Lương thấp phải chấp nhận làm thêm
Kết thúc giờ làm việc ở bệnh viện tuyến tỉnh lúc 19h, Ngân Hà (27 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi), sấp ngửa nhanh chóng ra lấy xe, chạy về nhà lấy đơn hàng để kịp giao cho khách đúng hẹn. Công việc này được bắt đầu từ hơn 1 năm nay, kể từ khi chị sinh bé đầu lòng, chị muốn làm thêm để kiếm tiền bỉm sữa cho con. Bởi với mức lương ở bệnh viện chỉ đủ trang trải phí sinh hoạt hàng tháng.
Vừa gửi kịp đơn cho khách, Ngân Hà tâm sự: “Không ai muốn bản thân rơi vào hoàn cảnh như vậy cả, nhưng vì cuộc sống, vừa muốn theo đuổi đam mê nghề y, vừa muốn có thêm kinh phí sinh hoạt, đặc biệt là có tiền mua bỉm sữa cho con, nên tôi bắt buộc phải làm thêm”.
Hà kể, chị mất 6 năm học nghề tại trường đại học, 1 năm luân khoa và thêm nửa năm học định hướng, 3 tháng học nội soi, chị đủ điều kiện vào công tác tại khoa Tai – Mũi - Họng tại bệnh viện tỉnh, với chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đa khoa.
Công việc của chị tại viện được luân phiên tại phòng Tai – Mũi - Họng và khu điều trị nội trú.
Thời gian làm việc được tính từ 7h -11h, ca chiều là từ 13h30 – 16h30. Tuy nhiên, thực tế, chị Ngân Hà cùng đồng nghiệp hàng ngày luôn kết thúc ca làm việc sớm nhất lúc 12h trưa và chiều là 18-19h. “Hôm nào có ca mổ thì việc làm thêm giờ là điều hết sức bình thường. Bên cạnh đó, cứ cách mỗi tuần, những bác sĩ trẻ như tôi lại đi trực xuyên đêm 24/24 một lần”, Hà nói.
Với bác sĩ việc tăng ca là điều khó tránh khỏi, và là điều bình thường nếu như thu nhập bằng với sức lực các y bác sĩ bỏ ra. Tuy nhiên, những năm qua, mức lương Ngân Hà. nhận được chưa đến 6 triệu đồng, cộng tiền chi phí thực hiện các thủ thuật chưa đến 500.000/tháng.
“Mức lương của bác sĩ trẻ như tôi bỏ ra với cường độ công việc hiện tại được xem là vô cùng thấp. Thậm chí còn chưa bằng thu nhập của công nhân tại các công ty làm 8 tiếng/ngày”, Ngân Hà bày tỏ.
Ngân Hà kể thêm, nếu muốn nâng mức thu nhập, ít nhất các bác sĩ trẻ như chị phải học thêm để lấy chứng chỉ hành nghề chuyên khoa I. Với chứng chỉ này sẽ được đứng mổ chính, mức chi trả cho ca mổ cấp cứu Tai – Mũi - Họng các bác sĩ sẽ được trả 130.000 – 140.000 đồng.
Còn nếu không ở mức hiện tại, trong các ca mổ, chị chỉ có thể đảm nhận vị trí phụ mổ, với mức chi phí hỗ trợ 30.000-50.000 đồng cho những ca mổ 1,5-2 tiếng.
“Với những ca đại phẫu mất 3h đồng hồ cũng chỉ được cao nhất 90.000 đồng ở vị trí phụ mổ 1, còn vị trí phụ mổ 2 hoàn toàn không có khoản này”, Ngân Hà tâm sự.
Gần 10 nghìn nhân viên y tế nghỉ việc
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 2 năm gần đây, cả nước có 9.680 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, bỏ việc, trong đó 8.810 nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Tháng 7/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam có báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Trong đó chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến hơn 9.000 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Trong báo cáo chỉ ra thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc. Theo đó, lương và chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế trong hệ thống công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Lý do vì nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng.
Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy cơ sở y tế công lập rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Mộc Trà