+Aa-
    Zalo

    Nhật ký chinh phục hang Sơn Đoòng của siêu mẫu Lê Trung Cương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Siêu mẫu Lê Trung Cương là nghệ sĩ Việt đầu tiên khám phá thành công Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới.

    (ĐSPL) – Siêu mẫu Lê Trung Cương là nghệ sĩ Việt đầu tiên khám phá thành công Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Sau chuyến đi, anh đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong chuyến hành trình tuyệt vời.

    Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 2: Cơn ác mộng bắt đầu

    Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 3: Trượt chân là thấy quan tài

    Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 4: Ngày tuyệt vời nhất

    Nhật ký Sơn Đoòng ngày 5, 6: Phần tra tấn thể lực ghê gớm cuối cùng

    Siêu mẫu Lê Trung Cương sinh năm 1982, cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, từng đoạt giải 3 tại cuộc thi Manhunt.

    Ngày 20/5, siêu mẫu Lê Trung Cương là nghệ sĩ Việt đầu tiên lên đường khám phá Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới mà loài người đã khám phá được tính đến nay. Anh chia sẻ trước khi bắt đầu chuyến đi, thậm chí anh đã viết cả di chúc… để phòng những điều xấu nhất có thể xảy ra.

    [mecloud]ZbajVOVmoh[/mecloud]

    Trong clip, Lê Trung Cương đang đu dây và bám theo vách các khối thạch nhũ trơn ướt để leo từ đáy hang lên đến cao độ 40m giữa lưng chừng vách hang.

    Trên Facebook cá nhân của mình, Lê Trung Cương đã có những bài viết dài chia sẻ về hành trình của mình. Báo ĐSPL xin đăng tải lại Nhật ký chinh phục hang Sơn Đoòng của siêu mẫu Lê Trung Cương.

    “Hành trình khám phá Sơn Đoòng của mình là một trải nghiệm rất đẹp, độc đáo và khó quên trong đời. Nhưng chắc chắn nó chưa phải là điểm kết thúc của mình và Sơn Đoòng. Từ những trang nhật ký này, ước mơ và khao khát chinh phục Sơn Đoòng của nhìều bạn trẻ sẽ bắt đầu nhen nhóm và thành hình.

    Mình đã may mắn có cơ hội tiến vào hang trước nhiều bạn trẻ Việt Nam khác, nên mình muốn chia sẻ nhật ký này tới tất cả các bạn trẻ, trong đó có rất nhiều bạn sinh viên chưa có cơ hội vào hang, hay chưa đủ tài chính chi trả cho chi phí tham gia hành trình.

    Trung Cương đứng trên lối vào của hang Én.

    Thông qua nhật ký và hình ảnh, thay vì cố bắt lại những cảnh đẹp và dữ liệu chính xác của hang (điều mà mình chắc chắn những tay máy chuyên nghiệp và Google sẽ cung cấp hiệu quả hơn mình) mình nghiêng về việc diễn tả niềm vui và cảm xúc của một anh chàng thành thị lần đầu đuợc tham gia trekking, chia sẻ những thứ mình lần đầu mình bắt gặp trong đời, những trải nghiệm và kinh nghiệm, những nguời bạn mình có đuợc từ chuyến đi, và qua đó các bạn trẻ cũng có thể tưởng tượng ra cảm xúc của chính họ qua từng bước đi của mình.

    Mình hy vọng những điều này sẽ phần nào giải tỏa cơn khát tìm hiều về Sơn Đoòng của các bạn sẽ không định vào hang, hay sẽ có ích cho các bạn sắp đuợc vào hang, để các bạn có sự chuẩn bị chu đáo và cẩn thận hơn cho hành trình độc nhất này.

    Trước khi bắt đầu nhật ký của ngày đầu tiên, mình xin nói đôi chút về việc may mắn giành được một chỗ đi Sơn Đoòng từ công ty tổ chức Oxalis: Có rất nhiều luồng thông tin khác nhau về việc đã kín chỗ cho đến hết năm 2017, thậm chí là 2018, 2019... điều này mình chưa kiểm chứng nổi. Cá nhân mình cũng check liên tục site của Oxalis và nhận thấy tour đã kín chỗ đến 2018, thời điểm mình check là 14/5. Có một khách huỷ vé vào giờ chót, và mình ngay lập tức đăng ký vào chỗ trống ấy (điều này rất hay xảy ra).

    Sau 2 ngày gửi các thông tin về sức khoẻ, cũng như email chứng minh mình đủ sức khoẻ và hiểu rõ về các điều kiện tour, mình được Deb Limbert - chuyên gia kỹ thuật (vợ của Howard Limber, người đồng khám phá hang Sơn Đoòng cùng với Hồ Khanh) chấp nhận cho mình tham gia tour. Vì vậy, với các bạn muốn đặt chân vào Sơn Đoòng, cơ hội không phải là không có.

    Với con số chưa tới 700 người vào hang cho tới thời điểm này (trong đó có 72 người Việt), thì việc chờ vài năm để vào hang - một khám phá mà theo 12 khách vào hang đã từng chinh phục Everest thì còn có phần "đã" hơn Everest - theo đúng thứ tự, hãy canh chừng site Oxalis để tìm một chỗ thay thế tức thì như mình, là hoàn toàn xứng đáng.

    Và ngay sau chương trình G'Morning America, thì Sơn Đoòng đã trở thành điểm phải đến của rất nhiều người Mỹ. Nên nếu bạn nào có ý định đăng ký, thì hãy làm ngay. Cứ thử hy vọng thôi.

    Nhật ký ngày thứ nhất

    Quảng Bình sau 12 năm gặp lại

    Đón mình tại sân bay là Bamboo, một anh chàng Quảng Bình 28 tuổi, xù xì, gai góc (nhìn anh chàng hơi đứng tuổi, dù thua mình những 5 tuổi), nhân viên của Oxalis, một anh chàng phượt đúng nghĩa theo lời anh ấy, mê xe đạp, môtô và leo núi.

    Ngồi trên xe về lại Phong Nha một mình cùng anh tài xế, ngoài trời là cái nóng hầm hập 37 độ C, mình mới biết là trong 10 người vào hang lần này còn có thêm một chú người Việt, từ Hà Nội, 72 tuổi. Thế là không phải chỉ có mình mình đơn độc tiếng Việt trong chuyến này.

    Đoạn đường từ sân bay Đồng Hới về Phong Nha mất khoảng 40 phút. Đây là lần thứ hai mình trở lại Quảng Bình, và mình thì không tài nào nhận ra Quảng Bình nữa, thay đổi nhiều quá, nhà cửa dọc đường mọc lên nhiều

    Mình nhận phòng tại khách sạn Sài Gòn - Phong Nha, khách sạn lớn nhất khu vực. Phòng thênh thang, trang bị trung bình, nhưng được cái nằm ngay cạnh sông Son - nơi thuyền chở khách vào Phong Nha qua lại mỗi ngày, và cách văn phòng Oxalis khoảng 2 km.

    Mình ăn trưa ngay tại khách sạn, no nê. Sau đó ngủ đến 17h rồi đi dạo dọc sông Son, 17h30 Oxalis sẽ họp đoàn để phổ biến tour cũng như hướng dẫn các quy tắc an toàn trong hành trình

    Sông Son buổi chiều đẹp mê mẩn. Phải cố gắng lắm để không trễ giờ hẹn với Oxalis thì mình mới không tuột áo nhảy ùm xuống mà thả trôi theo dòng sông. Lòng sông đầy cát và tảo, mềm mịn như chăn bông ở nhà. Lúc còn học phổ thông, ngày nào mình cũng trốn mẹ ra bơi ngang bờ Sông Tiền, qua tận cù lao bên kia bờ.

    Oxalis

    Xe Oxalis có mặt lúc 17h45, trễ một chút so với lịch, có lẽ sau 4 năm gắn bó với Việt Nam thì người Anh cũng nhiễm một ít tính trễ giờ của người Việt.

    Đón đoàn vẫn là Bamboo.

    Mỗi thành viên được phát cho túi nilon để tự đóng gói hành lý chuyển vào hang, hành lý này sẽ được các khuân vác địa phương cõng vào hang, và đưa lại cho khách vào mỗi tối.

    Mình mất những 20 phút để đóng gói, vì chẳng biết thứ gì nên mang vào và bỏ lại, nhiều quá thì vất vả cho khuân vác, ít quá thì hành lý mình phải tự mang trên lưng (cho suốt cả hành trình leo núi và lội suối dài 60 km thì 5 kg trên lưng sẽ nặng như 50 kg).

    Và cuối cùng khi mang gói hành lý xuống tập trung, gói của mình lại là gói nhỏ và gọn nhẹ nhất.

    Đến lúc này 10 thành viên mới gặp nhau, có ba cô gái trẻ đến từ Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất) không mang mạng che mặt, một cô gái khác đến từ Australia trạc tuổi mình, ba người đàn ông trung niên đến từ Mexico, mình và chú Thuỷ. (Các bạn gái Việt Nam mạnh dạn lên nhé, Sơn Đoòng không phải chỉ dành riêng cho đàn ông).

    Văn phòng Oxalis cũng nằm dọc sông Son, và ở ngay đoạn đẹp nhất. Bên kia bờ sông là một thung lũng nhỏ, có một nhà thờ màu vàng nhạt nằm dưới chân núi, xen giữa nhiều mái nhà ngói đỏ.

    Mình gặp Howard Limbert (người đồng khám phá ra Sơn Đoòng cùng với Hồ Khanh) tại đây, Deb Limbert (vợ Howard - người đã trực tiếp trả lời email và chấp nhận cho mình tham gia).

    Bamboo cho biết, đoạn sông son này nằm gần bến phà Xuân Sơn, là nơi rất nhiều người đã mất trong trận Mậu Thân 68. Ngày trước, bộ đội làm cầu phao qua sông vào buổi tối, ban ngày thì giấu cầu phao vào hang Phong Nha. Địch rải bom, người chết chất đầy xe tải, và đoạn sông này trở nên rất linh thiêng. Nghe tới đây mình chợt nhớ về Côn Đảo, hơi rợn rợn người.

    Mình khá bất ngờ khi biết chú Thuỷ cũng là bộ đội cắm tại Xuân Sơn trước đây, và chú vừa mới chinh phục đỉnh Fanxipan vài tháng trước, ngả mũ thán phục tuổi 72 của chú.

    Howard và niềm tự hào Sơn Đoòng

    18h15: Howard Limbert bắt đầu thao thao bất tuyệt về Sơn Đoòng và các quy tắc an toàn (Howard nói tiếng Anh rất khó nghe, dù mình có bạn rải khắp nước Anh và nghe thông thạo tiếng Scotland, tiếng xứ Wales, nhưng phải mất một lúc lâu mới quen được với tiếng nói của Howard).

    Mình tóm tắt những điều đáng quan tâm cho du khách Việt từ bài nói của Howard nhé:

    - Đoạn đường đi tổng cộng cho cả chuyến đi là khoảng 60 km, trong đó hơn 10 km là trong hang. Đường đi không hề bằng phẳng, mà có khi lên núi, lúc lại chui xuống lỗ sâu, lên và xuống, lên và xuống ...

    - Đoàn gồm 2 chuyên gia hang động Anh, 1 hướng dẫn Việt, 2 nhân viên hỗ trợ Việt, 2 đầu bếp, 2 nhân viên kiểm lâm, 20 nhân viên khuân vác (porter) và 10 du khách.

    Đây có lẽ là lý do giá tour ngang bằng với một chuyến du lịch châu Âu, khi mà 10 khách cần phải có đến gần 30 nhân viên hỗ trợ.

    - Đến thời điểm hiện tại, có chưa đến 700 người vào được hang (hang được tìm ra năm 2010), trong đó có 70 người Việt (mình là người thứ 72), và không ít người đã phải bỏ cuộc giữa đường vì quá vất vả.

    - Do độ khó đòi hỏi sức khoẻ lẫn kinh nghiệm leo núi, trekking, nên tour được xếp vào loại thám hiểm (expedition) thay vì tour khám phá.

    - Hành trình vào hang được tính toán sao cho bảo tồn được tối đa nguyên trạng của Sơn Đoòng, hạn chế thấp nhất mọi thay đổi đến môi trường sinh thái trong hang.

    - Vệ sinh cá nhân trong hang khá hạn chế vì nhiều lý do, bạn nên chuẩn bị cho việc dùng khăn ướt để lau người thay cho việc tắm.

    - Đi vệ sinh trong hang sẽ theo quy trình sau: sẽ có các xô lớn nằm trong lều được che kín, bạn đi vệ sinh vào xô, sau đó ngay lập tức phải dùng cát pha gốc rạ (được cung cấp bên cạnh) phủ lên chất thải để ngăn mùi hôi. Các xô này sau đó sẽ được porter vận chuyển ra khỏi hang

    - Hệ sinh thái trong hang là "độc nhất". Có rất nhiều chủng loại động vật và thực vật mới được khám phá lần đầu trên cả thế giới. Có hai khu rừng thu nhỏ trong hang, ở đó có khỉ, cáo bay, chim (chim gì thì mình không nghe rõ) sải cánh lên tới 1,2 m.

    - Điều rợn người nữa khi Howard cho biết trong rừng, trên đường vào hang có cọp (tiger) và vài con gấu, chỉ cách nơi cắm trại đêm đầu vài km.

    - Howard và cộng sự đang có kế hoạch để Sơn Đoòng được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên thế giới (world wonder). Mình thì hoàn toàn ủng hộ điều này!

    Howard ngừng bài nói lúc 19h15, mà có vẻ như ông vẫn còn muốn nói, Sơn Đoòng xem ra đã thành niềm tự hào cá nhân của ông rồi.

    Chả trách được khi mà vợ chồng Howard là đồng khám phá ra hang Sơn Đoòng, và công ty Oxalis được điều hành bởi hai vợ chồng là công ty duy nhất được cấp phép khai thác 12 trên hơn 20 hang động tại vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng theo cách rất chuyên nghiệp

    Oxalis chuẩn bị cơm tối cho 10 khách, cơm khá ngon. Một ổ bánh kem bất ngờ được đem ra, thì ra đem nay là sinh nhật của Dora, cô gái trẻ nhất đến từ Abu Dhabi.

    Mọi người dùng cơm, thử boot, thử nón bảo hộ leo núi, và về lại khách sạn lúc 20h00.

    Ngày 1 kết thúc. 8h sáng mai sẽ ăn sáng và khởi hành đoạn đường 20 km (đầy nắng trên đầu và nước ngập ngụa dưới rốn) tiến vào Hang Én - cửa dẫn vào Sơn Đoòng

    Mình thì đang âm mưu đi bơi sớm ở sông Son vào sáng mai, trước khi các con thuyền chở khách du lịch vào động Phong Nha chiếm trọn con sông”.

    (Còn tiếp)

    Ảnh, video: FBNV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ky-chinh-phuc-hang-son-doong-cua-sieu-mau-le-trung-cuong-a98445.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.