc thiếu hiểu biết, không biết rõ những loại thuốc mình mua là thuốc “bắt buộc phải có đơn thuốc” của bác sĩ hay còn gọi “bán thuốc theo đơn chỉ định”. Khi có những triệu chứng như đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, đa số người dân sẽ đến nhà thuốc gần nhất và yêu cầu dược sĩ kê cho những đơn thuốc có công dụng khỏi nhanh.
Thứ hai, dược sĩ bán thuốc là những người có kiến thức, chuyên môn về dược liệu. Khi bán thuốc, họ chỉ được phép bán những loại thuốc không kê đơn theo Danh mục thuốc không kê đơn quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BYT. Nhưng hiện nay, có rất nhiều dược sĩ dửng dưng, coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh để chạy theo lợi nhuận, đi ngược lại với đạo đức người thầy thuốc, làm trái với Quy định số 2008/BYT-QĐ về Y đức ban hành ngày 06/11/1996: “Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.”
Thứ ba, cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự quan tâm, kiểm tra, giám sát nghiêm túc các cửa hàng bán thuốc. Mặc dù việc bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc quy định tại điểm h, khoản 5, Điều 6 về những hành vi nghiêm cấm tại luật Dược 2016 nhưng có thể thấy, việc bán các loại thuốc kê đơn vẫn diễn ra ngang nhiên và công khai.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Trọng Nghĩa