Than nội địa khó cháy, hiệu suất cháy thấp nên khối lượng than nhập khẩu lên tới cả trăm triệu tấn mỗi năm.
Báo VietnamNet đưa tin, tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VI của Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam (VTA) ngày 27/5, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội cho biết: Nhu cầu than để sản xuất điện vào khoảng 130-150 triệu tấn vào năm 2030. Than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30-40 triệu tấn. Khối lượng than nhập khẩu lên tới cả trăm triệu tấn.
Theo ông Nghĩa lý giải, do than nội địa khó cháy, hiệu suất cháy thấp nên việc đốt than trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu dễ cháy cần được coi là một nhiệm vụ bắt buộc của các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Nhiệt điện cần lượng than lớn để sản xuất điện. Ảnh: báo VietnamNet |
Với than nhập khẩu, ông Nghĩa cho rằng, khối lượng nhập khẩu rất lớn nên cần có chiến lược dài hạn nhằm xác định nguồn than nhập khẩu, tổ chức vận chuyển than, xúc tiến việc đầu tư khai thác than tại các mỏ ở nước ngoài.
TTXVN dẫn lời Chủ tịch VTA cho biết, trong nhiệm kỳ tới (2017-2022), Hội sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị sản xuất, thực hiện phần 2 của nghiên cứu đốt than trộn tại tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than nội địa.
Ông Nghĩa cho hay, nghiên cứu này giúp nâng cao hiệu suất, giảm suất tiêu thụ than để sản xuất điện, bằng cách cải thiện chế độ đốt cháy than trong lò hơi, giảm lượng dầu đốt phụ trợ và đặc biệt là giảm hàm lượng cacbon chưa cháy còn trong tro, tạo điều kiện để biến toàn bộ tro xỉ từ chất thải thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
“Hiện nay, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 35 - 40 triệu tấn than nội địa, nếu giảm được 2% lượng than tiêu thụ, nghĩa là giảm được khoảng 800.000 tấn/năm, tương ứng khoảng 50 - 60 triệu USD”, ông Nghĩa cho biết thêm.
(Tổng hợp)