Theo thông báo từ Tổng thống Donald Trump, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia đồng minh của Mỹ sở hữu nhiều chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 nhất.
Máy bay chiến đấu F-35A kích hoạt chế độ "quái thú". Ảnh: Không quân Mỹ |
“Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản nhằm cải thiện năng lực quốc phòng và trong những tháng gần đây, chúng tôi đã chuyển cho Nhật Bản số lượng lớn thiết bị quân sự”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong buổi họp báo với nội dung Tokyo có ý định mua 105 tiêm kích tàng hình F-35.
Trước đó, tháng 12/2011, chính phủ Nhật Bản đã đặt mua lô F-35A đầu tiên với số lượng 42 chiếc. Cho tới cuối tháng 12/2018, những chiếc F-35A chưa được Mỹ bàn giao cho Nhật Bản đã được nâng cấp thêm.
Còn hiện tại, Nhật Bản sẽ đặt mua thêm 63 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B bên cạnh 42 chiếc F-35A đã ký hợp đồng từ trước với Mỹ.
F-35 được coi là tương lai của hàng không quân sự. Chiến đấu cơ này có khả năng gây sát thương cao, đa năng, kết hợp khả năng tàng hình, tốc độ siêu âm, cực kỳ linh hoạt, trang bị công nghệ nhiệt hạch cảm ứng hiện đại nhất - theo nhà sản xuất Lockheed Martin.
Các kỹ sư của Lockheed Martin đã tập trung những công nghệ hiện đại nhất cho kỹ thuật không chiến tầm xa. Vũ khí chủ lực của siêu tiêm kích này là các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa 180 km. Trong khi đó, Lầu Năm Góc liên tục thuyết trình rằng, họ sẽ áp dụng những phương thức tác chiến mới nhất để đối phương không có cơ hội tiếp cận F-35 ở cự ly gần.
Nếu không thể kết liễu đối phương từ xa, F-35 (phía sau) từ thợ săn sẽ biến thành con mồi nếu rơi vào tình huống không chiến quần vòng. Ảnh: Fightersweep |
Bên cạnh việc trang bị cho F-35 vũ khí và cảm biến hiện đại, Lầu Năm Góc còn áp dụng hệ thống dẫn đường và cảnh báo tầm xa cho siêu tiêm kích trong các hoạt động chiến đấu. Nếu nhìn vào những công nghệ mà tiêm kích này sở hữu, đối phương có rất ít cơ hội để tiếp cận siêu chiến đấu cơ này.
Trong tương lai, vũ khí năng lượng định hướng có thể gắn được trên phiên bản F-35A, cùng một số vũ khí mới, bao gồm vũ khí laser bán dẫn và vũ khí chùm sóng ngắn năng lượng cao. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 cũng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho các lực lượng phòng thủ tên lửa - tham gia đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, tiêm kích tàng hình F-35 là dự án tốn kém nhất trong lịch sử và gây nhiều tai tiếng nhất của Lầu Năm Góc, từng bị chậm tiến độ 7 năm với hàng loạt lỗi kỹ thuật và đội giá đầu tư. Tổng số tiền chính phủ Mỹ đổ vào dự án này là 1.500 tỷ USD, trong đó gần 400 tỷ USD được dành cho việc mua máy bay.
Ban đầu, chi phí cho một chiếc F-35 ước tính chỉ khoảng 38 triệu USD, song hiện tại nó đã bị đội giá lên gần 160 triệu USD. Năm 2014, chi phí vận hành mỗi chiếc F-35 tốn đến 67.548 USD mỗi giờ bay (cao hơn cả F-22).
Mộc Miên(Theo Strait Times)