(ĐSPL) – Với nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình những bức ảnh anh chụp là những khoảnh khắc đặc biệt, yêu và sống với niềm đam mê chụp ảnh là cách mà anh cảm ơn cuộc sống này.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình (James Duong) của Việt Nam là người đoạt giải cao nhất Jury Winner với phóng sự "Cắt tóc Đường phố”, đồng thời bộ ảnh phóng sự “Người phụ nữ can trường” của Dương Quốc Bình cũng đoạt giải thưởng danh dự của cuộc thi Quốc tế EyeTime 2014.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình. |
Tôi chỉ là người kể chuyện
PV: Trước hết, xin chúc mừng anh vì giải thưởng cao nhất Jury Winner và giải thưởng danh dự của EyeTime cuối năm 2014. Anh biết đến giải thưởng này như thế nào?
Tôi biết đến EyeTime từ hai năm trước qua những người bạn học cùng trường Cao học Truyền thông ở Mỹ, hiện nay những người ấy đều làm báo và truyền thông. Cuộc thi này thu hút các phóng viên và nhiếp ảnh gia trẻ trên toàn thế giới. Thành phần Ban giám khảo đến từ các nhật báo lớn như New York Times, Wall Street Journal, Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ... tạo ra sức hút cho cuộc thi.
PV: Lý do gì mà anh gửi tác phẩm của mình đi dự thi một cuộc thi Quốc tế như vậy? Có phải là sự nổi tiếng? Vì tôi thấy rằng, nhiều người đã từng làm như vậy?
Bạn bè rủ thì mình cùng đi thi, đơn giản vậy thôi. Sự nổi tiếng trong nhiếp ảnh báo chí, đặc biệt tại Việt Nam, không có ý nghĩa trong đời sống thường nhật. Tôi luôn cho rằng, nhiếp ảnh gia thì nên kiệm lời, chỉ để những bức hình lên tiếng.
PV: Anh có thể kể chi tiết hơn về những tác phẩm mình dự thi? Gồm bao nhiêu tác phẩm, và nội dung các tác phẩm ấy như thế nào?
Mỗi phóng viên gửi tối đa bốn phóng sự. Tôi gửi ba phóng sự: “Cắt tóc Đường phố”, “Người phụ nữ can trường” và “Lao động tại đất nước đang phát triển. “Cắt tóc đường phố” đoạt giải nhất là phóng sự nói về một sự việc không phổ biến trên thế giới và càng trở nên hiếm hoi hơn, chỉ còn tồn tại ở một vài quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi EyeTime 2014. |
Phóng sự “Người phụ nữ can trường” đoạt giải danh dự, kể về một người phụ nữ Campuchia bị lạc sang Việt Nam từ năm 10 tuổi do chiến tranh. Bà sống lang thang không nhà, không cửa rồi kết hôn với một ông xích lô tại Sài Gòn. Tiếp tục sống cuộc sống ngoài đường, hai ông bà sinh ra một người con trai, bị viêm màng não lúc 16 tháng tuổi. Cậu con trai trở thành người tàn phế, chồng bà mất không lâu sau đó. Hai mẹ con hiện sống tạm dưới một chân cầu thang. Người phụ nữ này đã ngoài 60 tuổi, phải chăm lo cho cậu con trai ngoài 30 tuổi, hoàn toàn mất ý thức.
Một bức ảnh trong phóng sự “Người phụ nữ can trường” |
PV: Vì sao anh lại yêu thích chụp ảnh mà không phải là những môn nghệ thuật khác?
Nhiếp ảnh là công cụ lưu giữ khoảnh khắc, ghi lại kỷ niệm để chia sẻ. Tôi không coi nhiếp ảnh báo chí là nghệ thuật vì nhiếp ảnh báo chí phải là sự thật, là cuộc sống xung quanh chúng ta. Phóng viên hay nhà báo phản ánh sự thật cuộc sống trong khi nghệ sỹ lại truyền tải những thông điệp và tư tưởng bên trong họ. Tôi yêu nhiếp ảnh và đặc biệt là nhiếp ảnh báo chí vì khi ấy, nhiếp ảnh như một công cụ để khám phá cuộc sống, như một cuốn hộ chiếu để đi vào tâm tư của nhân vật và như một phương tiện để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
PV: Được biết, anh từng học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, vì sao anh lại trở về Việt Nam, trong khi nhiều người trẻ thì “lục tục” đi nước ngoài tìm kiếm sự mới mẻ?
Tôi quan niệm, ở đâu có tình yêu thương, ở đó là ngôi nhà. Ngoài ra, cùng với Trung Đông, Châu Phi, Ấn Độ thì Việt Nam hay Đông Nam Á là một thiên đường về đề tài cho báo chí. Thậm chí, tôi thấy nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế cũng chọn Việt Nam và những khu vực đang phát triển trên thế giới làm nguyên liệu cho các bức hình.
Máy xịn chỉ chứng tỏ là người có tiền thôi...
PV: Muốn sáng tạo những bức ảnh báo chí mang hơi thở của đô thị hiện đại, hẳn rằng, Hà Nội là một nơi có đủ “chất liệu” để anh sáng tạo?
Một đô thị với 7 triệu dân đồng nghĩa với 7 triệu đề tài có thể khai thác. Một đất nước đang phát triển luôn đi kèm với vô vàn vấn đề ngổn ngang như đời sống thường nhật, môi trường, sức khoẻ cùng những sự thay đổi nhanh chóng. Vì thế Hà Nội cũng là thiên đường cho các tay máy chuyên nghiệp.
PV: Đã từng ở nước ngoài một thời gian dài, theo anh, nền nhiếp ảnh Việt Nam đứng ở vị trí nào trên thế giới?
Nói chung về nhiếp ảnh, chúng ta đang phát triển mạnh về số lượng nhưng vô cùng hạn hẹp về sự đa dạng. Người chơi ảnh thường chơi theo số đông, không có cái tôi của mỗi người. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, hầu như không tồn tại các CLB hay Hội Nhóm Nhiếp ảnh vì mỗi người có cái tôi riêng, tự họ chơi hoặc làm theo cái tôi của họ. Nói về Nhiếp ảnh Báo chí, mật độ sử dụng ảnh của các toà soạn không hề nhỏ nhưng chất lượng rất thấp so với thế giới. Phần lớn các ảnh bị thiếu giá trị thông tin báo chí cũng như đơn sơ về hình thức biểu cảm.
Nguyên nhân nằm ở các ba đối tượng: Toà soạn, phóng viên và độc giả. Các toà soạn chưa coi trọng ảnh báo chí, dù nó đã là xu hướng của báo chí thế giới. Phóng viên không được đào tạo chuẩn mực về nhiếp ảnh báo chí, nó không chỉ nằm ở kỹ thuật sử dụng máy ảnh mà nằm ở tư duy làm báo, quy trình tác nghiệp, kỹ năng tiếp cận nhân vật, phương pháp biên tập và cả đạo đức nghề nghiệp. Còn độc giả cũng chưa quan tâm và khắt khe với những bức ảnh đăng báo.
PV: Tôi thấy anh là người rất chịu khó đi và tìm tòi, có những câu chuyện nào làm anh nhớ mãi trên những cung đường tác nghiệp ấy?
Mỗi câu chuyện là một sự trải nghiệm và đi vào ký ức. Tựu chung lại, cuộc sống đa dạng, muôn màu muôn vẻ nhưng vô cùng ngắn ngủi. Mỗi ngày qua đi là một món quà, phải tận hưởng nó bằng sức lao động và niềm đam mê nghề nghiệp bất tận. Mỗi nơi tôi đi, mỗi người tôi gặp là cái “duyên” của tôi. Nhiều lúc tôi thầm cảm ơn nghề nghiệp đã cho tôi những kỷ niệm sống động về cuộc sống mà những người ngồi văn phòng khó có được.
PV: Là một nhiếp ảnh gia trẻ, nhưng tôi thấy anh định hướng phong cách cho mình khá già dặn: Muốn những bức ảnh ấy nhiều người biết đến, phục vụ lợi ích cho đám đông chứ không tìm đến sự nổi tiếng “ảo”, anh không sợ “một tôi khác” ấy bị ném đá là chảnh à?
Tôi nghĩ chỉ có người dở hơi mới ném đá tôi vì khác quan điểm. Quan trọng hơn cả, công việc và gia đình chiếm hết thời gian của tôi. Tôi không còn thời gian và sức lực để quan tâm đến những người không liên quan gì đến cuộc sống của mình.
PV: Tôi thấy nhiều nhiếp ảnh gia đầu tư cho mình những chiếc máy ảnh khá xịn, sành điệu, “máy xịn thì làm nên những bức ảnh đẹp” chứ anh?
Máy xịn chỉ chứng tỏ bạn có nhiều tiền hơn một số người thôi, chứ nó không phải là chiếc “chìa khoá thần” để tạo ra những bức ảnh đẹp. Nếu không có đam mê, kiên trì, không “chộp” được những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống, thì có máy ảnh xịn cũng không tạo ra được những bức ảnh có giá trị.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Không bị áp lực gì khi chụp ảnh PV: Những bức ảnh của anh có sức ám ảnh rất lớn, để tạo ra những bức ảnh ấy, anh có phải “gồng mình” lên không? “Gồng mình” lên thì hỏng hết, phải thả lỏng hoàn toàn chứ bạn. Tôi không bị áp lực gì khi đi chụp ảnh, chỉ khi nào nhìn thấy hình ảnh đẹp thì đưa ống kinh lên một cách tự nhiên. Nhiều người nghĩ, khi đi tác nghiệp, tôi sẽ lỉnh kỉnh máy ảnh nọ, ống kính kia, nhưng không phải vậy, đồ nghề của tôi chỉ đơn giản là một chiếc máy ảnh nho nhỏ. Nhưng tôi thấy hài lòng cho sự sáng tạo của mình. |