Dự án EcoRivers Hải Dương là dự án ven sông có vị trí đắc địa mà nhiều doanh nghiệp “thèm muốn”. Song mỗi m2 đất ở đây bán đấu giá với giá hơn 2 triệu đồng khiến dư luận đặt hoài nghi về nhóm lợi ích tại cuộc đấu giá dự án EcoRivers Hải Dương.
Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers Hải Dương) |
Giá trị quyền sử dụng đất 287.859m2 đất ở và 50.416m2 đất thương mại dịch vụ tại dự án EcoRivers Hải Dương được định giá khởi điểm hơn 799 tỷ đồng.
Sau phiên đấu giá, Công ty Ecopark Hải Dương là đơn vị trúng giá với chênh lệch hơn 5 tỷ đồng (805 tỷ đồng). Điều này khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về tính minh bạch của cuộc đấu giá. Bởi dự án EcoRivers Hải Dương nằm trên lô đất vàng mà nhiều doanh nghiệp “thèm muốn”.
Nghi ngờ trên càng có cơ sở khi có quá nhiều sự trùng hợp trong suốt thời gian diễn ra đấu giá. Bởi Công ty Việt Hưng là đơn vị được UBND tỉnh Hải Dương giao cho việc lập quy hoạch dự án EcoRivers Hải Dương. Trong khi người liên quan đến công ty này lại là đại diện pháp luật của các đơn vị lập lên liên danh để tham gia đấu giá.
Ngoài ra, MBLand là tổ chức mua hồ sơ, song không nộp hồ sơ đấu giá, nhưng vẫn được tham gia trả giá. Liệu hội đồng đấu giá dự án EcoRivers Hải Dương có thẩm định hồ sơ các đơn vị trước khi tham gia đấu giá hay không?
Hơn thế nữa, MBLand sẵn sàng trả giá cho dự án này là 1.100 tỷ đồng, trong khi Công ty Ecopark Hải Dương chỉ trả 805 tỷ đồng. Một sự chênh lệch rất lớn trong cuộc đấu giá đất vàng. Liệu có phải vì MBLand đã rút lui nên công ty này trả mức giá trên cho vui?
Với giá 805 tỷ đồng mà Ecopark Hải Dương trúng thầu thì mỗi m2 đất vàng tại dự án EcoRivers hải Dương chỉ có giá hơn 2 triệu đồng. Một con số khá rẻ mạt cho đất vàng TP Hải Dương.
Theo quy định, để thực hiện dự án, đơn vị tham gia đấu giá phải có vốn thuộc sở hữu của mình tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư của dự án, số tiền này phải được chứng minh bằng tài sản, tiền mặt hoặc tương đương; đồng thời có cam kết của tổ chức tín dụng về cho vay vốn để thực hiện dự án (chứng minh bằng văn bản cụ thể).
Bên cạnh đó, trong quy chế đưa ra tiêu chí, đơn vị tham gia đấu thầu phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá như đã và đang đầu tư ít nhất 01 (một) dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương (trong đó có hạng mục cây xanh trồng trong khu đô thị có đường kính thân D>1m, chiều cao H>10m trên 300 cây.
Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí quá “cụ thể” nêu trên, dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn liệu có sự “thông thầu” giữa các bên, khi chỉ có doanh nghiệp được chỉ định từ trước đáp ứng được số lượng cây trong tiêu chí chọn lựa nhà thầu?
Nhóm PV