+Aa-
    Zalo

    Nhật Bản giành thắng lợi quan trọng tại châu Phi trước Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù tham gia vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi khá muộn, nhưng Nhật Bản đang cố gắng tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với Trung Quốc.

    Mặc dù tham gia vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi khá muộn, nhưng Nhật Bản đang cố gắng tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với Trung Quốc thông qua "chất lượng" các khoản đầu tư và đã giành được thắng lợi quan trọng ban đầu.

    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và các nhà lãnh đạo châu Phi tại lễ bế mạc Hội nghị TICAD-6 ở Nairobi. Ảnh: AFP/TTXVN

    Theo tạp chí "The Diplomat", kể từ khi được thành lập cách đây hơn 20 năm (dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản), Diễn đàn hợp tác phát triển Nhật Bản-châu Phi (TICAD) luôn được tổ chức tại Tokyo. Tuy nhiên, TICAD 2016 (lần thứ sáu) - nơi Nhật Bản thể hiện vai trò lãnh đạo đối với các nước của Lục địa Đen, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc - đã được tổ chức tại Nairobi (Kenya) vào ngày 28/7 vừa qua.

    Tại TICAD 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố cam kết sẽ hỗ trợ 30 tỷ USD từ nguồn vốn chính phủ và tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Đây là kinh phí bổ sung ngoài kinh phí 32 tỷ USD được Nhật Bản cam kết dành cho châu Phi tại TICAD lần thứ năm (năm 2013).

    Ông Abe và lãnh đạo châu Phi cũng đã thảo luận về các giải pháp đa dạng hóa nền kinh tế của Lục địa Đen, hướng tới công nghiệp hóa, tạo việc làm cho thanh niên, phụ nữ, cải thiện y tế và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù, chuyến công du châu Phi lần này của ông Abe tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế, song chính tầm quan trọng của châu lục này đã nâng cao vị thế của Nhật Bản trong nền chính trị khu vực và thế giới.

    Các quốc gia châu Phi đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, bởi việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không thể thiếu sự ủng hộ của các nước châu Phi, góp phần hoàn thành giấc mơ dài mà Nhật Bản đang ấp ủ - trở thành ủy viên thường trực. Để hướng tới mục tiêu này, Nhật Bản đã cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Phi. Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa đưa ra kế hoạch cử phái đoàn ngoại giao tại Liên minh châu Phi (AU) và bổ nhiệm một đại sứ tại đây. AU với 50 thành viên là một trong những khối bỏ phiếu quan trọng tại ĐHĐ LHQ.

    Báo "Asahi" của Nhật Bản đã chỉ ra sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong chính sách đầu tư tại châu Phi. Theo đó, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản vào châu Phi năm 2014 là 1,5 tỷ USD và năm 2015 là 1,24 tỷ USD nhưng riêng đầu tư của Trung Quốc vào Guinea trong tháng 4/2016 cũng đã lên tới 2 tỷ USD. Mặc dù tham gia vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi khá muộn, nhưng Nhật Bản đang cố gắng tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với Trung Quốc thông qua "chất lượng" các khoản đầu tư. Ngoài ra, việc nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc có thể cũng là lý do khiến Nhật Bản mở rộng đầu tư để bắt kịp và vượt nước này tại châu Phi. Theo báo "Nikkei" của Nhật Bản, Nam Phi là đối tác có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính mối quan hệ này cũng đã khiến cho nền kinh tế Nam Phi bị ảnh hưởng nặng nề khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

    Ông Abe đã làm sâu sắc thêm "sự tương phản" giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở châu Phi bằng lời phát biểu rằng: "Nhật Bản có tránh nhiệm thúc đẩy giá trị của tự do, giá trị của pháp luật và kinh tế thị trường; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; nỗ lực làm cho xã hội thịnh vượng hơn". Ngoài ra, các quốc gia châu Phi vốn không có truyền thống đưa ra tiếng nói mạnh mẽ đối với các vấn đề liên quan tới việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế.

    Tuy nhiên, ông Abe đã thay đổi được điều đó. Đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của Nhật Bản là các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Tuyên bố Nairobi có đoạn: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các nỗ lực của khu vực và quốc tế đối với vấn đề an ninh hàng hải, bao gồm vi phạm chủ quyền, đánh bắt cá bất hợp pháp và các tội phạm trên biển khác; duy trì các quy tắc cơ bản dựa trên pháp luật quốc tế trong hoạt động hàng hải". Đây là những từ ngữ ngầm ám chỉ hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào châu Phi.

    Bên lề TICAD 2016, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Djibouti Guelleh, khẳng định tầm quan trọng của vấn đề "tự do hàng hải". Nếu xét theo vị trí của Djibouti thì "tự do hàng hải" có thể hiểu là vấn đề cướp biển nhưng nếu tham chiếu rộng hơn thì lại là ngầm ám chỉ Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, Djibouti là một quốc gia quan trọng trong chính sách đối ngoại bởi đây là nơi có căn cứ quân sự hoàn thiện đầu tiên của Nhật Bản ở nước ngoài. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang xây dựng một cơ sở quân sự tại nước ngoài đầu tiên ở Djibouti.

    Nguồn TTXVN

    [mecloud]xdZ6qdZ9In[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ban-gianh-thang-loi-quan-trong-tai-chau-phi-truoc-trung-quoc-a146612.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan