Mới đây, dư luận xôn xao trước bộ ảnh có tên "Những đứa trẻ mang bầu" do một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em phối hợp cùng nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu thực hiện. MC Công Tố và MC Minh Trang tham gia với vai trò giám đốc sáng tạo được chia sẻ trên mạng xã hội. Bộ ảnh đã nhận được rất rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận.
Theo đó, trong ảnh, những bé gái trong độ tuổi từ 8-12 được chọn vào vai những nạn nhân ấu dâm, tay ôm chiếc bụng bầu với khuôn mặt hoang mang, những giọt nước mắt sợ hãi…
Bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu" gây tranh cãi. |
Mặc dù, ê-kíp thực hiện đã lên tiếng, giải thích về thông điệp, ý nghĩa và cho biết cả gia đình và những mẫu nhí đồng ý tham gia dự án. Thế nhưng, một số người cho rằng họ vẫn có cảm giác bộ ảnh chưa thật sự hoàn hảo, nhất là để quá rõ hình ảnh những bé gái, thậm chí người xem còn lầm tưởng những bé gái đó chính là nạn nhân thật sự của nạn ấu dâm.
Trước bộ ảnh đang nhận được sự tranh cãi trái chiều của dư luận, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã nghe ý kiến phân tích của nhiếp ảnh gia Lê Đức (Hà Nội) – người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thực hiện những bộ ảnh nude và những bộ ảnh mang tính nghệ thuật.
Nhiếp ảnh gia Lê Đức cho rằng bộ ảnh phản cảm, tác dụng ngược. |
Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm, chú ý đến bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu”, cá nhân anh khi xem những bức ảnh trong bộ ảnh này có cảm nhận thế nào?
Khi xem bộ ảnh này tôi thấy phản cảm, nói về tính nhân văn thì bộ ảnh này có vấn đề. Bởi dùng hình ảnh trẻ em mà lại mang bầu như vậy.
Tại sao tôi lại nói hoá trang bầu là phản cảm, bởi trẻ em rất tò mò khi nhìn thấy điều gì đó khác biệt thì trẻ sẽ bắt chước, tò mò quá sớm về chuyện mang bầu sẽ không tốt.
Ê-kíp cho biết khi thực hiện bộ ảnh này, gia đình và các mẫu nhí đã đồng ý. Tuy nhiên, theo anh họ có thể kiểm soát được những hệ luỵ khi đăng tải ảnh công khai?
Tôi cho rằng, phụ huynh không lường được hệ luỵ, phụ huynh cũng chỉ nghĩ rằng đây có thể chỉ là cuộc chụp ảnh vui, mang tính chất truyền thông cho một sự kiện nào đó.
Bộ ảnh này không mang tác dụng là tác động lớn đến xã hội là bảo vệ trẻ em mà đang gây phản tác dụng một cách ghê gớm.
Những đứa trẻ cũng chưa thể hiểu được hình ảnh của mình được đăng tải sẽ gây ra những hậu quả thế nào. Phụ huynh cứ nghĩ cho con chụp ảnh để được trải nghiệm, chưa kể có khi còn được trả chút cát-xê và như vậy thì thích. Nhưng, tôi cho rằng ê-kíp sai 1 thì phụ huynh sai 10.
Nhiếp ảnh gia Lê Đức cho rằng không nên cho trẻ con giả làm bụng bầu như vậy. |
Được biết, anh có nhiều bộ ảnh nghệ thuật, ảnh mang ý tưởng táo bạo. Thế nhưng, việc đưa trẻ em ra làm nền cho nghệ thuật để thoả mãn cho một vài ý tưởng theo anh có nên? Khi một nhiếp ảnh gia quyết định bấm máy với những bộ ảnh mang tính tác động xã hội cần phải làm điều gì?
Việc đầu tiên phải hiểu, văn hoá của Việt Nam là gì? Chứ không thể so với các nước phát triển. Văn hoá vùng miền ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ở Việt Nam văn hoá khác, nên việc những người chụp ảnh, làm chiến lược truyền thông thì phải cân nhắc tính pháp lý, văn hoá trong tác phẩm đó có truyền tải đúng thông điệp hay không?
Tôi cho rằng ê-kip làm ra bộ ảnh này còn thiếu hiểu biết về mặt pháp lý, văn hoá nữa.
Vậy, theo anh bộ ảnh này có nên tiếp tục được lan truyền?
Ảnh của trẻ với thông điệp "trẻ con vẫn mãi là trẻ con", hãy để chúng sống đúng với tuổi của mình. |
Theo cá nhân tôi, bộ ảnh này cần phải loại bỏ. Cái gì liên quan đến đạo đức dù là dự án thì cũng nên cân nhắc, chụp làm minh hoạ thì nên dùng ảnh đen trắng (dạng bóng hình chứ không nên rõ mặt). Và trẻ em thì hãy để chúng trở về với hình tượng đúng trẻ con.
Xin cảm ơn anh!
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, Thạc sĩ Giáo dục Phạm Phúc Thịnh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là không đồng ý việc đưa các em vào những việc nhạy cảm như thế này. Không chỉ riêng bộ ảnh này mà còn rất nhiều việc đưa trẻ em lên làm quảng cáo, những vấn đề mang tính thương mại. Mặc dù mục đích của bộ ảnh này tốt, tuy nhiên cách làm không phù hợp với tư duy người Việt của chúng ta. Lẽ ra nên để các bé hóa trang với những khuôn mặt riêng, nó hơi mang tính dị dạng để người ta không nhận ra các bạn là ai, như vậy sẽ tốt hơn. Dưới góc độ lương tâm nghề nghiệp, tôi nghĩ nhiếp ảnh gia và những tác giả đồng hành cần có trách nhiệm trong việc xử lý những vấn đề nhạy cảm này”. Đồng quan điểm với ý kiến trên Chuyên gia Lê Qúy Đức cũng bày tỏ: “Về mặt Văn hóa thì tôi nghĩ những tác giả bộ ảnh này cần phải xem lại đưa những hình ảnh trái chiều như thế này thì đã vi phạm đến đạo đức nghề nghiệp chưa, mặc dù đã được sự đồng ý của chính những em tham gia bộ ảnh và phụ huynh của các em. Tuy nhiên bộ ảnh gây nên nhiều ý kiến trái chiều, thiếu tinh tế, gây nên cho xã hội một sự rối rắm, giao động thì không nên. Cái gì cũng nên tuân thủ theo chân, thiện, mỹ. Nếu không đáp ứng được 4 tuân thủ này thì tôi nghĩ gỡ bỏ bộ ảnh này để tránh gây ảnh hưởng đến xã hội, đến những em bé khác và phụ huynh. Cũng theo ý kiến của thầy Phạm Ngọc Trung, chuyên gia giáo dục cho biết: Thực ra bên nước ngoài người ta cũng làm rất nhiều, tuy nhiên văn hóa Việt Nam thì chưa cho phép, theo tôi cần làm mờ mặt của các em đi thì sẽ hợp lý hơn. Có lẽ tác giả muốn thể hiện người thực việc thực ý tưởng, mục đích tuy tốt nhưng đằng sau nó rất nhiều nguy cơ ẩn giấu, tác giả còn chưa lường trước được sự phản cảm của nó. Phụ huynh H.H. sau khi xem bộ ảnh này bức xúc: “Tại sao lại giấu mặt người lớn còn lộ mặt con trẻ ra, ê-kip có vẻ không quan tâm đến tính nhân văn mà chỉ muốn gây sốc để gây chú ý. Đây là nghệ thuật lửng lơ chưa tới, nên thật sự là mang lại cảm giác trần trụi đến khó chịu”. |
Theo Người Đưa Tin