Theo lời kể của nhân chứng, xảy ra xô xát anh M. liền bị hai nam thanh niên lao vào chém gục tại chỗ.
Liên quan đến vụ nam thanh niên bị đâm gục giữa đêm trên đường Võ Chí Công, báo Người đưa tin dẫn lời một nhân chứng có mặt tại hiện trường, nạn nhân Lương Văn M. (SN 1988, tên gọi khác là T., quê ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đi cùng một nhóm bạn vào một nhà hàng ăn uống trên đường Võ Chí Công.
Đến khoảng 10h30 đêm 18/7, anh M. ra bờ mương trước cửa quán nhậu để đi vệ sinh thì gặp một nam thanh niên đi xe ô tô CX5 mang BKS: 30E–143.79 đi vào trong ngõ nên hai bên có lời qua tiếng lại. Sau khi nam thanh niên cất xe ô tô thì quay ra đấm một phát vào đằng sau gáy và mặt anh M..
Nạn nhân bị đâm gục trên phố - Ảnh: báo Người đưa tin |
Liền sau đó, bạn anh M. đi cùng cầm chai bia ra nói “Sao mày đánh anh tao” thì nam thanh niên kia chạy vào xưởng kho đá Hưng Thịnh gọi thêm một nam thanh niên. Hai người này cầm mỗi người 2 con dao để đâm anh M..
Quá hoảng sợ, anh M. vội vã bỏ chạy, tuy nhiên chạy được khoảng 50m thì anh bị ngã. Hai nam thanh niên kia lao vào chém anh gục tại chỗ. Sau đó, chúng lên xe ô tô bỏ chạy.
Như báo Dân trí đã đưa tin trước đó, vào khoảng 23h ngày 18/7, tại đường Võ Chí Công, phường Xuân La đã xảy ra một vụ hỗn chiến kinh hoàng khiến nam thanh niên tên M bị đâm gục trên vũng máu.
Theo đó, vào thời điểm này, người dân thấy nhóm thanh niên giằng co, chửi bới ầm ĩ tại gần khu vực nhà hàng Taken, trên đường Võ Chí Công và bất ngờ một đối tượng trong đám đông ấy bị chém nhiều nhát vào người, nằm bất tỉnh gục trên vũng máu.
Nhận được thông tin cấp báo, công an phường Xuân La và Đội Cảnh sát hình sự công an quận Tây Hồ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, nhanh chóng đưa người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ truy xét đối tượng gây án.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)