(ĐSPL) - Việc giá xăng dầu giảm không chỉ ngành giao thông vận tải được hưởng lợi mà các ngành khác như: nhựa, khai thác tài nguyên, phân bón… cũng được hưởng lợi.
Vào 15h chiều nay 22/12, giá xăng giảm hơn 2000 đồng/ lít, đây là mức giảm kỷ lục từ trước đến nay. Đây là lần giảm giá xăng dầu kỷ lục nhất của năm. Nhờ đó, mặt bằng thị trường xăng dầu đã ở mức rẻ chưa từng có trong vòng 4 năm nay.
Theo đó, giá bán lẻ xăng giảm 2.050 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.420 đồng/lít, Fo giảm 1.690 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.390 đồng/lít.
Các doanh nghiệp xăng dầu vừa quyết định hạ tiếp giá xuống lần thứ 13 liên tiếp kể từ giữa tháng 7. Trong đó, xăng A92 giảm sâu nhất tới 2.059 đồng/lít, đưa mức giá bán lẻ xuống chỉ còn 17.871 đồng/lít.
Trước thông tin về việc này, trao đổi trên VTV, lãnh đạo Petrolimex cho biết, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm mạnh trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83.
Đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng cho biết, hiện giá xăng dầu đang được tính theo hướng tiệm cận với thị trường. Do trong tính giá xăng dầu cơ sở có nhiều yếu tố vẫn được tính theo giá cố định như: chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu. Vì thế, khi giá xăng dầu thế giới giảm 50\% thì giá trong nước cũng chỉ giảm được hơn 30\%. Tuy nhiên, với mức giá giảm như hiện nay cũng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế.
Việc giá xăng dầu giảm không chỉ ngành giao thông vận tải được hưởng lợi mà các ngành khác như: nhựa, khai thác tài nguyên, phân bón… cũng được hưởng lợi khi chi phí xăng dầu luôn chiếm 20-30\% trong giá thành các sản phẩm ngành này.
Chia sẻ trước thông tin này, Ông Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, cho hay: “Việc giảm giá xăng dầu giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng sản xuất và có lợi cho nền kinh tế”.