Với sự nỗ lực này, chắc chắn nếp văn hóa tôn nghiêm chốn thờ tự, nhất là vào dịp lễ hội đầu Xuân sẽ diễn ra an toàn, văn minh.
Chuyện xóa bỏ tục lệ đốt vàng mã đã từng diễn ra rất nhiều năm, nhưng chưa bao giờ vấn đề này được mọi người quan tâm và đồng thuận, ủng hộ nhiều như hiện nay, nhất là khi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đưa ra đề nghị bằng văn bản.
Tại đền thờ Đức thánh Trần Trần Hưng Đạo, TP.HCM, do áp dụng hài hòa giữa chủ trương và những tập tục dân gian như hạn chế đốt vàng mã, không được thắp nhang trong đền chỉ thắp ở ngoài sân, nên năm nay nhiều nét đẹp truyền thống lễ hội Xuân tại đền được phát huy.
Nhiều cơ sở thờ tự đã chủ động thực hiện văn minh văn hóa lễ chùa từ nhiều năm nay. Ảnh: VnExpress |
Thời điểm này, chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã không còn diễn ra việc đốt vàng mã. Tại chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng) - một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở TP.HCM và là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ các vị thần thánh về chầu Ngọc Hoàng bằng giấy bồi - vẫn tuyên truyền và vận động Phật tử không nên đốt vàng mã.
Chị Nguyễn Vũ Nhật Minh – một phật tử cho biết, chị rất đồng tình với quan điểm của nhà Phật, vì trước nay chị luôn cho rằng, Phật tại tâm, làm việc đúng đạo nghĩa ắt sẽ gặp được may mắn. Chị cũng thẳng thắn cho biết, trước nay gia đình chị cũng đã từng đốt rất nhiều vàng mã, nhưng từ giờ sẽ không như vậy nữa, sẽ đi chùa, tụng kinh và làm nhiều việc thiện nguyện hơn nữa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, đối với không gian thờ tự của Phật giáo nói chung thì việc khuyến khích người dân xóa bỏ việc đốt vàng mã là một quyết định đúng đắn.Tục đốt vàng mã không thuộc về ý thức của Phật giáo mà thuộc về Đạo giáo, về thờ cúng nhiều hơn. Tác hại của nó ngoài là việc ảnh hưởng đến môi trường sống, lãng phí tiền của, còn đẩy xã hội vào sự mê tín, thiếu lành mạnh trong khi chúng ta hướng đến việc xây dựng một xã hội văn minh.
Vũ Đậu (T/h)