Ngày 28/9 (theo giờ địa phương), sau khi cuộc điều tra độc lập xác nhận thông tin các nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hành vi lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ tại CHDC Congo khi tới nước này cứu trợ trong đợt bùng phát dịch Ebola, Tổng giám đốc tổ chức này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã lên tiếng công khai xin lỗi.
Cụ thể, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đầu tiên, tôi muốn nói với những nạn nhân và những người sống sót rằng tôi xin lỗi. Ưu tiên hàng đầu của tôi là những kẻ liên quan không được tha thứ mà sẽ phải nhận trách nhiệm về tội lỗi của họ".
Được biết, vụ lạm dục tình dục được thực hiện bởi các nhân viên địa phương và thành viên của các đội quốc tế tới CHDC Congo để cứu trợ trong đợt bùng phát dịch Ebola từ năm 2018 đến 2020. Theo đó, Uỷ ban điều tra đã phỏng vấn hàng chục người phụ nữ tại đây, những người được yêu cầu sử dụng tình dục để đổi lấy công việc.
Bản báo cáo dài 35 trang đã mô tả một bức tranh tồi tệ, cho biết "quy mô của các vụ bóc lột và lạm dụng tình dục trong phản ứng với đợt bùng phát dịch Ebola lần thứ 10, tất cả đều góp phần làm gia tăng sự nhạy cảm của những nạn nhân không được cung cấp sự hỗ trợ và trợ giúp cần thiết trước những trải nghiệm như vậy".
Tại cùng buổi họp báo, Giám đốc WHO tại Châu Phi, bà Matshidiso Moeti chia sẻ: "Với tư cách là ban lãnh đạo của WHO, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới những người bị ảnh hưởng, những phụ nữ và trẻ em gái".
Trước đó, hồi tháng 5, truyền thông thế giới đưa tin ban lãnh đạo WHO biết về vụ lạm dụng tình dục nhưng đã không làm gì để giải quyết mọi việc. Theo đó, 53 quốc gia, bao gồm Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Nhật Bản, đã đồng loạt yêu cầu WHO thể hiện "sự lãnh đạo mạnh mẽ và gương mẫu" trong việc ngăn chặn lạm dụng tình dục.
Được biết, một cuộc điều tra về các cáo buộc trên được tiến hành từ tháng 9 năm ngoái bởi Tổ chức Thomson Reuters và The New Humanitarian mới đây đã xác nhận thông tin về các cáo buộc bóc lột và lạm dụng phụ nữ bởi các nhân viên quốc tế trong cuộc khủng hoảng Ebola 2018-2020.
Cuộc điều tra cho thấy hơn 50 phụ nữ đã tố cáo các nhân viên cứu trợ trong đợt dịch Ebola, chủ yếu từ WHO vàcác cơ quan khác của Liên hợp quốc cùng các tổ chức phi chính phủ hàng đầu, về hành vi bóc lột tình dục, bao gồm cả gạ gẫm, ép buộc họ quan hệ tình dục và đe doạ sẽ cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng nếu họ từ chối.
Minh Hạnh (Theo NDTV)