+Aa-
    Zalo

    Nhiều nước tạm dừng sử dụng 737 MAX 8, cổ phiếu Boeing rớt giá sau thảm họa ở Ethiopia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều quốc gia tuyên bố ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8 cho đến khi có thêm thông tin mới sau thảm họa rơi máy bay khiên 157 người thiệt mạng tại Ethiopia.

    Nhiều quốc gia tuyên bố ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8 cho đến khi có thêm thông tin mới sau thảm họa rơi máy bay khiên 157 người thiệt mạng tại Ethiopia.

    Vụ rơi máy bay thảm khốc trên chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 khiến 157 người thiệt mạng đã khiến cả thế giới bàng hoàng.

    Điều đáng nói, đây là vụ tai nạn thứ 2 trong vòng chưa đầy nửa năm của dòng máy bay này, xảy ra chỉ vài phút sau khi cất cánh. Trước đó, ngày 29/10/2018, một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air lao xuống biển Java của Indonesia mang theo 189 người.

    Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay thảm khốc ở Ethiopia. Ảnh: Reuters

    Cả hai vụ rơi máy bay đều đang được điều tra và không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ. Tuy nhiên, những điểm chung giữa hai vụ tai nạn khiến giới chức hàng không và các hãng hàng không tỏ ra thận trọng.

    Hãng hàng không Ethiopian Airlines hôm 11/3 thông qua mạng xã hội Twitter khẳng định tạm ngừng khai thác toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 cho đến khi có thông báo mới.

    "Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân tai nạn, chúng tôi buộc phải ngưng khai thác mẫu máy bay này. Đây là một biện pháp bảo đảm an toàn tăng cường" - Ethiopian Airlines, hãng hàng không lớn nhất châu Phi, tuyên bố.

    Cùng ngày, theo trang Bloomberg, Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không trong nước tạm ngưng hoạt động của toàn bộ 96 máy bay Boeing 737 MAX 8, xuất phát từ thực tế 2 vụ tai nạn đều liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX 8 mới được bàn giao và có "nhiều điểm tương đồng nhất định".

    Trung Quốc hiện sở hữu hơn 1/4 số máy bay Boeing 737 MAX 8 toàn cầu. Mặc dù hiện quá trình điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 ở Ethiopia mới ở giai đoạn đầu tiên, nhưng Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra quyết định như vậy nhằm bảo đảm an toàn hàng không.

    Nhiều cơ quan thực hiện điều tra với máy bay Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Getty

    Tương tự, các nhà chức trách Indonesia cho biết, các máy bay Boeing 737 MAX sẽ không được cất cánh từ ngày 12/3 để tạo điều kiện cho việc kiểm tra kĩ thuật. Mẫu máy bay này sẽ chỉ được tiếp tục sử dụng sau khi các thanh tra xác nhận nó đủ tiêu chuẩn vận hành.

    Cùng lúc đó, Hàn Quốc cũng ra lệnh kiểm tra đặc biệt đối với Boeing 737 MAX 8. Giới chức Hàn Quốc đang phối hợp với Eastar Jet, hàng hàng không duy nhất đang sở hữu máy bay trên, để hoàn thành cuộc kiểm tra này.

    Các hãng hàng không khác của Hàn Quốc như Korean Air Lines và Jeju Air cũng đang có đơn đặt hàng Boeing 737 MAX.

    Nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đang phải đối mặt với các câu hỏi về sự an toàn của thế hệ máy bay đời mới 737 MAX 8. Vì lẽ đó, thị trường chứng khoán ngày 11/3 chứng kiến phiên giảm điểm mạnh của cổ phiếu hãng hàng không Boeing.

    Việc giảm điểm của Boeing, cổ phiếu có giá cao nhất ở Dow Jones đã khiến thị trường này mất 300 điểm sáng nay. Trước đó, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa (pre-market trading), cổ phiếu Boeing đã mất giá 10%.

    Đây là hệ quả đã được đoán trước vì thảm họa hàng không vừa xảy ra ở Ethiopia. Theo báo cáo gần đây của Boeing, 350 chiếc MAX 8 đã được giao cho các hãng hàng không trên toàn thế giới, hơn 4.661 chiếc khác đang được đặt hàng.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-nuoc-tam-dung-su-dung-737-max-8-co-phieu-boeing-rot-gia-sau-tham-hoa-o-ethiopia-a266108.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan