Viện Nghiên cứu khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) thông tin nhật thực lai là hiện tượng cực hiếm, chỉ xảy ra khoảng 4,8% tổng số lần nhật thực.
Trong thế kỷ 21, nhật thực lai chỉ xảy ra với tỉ lệ 3,1% số lần nhật thực diễn ra.
Lần này, hiện tượng sẽ diễn ra vào ngày 20/4, bắt đầu ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, rồi qua Úc, Đông Nam Á và kết thúc trên Thái Bình Dương.
Nơi đầu tiên trên thế giới có thể nhìn thấy pha một phần của nhật thực lần này là vào khoảng 8h34 ngày 20/4 (giờ Việt Nam).
Nơi đầu tiên trên thế giới chứng kiến được pha toàn phần của nhật thực lai vào khoảng 9h37 (giờ Việt Nam).
Pha cực đại của nhật thực diễn ra vào 11h6 (giờ Việt Nam). Vùng trung tâm của nhật thực lần này có thể chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình trong hơn 3 tiếng.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát được pha một phần.
Khu vực các tỉnh miền Bắc và miền Trung của nước ta sẽ không nằm trong vùng xem được hiện tượng này. Người dân các tỉnh phía Nam, từ Quảng Trị trở vào Nam có thể quan sát. Thuận lợi nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta quan sát từ các khu vực tỉnh thành này thì độ che khuất cũng chỉ là 8% (tức Mặt Trời chỉ bị che mất 8%), con số này ở TP.HCM là 5%.
Việt Hương (T/h)