+Aa-
    Zalo

    Nhiều doanh nghiệp dược phẩm lãi đậm trong dịch Covid-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên cạnh nhiều doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục trong quý III, các doanh nghiệp dược phẩm ghi nhận lãi tăng mạnh nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống Covid-19.

    Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, tuy nhiên, trái với bức tranh kinh doanh khá u ám, nhiều doanh nghiệp ngành dược lại lãi lớn "nhờ" dịch Covid-19.

    nhieu doanh nghiep duoc pham lai dam trong mua dich covid 19
    Nhiều doanh nghiệp ngành dược lại lãi lớn "nhờ" dịch Covid-19. (Ảnh minh họa).

    Lãi lớn "nhờ" dịch Covid-19

    Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cho biết công ty tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, với 571 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

    Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 195,9 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.

    Năm 2021, Traphaco đặt mục tiêu với doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, doanh thu công ty đã hoàn thành 75,6% kế hoạch năm và lợi nhuận đạt 81,4% kế hoạch năm 2021.

    Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện Traphaco cho biết đã áp dụng công nghệ từ trước và có kho dữ liệu lớn xây dựng gần 6 năm, có thể dự báo mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc.

    Traphaco hiện có nhiều dòng sản phẩm phòng dịch như chùm nước súc miệng sát khuẩn, ống uống tăng sức đề kháng, thuốc nhỏ mắt mũi... Nhu cầu sử dụng thuốc sát khuẩn họng vẫn cao ngay cả khi tình hình dịch đã qua đỉnh căng thẳng. Dây chuyền sản xuất T-B Fresh của Traphaco đã chạy tối đa công suất 72.000 chai/ngày, thực hiện sản xuất 3 ca/ngày từ quý II.

    Nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống dịch Covid-19, lợi nhuận Công ty Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (HOSE: DMC) cũng tăng gần một nửa.

    Trong quý III, Domesco đạt gần 388 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 39 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước.

    Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Domesco đạt hơn 1.040 tỷ đồng doanh thu và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp này hoàn thành hơn hai phần ba chỉ tiêu doanh thu nhưng vẫn chưa thực hiện được một nửa chỉ tiêu lợi nhuận. Domesco đặt mục tiêu lãi ròng năm 2021 đạt 215 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng công ty đã thực hiện 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

    Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện Domesco cho biết, kết quả trên có được là nhờ chiến lược của công ty khi đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới hỗ trợ điều trị và phòng, chống dịch Covid-19. Trên trang web, công ty giới thiệu các sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước muối sinh lý, cồn... Cuối tháng 8, doanh nghiệp dược này được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận nhập khẩu một số loại thuốc kháng sinh và một số loại thuốc sinh học bao gồm cả vắc-xin, sinh phẩm y tế...

    CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) cũng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 299 tỷ đồng, tăng 40% so với quý III/2020. Lợi nhuận công ty đạt 117 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 79 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

    Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OPC ghi nhận 774 tỷ doanh thu, tăng 15% và 89,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 77 tỷ cùng kỳ. Năm 2021, OPC đặt kế hoạch doanh thu 866 tỷ và lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng, sau 3 quý công ty đã thực hiện được 89% chỉ tiêu doanh thu và hơn 78% chỉ tiêu lợi nhuận.

    "Ông lớn" ngành dược là Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) cũng ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9,2% và 21% so với cùng kỳ năm 2020, đạt lần lượt 944 tỷ đồng và 201 tỷ đồng trong quý III.

    Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, DHG đạt hơn 3.269 tỷ doanh thu và 606 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16% và 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

    So với kế hoạch 2021, DHG thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng. Giải trình kết quả kinh doanh, Dược Hậu Giang cho biết đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực của công ty, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

    Kết quả kinh doanh phân hóa

    Bức tranh kinh doanh trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm có phần đối lập. Nơi ghi nhận lãi ròng tăng trưởng, chỗ khác lại sụt giảm cùng lý do dịch Covid-19.

    Cụ thể, CTCP Dược Hà Tây (HOSE: DHT) báo lợi nhuận đi lùi do nguyên liệu tăng giá mạnh.

    Doanh thu thuần quý III đạt 325 tỷ đồng, giảm 31,2%; lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với quý III năm ngoái.

    Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu Dược Hà Tây đạt 1.163 tỷ đồng, giảm 16,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 63,6 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ cùng ngoái.

    Trước đó, đầu tháng 10/2021 Dược Hà Tây đã họp thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 dựa vào kết quả kinh doanh thực tế 8 tháng đầu năm. Theo đó, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều điều chỉnh giảm.

    Đáng chú ý, doanh thu thuần quý III của CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, giảm tới 38,5% so với cùng kỳ. Lý giải về kết quả kinh doanh biến động trên 10%, ban lãnh đạo công ty cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường ngưng trệ khiến doanh thu giảm và các chi phí gia tăng.

    Việc giãn cách xã hội trên diện rộng khiến người dân có tâm lý ngại đến bệnh viện và các trình dược viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, phân phối hàng hóa.

    Hiện, hầu hết các doanh nghiệp dược đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ được dự báo có khả năng trải qua lần bùng phát thứ 4 trong quý III. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy nếu Ấn Độ tái áp dụng các lệnh giãn cách và giá thuốc sẽ có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng. Các doanh nghiệp dược phải đối phó với thách thức kép là vừa phải đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh trong mùa dịch, vừa phải có các chiến lược tồn kho hợp lý khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều biến động. Tính đến cuối tháng 9/2021, hàng tồn kho của Imexpharm ở mức hơn 473 tỷ đồng, trong đó hơn 322 tỷ đồng là nguyên, vật liệu.

    Thu Thảo

    Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (174)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-doanh-nghiep-duoc-pham-lai-dam-trong-dich-covid-19-a517648.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    “Chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp”

    “Chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp”

    Trong bài phỏng vấn với ĐS&PL nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã chỉ ra việc - dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.