Không được thăng chức theo đúng nguyện vọng, Tấn sử dụng sim rác nhắn tin tới hàng chục số điện thoại với nội dung "bí thư huyện ủy nhận hối lộ tình dục" để bôi nhọ danh dự vị bí thư này.
Báo VnExpress đăng tải thông tin, ngày 25/8, TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Đinh Trọng Tấn (37 tuổi, nguyên bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh) 9 tháng tù về tội Vu khống và 18 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Đinh Trọng Tấn tại phiên tòa - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Theo báo Tri thức trực tuyến, cáo trạng của TAND huyện Quảng Xương nêu rõ, năm 2015, Tấn đang là cán bộ huyện Quảng Xương thì được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh.
Tháng 10/2016, Tấn gặp ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Xương xin về giữ chức Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng không đạt được nguyện vọng. Lúc này, Tấn nhận được thông tin vị trí trưởng phòng trên đã có người khác nên nảy sinh ý định nhắn tin để bôi nhọ danh dự bí thư.
Ngày 5/11/2016, Tấn mua một sim rác điện thoại và soạn các nội dung: Bí thư Huyện ủy làm rối loạn tình hình, thâu tóm quyền lực, nhận hối lộ tình dục… rồi gửi đến 20 số thuê bao trong danh bạ. Ba ngày sau, Tấn tiếp tục soạn tin nhắn với nội dung Bí thư Huyện ủy bị bắt quả tang vào khách sạn với nữ Chủ tịch Hội phụ nữ huyện và gửi cho 11 số điện thoại là cán bộ, lãnh đạo trong huyện.
Bị vu khống, ngày 9/11/2016, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương gửi đơn đến cơ quan công an đề nghị điều tra người nhắn tin bôi nhọ. Ngày 28/2, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Đinh Trọng Tấn
Ngoài hành vi vu khống trên, tại phiên tòa, Tấn còn bị cáo buộc nhận 50 triệu đồng tiền đặt cọc với lời hứa chạy việc cho một cô gái vào Bệnh viện Ung bướu.
Điều 122. Tội vu khống (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) 1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)