(ĐSPL) - Theo đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong nhiều trường hợp, tín dụng tiêu dùng còn “nhập nhằng” với tín dụng đen khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh lao đao.
Tin tức trên báo Dân trí, thông tin đưa ra tại Hội thảo bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng diễn ra sáng ngày 13/7 cho thấy, tín dụng tiêu dùng thời gian qua có sự tăng trưởng hết sức nhanh chóng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trung bình tăng gần 20\%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.
Báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng cho thấy, chỉ trong 2 năm (2013 - 2014), mức lợi nhuận của công ty tăng 38,7\%, tổng tài sản tăng 124,7\% từ mức 2.611 tỷ đồng lên mức 5.867 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã nhận được rất nhiều phản ánh, khiếu nại về trong lĩnh vực này, chiếm tới 80\% các khiếu nại về lĩnh vực tài chính. Giá trị phản ánh không cao nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tín dụng tiêu dùng.
Ông Tuấn cũng chỉ ra trong nhiều trường hợp, tín dụng tiêu dùng còn “nhập nhằng” với tín dụng đen khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh lao đao.
Trong nhiều trường hợp, tín dụng tiêu dùng còn “nhập nhằng” với tín dụng đen khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh lao đao. (Ảnh minh họa). |
“Nhiều cột điện bên đường dán giấy giới thiệu cho vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện là vay được ngay. Rất nhiều gia đình đã phải bán cả nhà khi tham gia những vụ việc cho vay không đúng, tín dụng đen như thế này”, ông nói.
Còn theo ông Hồ Tùng Bách - Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) tiết lộ, dù được các công ty quảng cáo cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30\%/năm (tương đương 2-3\%/tháng) nhưng thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay mức cao nhất có thể lên tới 60-70\%/năm, thậm chí là trên 80\%/năm.
“Các công ty cho vay tiêu dùng thường cung cấp dịch vụ ở các quầy siêu thị, trung tâm mua sắm hoành tráng với các nhân viên tư vấn xinh đẹp. Người tiêu dùng nhìn vào đó và cho rằng công ty cũng to, làm ăn uy tín nên tin tưởng tham gia vay. Đến khi chúng tôi nhận được khiếu nại thì đều là các trường hợp đã ký hợp đồng với lãi suất “cắt cổ” rồi”, ông Bách nói.
Ông Bách chỉ ra thêm một số “mánh” của các doanh nghiệp cung cấp tín dụng tiêu dùng như: cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác, cố tình gây nhầm lẫn và lừa dối thông tin về lãi suất, điều kiện, phí phạt hợp đồng…
Ngoài quảng cáo về mức lãi suất không đúng thực tế, khi ký kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng, nhân viên thậm chí còn để trống mục lãi suất và điền sau đó. Rất nhiều người tiêu dùng cũng khiếu nại công ty tiêu dùng đã không cung cấp thông tin về thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ hay quá hạn sẽ chịu phạt ra sao. Điều này luôn đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh “bút sa gà chết”.
Chia sẻ về lãi suất cho vay tiêu dùng, TS. Đinh Thị Thanh Nhàn - Khoa Kinh tế luật (ĐH Thương mại Hà Nội) cho biết, theo quy định, trần lãi suất quy định là 20\% nhưng đây chỉ là con số “trong mơ” đối với vay tiêu dùng. Trên thực tế, lãi suất thấp nhất vẫn là 25\%/năm và cao thậm chí lên tới 80\%/năm.
4 lưu ý 'bỏ túi' khi vay tiêu dùng
Báo VnExpress đưa tin, ưu điểm của vay tiêu dùng cá nhân là thủ tục đơn giản, nhanh gọn hiện đang là phương thức vay tiền được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, người đi vay không nên bỏ qua những lưu ý dưới đây:
Các điều kiện bắt buộc
Các khoản vay tín chấp tiêu dùng luôn đòi hỏi nhiều điều kiện cụ thể, tuy nhiên có một số điều kiện bắt buộc cần thỏa mãn như: tuổi từ 20-55 tuổi đối với nữ, 58 tuổi với nam (một số tổ chức tín dụng chỉ yêu cầu người vay đủ 18 tuổi). Là công dân Việt Nam hoặc người cư trú có hộ khẩu, KT3 hoặc tạm trú tại nơi cư trú. Đối tượng vay có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng (thu nhập tối thiểu tùy thuộc quy định của từng tổ chức tín dụng) và có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.
Ưu điểm của vay tiêu dùng cá nhân là thủ tục đơn giản, nhanh gọn. (Ảnh minh họa). |
Nghiên cứu kỹ hợp đồng
Điều kiện cho vay vốn hiện khá thông thoáng cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, song điều đó không có nghĩa không có những điều khoản ràng buộc nhất định. Do vậy, người vay nên đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Bạn cần chú ý đến tất cả nội dung trong đặc biệt lưu ý về thời hạn thay đổi lãi suất.
Khách hàng phải yêu cầu chuyên viên quan hệ khách hàng tư vấn thật kỹ, nếu theo các điều khoản trong hợp đồng lãi suất phải trả tương đương sẽ ở mức bao nhiêu. Có như vậy, công ty tài chính và khách hàng xây dựng được mối quan hệ lâu dài, đồng thời cũng tránh rủi ro tiềm ẩn cho 2 bên.
Người vay vốn tín chấp cần cân nhắc thật kỹ trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt ở mỗi gói lãi suất ưu đãi chỉ có một giai đoạn, sau đó là lãi suất thả nổi.
Nắm rõ phương thức trả nợ
Hai phương thức trả nợ phổ biến hiện nay là theo dư nợ ban đầu và theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp. Hàng tháng, khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định. Ví dụ bạn vay 200 triệu đồng, lãi suất 1\% một tháng, trả trong 40 tháng. Như vậy, mỗi tháng bạn sẽ phải trả một khoản tiền cố định là 5 triệu đồng tiền gốc và 2 triệu đồng tiền lãi.
Với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, mỗi tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi tính theo số nợ thực tế. Như vậy, số tiền lãi hàng tháng khách hàng phải trả giảm dần. Cũng ví dụ trên, bạn vay 200 triệu đồng, trả trong 40 tháng, lãi suất 1\% một tháng. Như vậy tiền gốc hằng tháng bạn phải trả là 5 triệu đồng. Với cách tính này, tháng thứ nhất, bạn phải trả số tiền bằng tiền gốc 5 triệu đồng cộng 2 triệu đồng tiền lãi.
Tháng thứ hai, số nợ còn lại của bạn chỉ còn 195 triệu đồng. Như vậy, số tiền khách hàng phải trả ở tháng thứ hai bằng tiền gốc 5 triệu đồng cộng 1,95 triệu đồng tiền lãi. Số tiền lãi sẽ giảm dần theo số nợ còn lại theo từng tháng. Do đó, bạn cần tìm hiểu về phương thức trả nợ để dự trù khả năng tài chính của mình.
Thận trọng vay trong chương trình khuyến mại
Để thu hút người vay vốn nhiều ngân hàng đều duy trì các hình thức cho vay như tín chấp lương, vay theo bảo hiểm nhân thọ, vay theo hóa đơn điện…Những khoản vay lãi suất rẻ nhất thường rơi vào thời điểm khuyến mãi cuối năm. Tuy nhiên, người vay vốn tín chấp cần cân nhắc thật kỹ trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt ở mỗi gói lãi suất ưu đãi chỉ có một giai đoạn, sau đó là lãi suất thả nổi.
Do đó, bạn đừng quá ham lãi suất ban đầu trong thời gian khuyến mãi mà quên mất việc sau thời gian sẽ áp dụng mức lãi suất bao nhiêu phần trăm, người vay vốn cần hỏi thật kĩ càng chi tiết để có kế hoạch trả nợ và trả được nợ. Nếu cần thiết để vay khách hàng nên chủ động xem xét kỹ ngoài lãi suất ưu đãi thì lãi suất hậu khuyến mãi sẽ được tính như thế nào để ghi rõ trong hợp đồng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin