Tối 16/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo chính phủ đã thông qua 3 tài liệu an ninh bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia (NSS), Chiến lược phòng thủ quốc gia và Kế hoạch phát triển lực lượng quốc phòng. Động thái này nhằm củng cố năng lực phòng thủ của Nhật Bản trong môi trường an ninh bất ổn hiện nay.
Theo ông Kishida, các tài liệu này cho phép Nhật Bản sở hữu "khả năng phản công", khả năng tấn công trực tiếp vào lãnh thổ một quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong những trường hợp cụ thể.
CNN nhận định, với các sáng kiến quốc phòng mới, Nhật Bản đang "bẻ cong" cách giải thích hiến pháp thời hậu Thế chiến thứ II, hiến pháp này đặt ra những hạn chế đối với Lực lượng Phòng vệ của họ. Trong đó, Nhật Bản chỉ có thể sử dụng lực lượng này theo đúng tên gọi với mục đích phòng vệ, bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Tokyo đang đối mặt với môi trường an ninh bất ổn nhất trong nhiều thâp kỷ.
Theo đài truyền hình NHK, với chiến lược quốc phòng mới, Nhật Bản coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu.
Trong khi đó, về phía Tây, Tokyo đang theo sát hoạt động xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Chỉ riêng trong năm 2022, Bình Nhưỡng đã tiến hành 34 vụ phóng thử tên lửa. Vào tháng 10, lần đầu tiên trong 5 năm, một quả tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Thủ tướng Kishida đã ngay lập tức có phản ứng, gọi vụ thử nghiệm này là hành động "thái quá" đến từ Triều Tiên.
Ở phía Bắc, Nhật Bản cũng đang cảm thấy lo ngại về các động thái từ phía Nga.
Dù Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu quân đội hiện đại và hùng mạnh nhất thế giới nhưng đến nay, vũ khí của họ chỉ được thiết kế để tấn công trong phạm vi gần các hòn đảo của mình. Theo NHK, với chiến lược quốc phòng mới, Nhật Bản có thể sở hữu các loại vũ khí như tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất với tầm bắn xa hơn.
Theo các quan chức của Lực lượng Phòng vệ, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật Bản chỉ có thể tấn công một mục tiêu đang bay tới trong phạm vi khoảng 50 km. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Trung Quốc có tên lửa phóng được từ nhiều loại máy bay chiến đấu ở khoảng cách xa tới 300 km.
Tuy nhiên, Tokyo nhấn mạnh họ sẽ không mua các loại vụ khí với mục đích "tấn công trước", mà chỉ sử dụng nếu Nhật Bản bị tấn công.
Sự ủng hộ của Mỹ
Chiến lược quốc phòng mới Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ từ đồng minh hàng đầu của họ là Mỹ. Mỹ đã tham gia một hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và cam kết bảo vệ Nhật Bản khỏi nguy cơ bị tấn công. Mỹ cũng đang vận hành một vài cơ sở quân sự lớn tại Nhật Bản, bao gồm Căn cứ Hải quân Yokosuka, nơi Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ đóng quân.
Lên tiếng về công bố của Thủ tướng Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chia sẻ: "Chúng tôi hoan nghênh Nhật Bản công cố bản cập nhật của các tài liệu chiến lược. Điều này thể hiện cam kết vững chắc của Nhật Bản trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dường tự do và rộng mở".
Ông Austrin nói thêm: "Chúng tôi ủng hộ quyết định của Nhật Bản trong việc tìm kiếm thêm các nguồn lực mới nhằm tăng cường khả năng răn đe trong khu vực, bao gồm cả khả năng phản công".
Các chuyên gia nhận định lực lượng quốc phòng của Nhật Bản đóng một vài trò vô cùng quan trọng với Mỹ.
Ankit Panda, thành viên cấp cao của Stanton trong chương trình chính sách hạt nhân tại Đại học Stanford, nhận định: "Quân đội Nhật Bản có năng lực đáng kinh ngạc. Trong thời điểm xảy ra xung đột quy mô lớn ở Đông Á, Nhật Bản sẽ đóng một vai trò rất lớn. Nhật Bản là một đối tác an ninh quan trọng, đặc biệt với Mỹ, nếu xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực".
"Thổi phồng" căng thẳng
Tuy nhiên, ông Panda những người khác cảnh báo việc này cũng có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang khó kiểm soát ở châu Á, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh khu vực.
Ông Panda giải thích: "Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục làm gia tăng nhận thức về mối đe dọa ở cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những động thái này gia tăng ở Đông Á. Nơi chúng ta không có biện pháp kiềm chế. Chúng ta không có quyền kiểm soát vũ khí".
Khi các báo cáo về việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản xuất hiện trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã cảnh báo Tokyo về những hậu quả có thể xảy ra nếu gia tăng sức mạnh quân sự.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản "thổi phồng căng thẳng trong khu vực để tìm kiếm những bước đột phá quân sự". Đông thời, Bắc Kinh nói rằng Nhật Bản cần "nghiêm túc nhìn lại lịch sử của mình, tôn trọng những lo ngại về an ninh của các nước láng giềng châu Á, hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự và làm nhiều việc hơn nữa để đem lại lợi ích cho hòa bình và ổn định khu vực".
Một bài xã luận trên tờ Global Times trong tuần qua đã chỉ trích chính sách an ninh mới của Nhật Bản ngay cả trước khi nó được công bố. Tờ báo viết: "Tín hiệu của chính sách này chắc chắn sẽ gây nguy hiểm. Sử dụng điều này để định hướng chiến lược an ninh quốc gia chắc chắn sẽ kéo Nhật Bản vào một cuộc chạy đua nguy hiểm và kết cục là một vòng xoáy đen tối khổng lồ. Chúng tôi khuyên Nhật Bản nên kiềm chế".
Minh Hạnh(Theo CNN)