Đại gia Hải đồ cổ
Đại gia Bùi Xuân Hải (Hải đồ cổ, Hải Phòng) là cái tên nổi danh trên chốn thương trường đất cảng.
Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm, từng ở đỉnh cao nhưng cũng từng 4 lần vào tù ra tội. Tuy nhiên, ý chí làm giàu của vị đại gia đất cảng chưa bao giờ bị dập tắt.
Sau 10 năm kinh doanh đồ cổ, ông đã có trong tay 10 tấn vàng. Tuy nhiên, năm 1981, ông bị bắt vì tội buôn hàng quốc cấm khi đang mang 1,7kg vàng vào Bình Thuận để đi mua đồng đen, ông phải ngồi trại giam 2 tháng.
Năm 1986, ông bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ, lĩnh án 20 tháng tù.
Ra tù, ông lại tiếp tục mở xí nghiệp kinh doanh Havico - chuyên sản xuất đồ gốm sứ và đồ giả cổ. Đến năm 1994, ông Hải lại bị công an Hà Nội bắt vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đọa tài sản sau sự cố nợ một công ty xuất nhập khẩu 400.000 USD.
Sau đó 5 năm, ông được trả tự do nhưng lúc này sản nghiệp mất trắng.
7 năm sau đó, một lần nữa, vị đại gia này lại bị bắt giam và lãnh án 14 tháng tù vì vi phạm Luật đất đai.
Sau khi ra tù, ông nhanh chóng lập xưởng sứ cao cấp vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi đem nung. Đây cũng là trung tâm đào tạo nghề cho các học viên đủ thành phần, lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 70, đại gia đất Cảng vẫn đam mê với công nghệ kỹ thuật cao - vẽ vàng lên sứ.
Đại gia Lê Ân
Lê Ân (SN 1938, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) là vị đại gia nhiều vợ nhất Việt Nam. Ông có tất cả 6 vợ. Người vợ thứ 6 của ông tên là Mai Thị Mai, kém chồng 54 tuổi.
Thời trẻ ông mưu sinh đủ nghề để kiếm sống. Nhờ được lộc buôn bán, ông phất lên như diều gặp gió.
Từ tiệm chuyên may đồ vest, ông bắt đầu mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu...
Những năm 1980, ông từng thành lập ngân hàng tư nhân rồi xin đấu thầu thu gom phế liệu thời hậu chiến và thành lập tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang.
Thế nhưng, mỗi đêm tiệm vàng Chiến Thành lại âm thầm phân kim hàng chục lượng vàng từ nhiều nguồn khác nhau để bán lại. Chính vì hành vi này mà ông bị bắt và phải đi cải tạo một thời gian.
Sau khi ra tù, ông gây dựng lại sự nghiệp bằng cách mở cửa hàng bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp, mua bán vải
Đến tháng 1/2000, ông lại bị kết án 12 năm tù về tội cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Vũng Tàu, khi đó ông là Chủ tịch HĐQT… Thụ án hơn 5 năm tù, ông được thả tự do trước thời hạn.
Ông tiếp tục làm lại cuộc đời bằng cách mở các shop quần áo, quầy thuốc tây, tài sản mỗi ngày tích tụ nhiều thêm.
Hiện, vị đại gia này được biết đến là chủ Khu Du lịch Chí Linh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại gia Lê Ân từng tuyên bố, hiện công việc kinh doanh của ông khá thuận lợi với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Vua cá tra Dương Ngọc Minh
Ông Dương Ngọc Minh (được gọi với cái tên “vua cá tra”) sinh năm 1965 ở TP.HCM. Ông từng có 6 năm ngồi tù và hiện đang là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản.
Khi làm Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM, ông Dương Ngọc Minh đã đưa doanh nghiệp này vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, đến năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trước đó trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Giám đốc Dương Ngọc Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Năm 2003, sau khi ra tù, ông đã quyết làm lại từ hai bàn tay trắng, mở công ty thủy sản, vẫn giữ tên Hùng Vương. Thay vì chọn hàng tôm, ông chuyển sang cá tra là sản phẩm chủ lực.
Đến nay Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, gồm 12 phân xưởng, công ty hoàn toàn chủ động nguyên liệu sản xuất, khả năng xử lý từ 1.000-1.100 tấn nguyên liệu/ngày.
Bạch Hiền (t/h)