(ĐSPL) - Theo công bố của Bộ Tài Chính, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã thực hiện kê khai, kê khai lại giá cước vận tải.
Theo tin tức trên QĐND, ngày 3/2, Bộ Tài chính đã công bố sơ bộ kết quả kiểm tra công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có nội dung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, các đơn vị trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện ba đợt giảm giá cước vận tải. Tính đến hết ngày 30/1, hầu hết các doanh nghiệp đã kê khai giảm giá, trong đó có 14/20 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước lần 3 với mức đăng ký mới giảm giá từ 2,8 đến 13,3\% (giảm từ 500 đến 2.000 đồng/km); 44/55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai lại giá cước lần 3 với mức giảm từ 3 đến 10\% cho tất cả các tuyến.
Trên địa bàn Đồng Nai, các doanh nghiệp đều đã chấp hành quy định kê khai lại mức giá cước theo hướng giảm giá từ 3 đến 20\%.
Tại tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi có tỷ lệ giảm giá cước từ 4 đến 7,7\%; doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt có tỷ lệ giảm giá cước từ 5 đến 7\%; doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định có tỷ lệ giảm giá cước từ 5 đến 11\%.
Hiện tại, có 7/18 doanh nghiệp vận tải tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá cước so với lần kê khai trước liền kề, với mức giảm từ 3,29 đến 5\% đối với doanh nghiệp vận tải bằng xe taxi; từ 5,8 đến 8,3\% đối với doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt và từ 3 đến 6,9\% đối với doanh nghiệp vận tải theo tuyến cố định.
Tại tỉnh An Giang, tính đến hết tháng 1/2015, đã có 30/39 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã thực hiện kê khai, kê khai lại giá cước. Trong đó, 26 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải từ 5 đến 14\% và 4 doanh nghiệp giữ ổn định giá đã kê khai lần trước đó do giá cước áp dụng từ năm 2012 đến nay chưa thay đổi (trước đây các đơn vị này không điều chỉnh tăng giá cước khi có phát sinh tăng phí bảo trì đường bộ hay tăng giá nhiên liệu).
Riêng ở Kiên Giang, đoàn công tác ghi nhận, 9 doanh nghiệp vận tải thuỷ bộ đã giảm cước từ 3,7-11,11\%, 5/11 doanh nghiệp vận tải đường thuỷ giảm cước từ 1,92-14,29\%. Tuy nhiên, công ty CP tàu Cao tốc Superdong Kiên Giang – đơn vị được độc quyền khai thác tuyến Rạch Giá- Phú Quốc lại có mức giảm thấp nhất từ 1,92-3,33\%. 6 doanh nghiệp tàu thuỷ còn lại không giảm cước với lý do, giá cước vẫn giữ nguyên từ năm 2012 đến nay.
Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, với các văn bản chỉ đạo quyết liệt của Liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải, cũng như của UBND các tỉnh, thành phố, công tác kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm giá nhiên liệu được tăng cường và bước đầu đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc kê khải giảm giá cước, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn chây ỳ chưa điều chỉnh giá cước phù hợp với biến động giá nhiên liệu.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp cần giảm ngay giá cước theo diễn biến giá xăng tháng 1, đặc biệt là Hà Nội và Hoà Bình.