Các cáo buộc về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng vũ khí gây cháy nổ, nhắm vào dân thường trong cuộc xâm lược miền bắc Syria là đáng tin cậy, một nhà phân tích an ninh hàng đầu chia sẻ với Arab News hôm 19/10.
Khói đen bốc lên từ mọt vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Ảnh: AP |
Trang tin Rudaw của người Kurd ngày 17/10 đưa tin, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi "đã sử đụng các vũ khí cấm có chứa phốt pho và napalm" tại thị trấn biên giới chiến lược Ras al-Ain.
Rudaw dẫn lời ông Manal Mohammed, người đứng đầu tổ chức y tế Rojava, cho hay: "Những ca chấn thương mà chúng tôi đang điều trị tại các bệnh viện là những vết thương không bình thường một chút nào… Nhóm y tế của chúng tôi đang điều tra để tìm hiểu loại vũ khí nào đã được sử dụng".
Nicholas Heras, chuyên gia phân tích về lĩnh vực an ninh tại Trung tâm An ninh Quốc gia Mỹ mới (CNAS) cũng cho biết: "Hiện tại có nhiều báo cáo đáng tin cậy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng đạn phốt pho trắng trong chiến dịch ở đông bắc Syria và đặc biệt là nhắm vào những người tại thành phố Ras Al –Ain".
Các cuộc tấn công vào Ras Al-Ain đang được điều tra bởi các thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
OPCW cho biết họ vẫn chưa xác định được độ tin cậy của những cáo buộc này và các thanh tra viên của họ đang theo dõi tình hình.
Nếu việc sử dụng vũ khí gây cháy bị cấm đã được chứng minh, đó sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ.
Rami Abdel Rahman, người đứng đầu nhóm giám sát của Đài quan sát nhân quyền Syria, cho biết các nạn nhân bị bỏng sau vụ tấn công đang được điều trị tại bệnh viện Syria-Kurdish ở Tal Tamir.
Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia vũ khí hóa học người Anh, nói với tờ báo The Times của Anh rằng các vết bỏng giống vết thương do phốt pho trắng gây ra.
Chất hóa học này thường được sử dụng để tạo màn khói, hoặc làm điểm đánh dấu chiến trường, đặc biệt là vào ban đêm, nhưng việc sử dụng làm vũ khí gây cháy nổ bị cấm theo luật quốc tế.
Từ năm 1997, Thổ Nhĩ Kỳ là một bên ký kết Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học.
Còn theo Tiến sĩ Willem Theo Oosterveld, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, cho biết việc triển khai phốt pho trắng không bị cấm theo Công ước Geneva.
Tuy nhiên, ông Oosterveld nói rằng, theo luật nhân đạo, việc sử dụng các phương tiện và phương pháp chiến tranh có bản chất để gây thương tích hoặc đau khổ không cần thiết đều bị cấm.
Mộc Miên (Theo Arab News)