Trong gần 30 năm cầm máy, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh đã giành được giải nhất ảnh báo chí (Giải báo chí Quốc gia 2005, giải nhất ảnh báo chí Châu Á năm 2006; giải Nhất, giải Nhì ảnh báo chí Đông Nam Á (2007-2008). Anh đã nhiều lần triển lãm ảnh cá nhân và nhóm tại Mỹ, Australia và Trung Quốc. Triển lãm “Hà Nội trong mắt ai” từ ngày 9/1-13/1/2020 là lần triển lãm thứ 2 của anh trong nước. 30 bức ảnh sẽ cho khán giả những cảm xúc khác nhau về một đô thị Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh. |
- Trên FB, anh đưa rất nhiều ảnh chụp khắp mọi miền đất nước, bức nào cũng nhận được hàng trăm like, lại có những lời bình khen ngợi góc nhìn cuộc sống của sống của anh nhưng tại triển lãm lần thứ 2 ở Việt Nam tại sao chỉ có ảnh về Hà Nội?
Với một nhà nhiếp ảnh, anh ta sẽ chụp bất cứ nơi anh ta đến, tôi cũng vậy nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cũng như bao nhiêu người Hà Nội khác, tôi luôn có tình cảm đặc biệt với mỗi sự đổi thay của thời gian trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây đều in đậm dấu ấn thuở ấu thơ, một thời khốn khó, một thời gian nan. Những khao khát yêu thương đó đã thôi thúc tôi tìm mọi cách lưu giữ những khoảnh khắc ấy bằng ảnh, triển lãm lần này chỉ là số ít trong kho ảnh ấy.
- Có một nhà văn Nam Bộ rất nổi tiếng nói với con trai mình: “Ba cho con 1 cuộn phim để con chụp Sài Gòn có thể không hết nhưng ba đưa cho con 10 cuộn phim con chụp ở Hà Nội sẽ có thể thiếu”, điều ấy rút ra từ những năm tháng nhà văn này sống ở Hà Nội cho thấy Hà Nội có nhiều thứ để chụp: di tích lịch sử, văn hóa, phong cảnh, làng nghề, kiến trúc... nhưng các bức ảnh trong triển lãm hầu hết là chụp sinh hoạt, đời sống của thị dân Hà Nội, anh giải thích vì sao anh theo đuổi đề tài này?
- Tôi ưu tiên nhiều cho đề tài sinh hoạt và cuộc sống của thị dân vì tôi cảm nhận được vẻ đẹp của Hà Nội và con người nơi đây trong quá trình họ sống và mưu sinh hàng ngày. Hà Nội có nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ, những cây cầu cũ kỹ, những căn gác xép ọp ẹp hay ban công rêu phong in dấu thời gian, những nét riêng ít nơi có được. Đông đúc, chật chội, thậm chí chật vật lao động kiếm miếng ăn hàng ngày nhưng họ vẫn không bỏ lỡ không gian có nắng gió để trồng hoa, nuôi chim cảnh để di dưỡng tinh thần. Với họ, việc gìn giữ các ngành nghề của cha ông hay giữ công thức các món ăn truyền thống luôn được coi trọng và truyền từ đời này qua đời khác. Vất vả quanh năm nhưng Tết là phải có hoa đào, có lì xì cho các cụ già hay trẻ em vào đầu năm mới. Dù nơi ở chật hẹp nhưng họ vẫn giữ được những nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử; nghèo nhưng quần áo vẫn chỉn chu... Cuộc sống và sinh hoạt của người dân Hà Nội hấp dẫn tôi bởi những điều giản dị như thế, nó đến với tôi tự nhiên như hơi thở chứ không thể diễn giải tại sao được.
Tác phẩm Cầu Long Biên. |
- Hơn 1 thập kỷ qua, Hà Nội thay đổi quá nhanh dẫn nhiều giá trị biến dạng hoặc mất đi, điều này có làm một người yêu Hà Nội lại là nhà nhiếp ảnh như anh trăn trở?
Bảo tồn và phát triển luôn mâu thuẫn, không riêng ở Hà Nội mà những đô thị trên thế giới tôi từng đến cũng như vậy. Trong triển lãm này có một bức ảnh tôi chụp một ngôi nhà có kiến trúc Pháp ở phố Nguyễn Trường Tộ, nhưng nay nó không còn, điều đó khiến tôi nuối tiếc nên phát triển cần phải hài hòa với bảo tồn.
- 30 bức ảnh triển lãm lần này không có bất cứ sự dàn dựng nào, hoàn toàn tự nhiên nhưng bức nào cũng chứa đựng một câu chuyện hay một thông điệp làm thế nào mà anh chụp được như vậy?
Có lẽ do xuất thân tôi là một phóng viên ảnh báo chí nên tôi luôn quan niệm là thông điệp gì thì đều phải tôn trọng sự thật. Hầu như các tác phẩm của tôi được chụp hết sức tự nhiên, nhưng qua đó, tôi luôn muốn gửi gắm một câu chuyện, một thông điệp nào đó. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng tôi cũng gặp nhiều may mắn khi các tác phẩm phần lớn đều thể hiện được ý tưởng muốn truyền tải của tôi và được nhiều người xem yêu mến, chấp nhận. Với tôi, học hỏi không ngừng và thực hành mỗi ngày đem lại cho tôi những kinh nghiệm, từ đó hình thành nên tư duy phản xạ một cách tự nhiên cho mỗi khuôn hình khi bấm máy.
- Tôi thấy anh di chuyển trong thành phố bằng ô tô, mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh dứt khoát phải bấm máy, anh làm thế nào?
Có lần đi ô tô thấy những cảnh trên phố rất đáng lưu lại nhưng bất lực vì không thể tìm được chỗ đỗ xe, tiếc hùi hụi nhưng đành chịu. Khi đi chụp ở Hà Nội tôi thường sử dụng xe máy, có khi đi bộ nên săn được nhiều hơn.
Hàng năm anh được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi ảnh, chắc chắn ảnh phải có gì thú vị, hấp dẫn nên người ta mới có nhiều cuộc thi như vậy, theo anh vì sao?
Đúng là chụp ảnh rất dễ, chỉ cần ngắm và bấm là có bức ảnh nhưng để có một bức ảnh đẹp thì không hề dễ dàng. Việc có một năm có nhiều cuộc thi ảnh vì ngoài giá trị thẩm mỹ, giá trị nội dung người ta đã phát hiện ra chụp ảnh cũng là cách di dưỡng tinh thần, đam mê ảnh sẽ tạo ra năng lượng tích cực, giúp họ sống và làm việc tích cực hơn.
Tác phẩm Trò chuyện. |
- Không chỉ làm giám khảo, anh còn tham gia giảng dạy ở khoa nhiếp ảnh trường Đại học Sân Khấu-Điện ảnh Hà Nội, các lớp nhiếp ảnh của các trường đào tạo phóng viên ảnh báo chí, anh dạy gì cho các học viên?
Đầu tiên phải là kỹ thuật nhưng quan trọng hơn là giúp họ có tư duy ảnh nghĩa là cảnh vật rất bình thường song với nhà nhiếp họ sẽ phải tìm ra cái gì không bình thường trong cái rất bình thường đó. Thứ hai nhưng quan trọng hơn thứ nhất là mỗi bức ảnh phải lay động được cảm xúc của người xem, nếu không coi như bức ảnh đó chưa đạt.
- Tôi đã xem nhiều ảnh, clip anh chơi đàn ghi ta, piano, đệm cho ca sỹ chuyên nghiệp hát rất điệu nghệ, anh đến với âm nhạc thế nào?
Tôi nói có thể mọi người không tin nhưng tôi hoàn toàn không học nhạc ở đâu, tôi nghe và xem các nghệ sĩ sau đó tự tập tôi. Về đàn ca sáo nhị tôi nghĩ là trời phú cho tôi.
Tác phẩm Đèo con. |
- Âm nhạc có giúp gì cho nhiếp ảnh?
Nó giúp tôi có tăng cảm xúc, khiến ảnh của tôi lung linh hơn.
- Nếu được chọn lại nghề anh chọn nhiếp ảnh, âm nhạc hay nghề gì khác?
Nhiếp ảnh
- Vì sao?
Nhiếp ảnh luôn gây hưng phấn cho tôi và khi cầm máy tôi như lên đồng. Nhiếp ảnh cho tôi làm được việc là mỗi sáng thức dậy ra phố tôi được bấm máy để lưu lại những khoảnh khắc về cảnh vật, con người ở những trạng thái: Hỉ, nộ, ái ố; đó chẳng phải thú sao?
Cảm ơn nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Thanh về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Ngọc Tiến
Bài đăng trên ấn phẩm Báo in Đời sống & Pháp luật số 6