+Aa-
    Zalo

    Nhạc sỹ Phạm Tuyên: “Chiếc đèn ông sao” và kỷ niệm khó quên trong đời viết nhạc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tết Trung thu sắp tới, khắp nơi lại vang lên âm điệu rộn rã của bài hát “Chiếc đèn ông sao”…

    (ĐSPL) - Tết Trung thu sắp tới, khắp nơi lại vang lên âm điệu rộn rã của bài hát “Chiếc đèn ông sao”… Từ lâu, bài hát này đã gắn bó với tết trăng tròn như một điều đặc biệt. Lắng nghe những chia sẻ của nhạc sỹ Phạm Tuyên, để biết rằng, thiết tha với cuộc đời và những giai điệu cho thiếu nhi, cũng là một cách sống đẹp…

    Đón trăng trên đất khách...

    Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ tại ngõ 40 phố Vạn Bảo (quận Ba Đình, TP.Hà Nội), vẫn với nụ cười hiền hậu, nhạc sỹ Phạm Tuyên say mê nói chuyện về âm nhạc. Bên những tủ sách, những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của một nhạc sỹ nổi tiếng, tôi thực sự ngưỡng mộ ông – người nhạc sỹ mà thiếu nhi nào cũng ao ước một lần được gặp. Mặc dù đã bước vào tuổi 85, nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, nhất là khi nói về âm nhạc, ánh mắt ông lấp lánh niềm hạnh phúc. Có một niềm vui mà nhạc sỹ muốn chia sẻ, đó là, ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông cho biết, sự ghi nhận nào cũng đáng tự hào, nhưng với ông, các bài hát của mình được đông đảo nhân dân ghi nhận là món quà quý, không gì thay thế được.

    Cái duyên đến với âm nhạc của ông cũng thật tình cờ. Ông kể, ngày nhỏ được thừa hưởng cái gen nghệ thuật của gia đình nên ông thích nhiều môn nghệ thuật như hội họa, văn thơ, âm nhạc. Nhưng dường như âm nhạc có sức hút với ông nhất. Đó là năm ông 13 tuổi theo gia đình vào Huế, lần đầu tiên nghe bản nhạc “Sóng sông Đanuyp”, ông đã tự hỏi, sao phương Tây người ta có thể sáng tác được như thế mà mình không thể sáng tác bài “Sóng sông Hương”? Và ngay đêm đó ông đã hoàn thành bản nhạc “Sóng sông Hương”, khi các chị ông hát lên, mọi người rất thích. Một thời gian sau, cả nhà chuyển về Hà Nội, tác phẩm đã được Nhà xuất bản Âm nhạc in ra thành sách. Và, đây chính là tác phẩm đầu tay của người nhạc sỹ tài hoa này.


    Nói về bài hát “Chiếc đèn ông sao”, nhạc sỹ Phạm Tuyên bộc bạch, ca khúc được sáng tác trong một dịp hết sức tình cờ nhưng lại gắn với nhiều kỷ niệm đặc biệt. Vào thời điểm “Chiếc đèn ông sao” ra đời năm 1956, ông đang là giảng viên dạy nhạc tại khu học xá Trung ương (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc). Sống xa Tổ quốc, mọi người đều có tâm trạng chung là bồi hồi, nhớ quê hương tha thiết. Bởi vậy dịp Tết Trung thu đến, khu học xá tổ chức rước đèn ông sao, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. Thế là “Chiếc đèn ông sao” được sáng tác trong khoảng thời gian rất ngắn. Điều bất ngờ là khi đưa ra, mọi người đều hát say mê, thích thú. Vị nhạc sỹ 85 tuổi nhớ lại: ““Chiếc đèn ông sao” lúc ấy mang nhiều ý nghĩa lắm, vì nó cũng là ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc. Trong lời bài hát có đoạn: “Đây cầm đèn sao sao chiếu vô Nam. Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng” chính là tình cảm hướng về đất nước thời điểm còn bom đạn chiến tranh...”. Nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng chia sẻ, thế hệ những người sáng tác như ông bấy giờ có nhiều cơ hội gần gũi, được tham gia vào những hoạt động của tuổi thơ nên ai cũng hào hứng sáng tác cho thiếu nhi với tinh thần tự nguyện, với tất cả tình cảm trìu mến, chân thành. “Chiếc đèn ông sao” chính là kỷ niệm khó quên trong đời viết nhạc của ông.

    Phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc, nghe thấy trẻ em trên phố hát “Chiếc đèn ông sao” là biết Trung thu sắp về. Từ khắp ngả đường, ngõ xóm đều vang lên điệu trống phách nhịp nhàng quen thuộc. Chia sẻ về niềm vui ấy, nhạc sỹ Phạm Tuyên cho hay, cách đây hai năm, có một công ty quảng cáo đến xin phép ông sử dụng bài hát này. Ban đầu cũng không rõ họ xin với mục đích gì, về sau, ông mới biết để làm nhạc quảng cáo cho... bánh Trung thu. Thế mới biết, sức lan tỏa của ca khúc, mỗi lần vang lên, mọi người đều cảm nhận được không khí vui tươi, náo nức. Dù trải qua hơn nửa thế kỷ, “Chiếc đèn ông sao” vẫn sống mãi như một khúc ca không thể thiếu trong mỗi đêm hội trăng rằm.

    Bài hát được đưa vào sách âm nhạc của Đức

    Cả cuộc đời sáng tác, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã hoàn thành hơn 700 ca khúc, trong đó nhiều tác phẩm vượt thời gian, cho đến nay vẫn có sức sống. Ngoài những bài hát như: “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Bài ca người thợ mỏ”, “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”, “Từ một ngã tư đường phố”... đến nay, “Chiếc đèn ông sao” vẫn có một chỗ đứng đặc biệt. Nhạc sỹ kể, dù trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh và cuộc sống của ông cũng trải qua nhiều thăng trầm nhưng các bài hát ông sáng tác vẫn có những giai điệu tươi vui. Bài hát “Chiếc đèn ông sao” được các em thiếu nhi thời đó thuộc nằm lòng. Và, chính sự yêu mến ấy đã tạo động lực cho ông viết tiếp các bài hát khác.

    Chính nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng không ngờ bài hát “Chiếc đèn ông sao” lại có sức lan truyền đến như vậy. Khi chuyển bài hát về trong nước, người đầu tiên thể hiện ca khúc này là nữ biên tập viên Anh Tuấn. Giọng hát của chị được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân. Bất ngờ hơn là vào năm 1972, khi nhạc sỹ có dịp sang Berlin (Đức), có một vị Giáo sư ở thành phố Leipzig nghe nhạc sỹ Phạm Tuyên nên lặn lội tìm đến. “Ông ấy nói với tôi là nghe nói có tác giả “Chiếc đèn ông sao” đến nên muốn sang thăm”. Vị giáo sư mở cho tôi nghe một đoạn ghi âm trẻ em Đức hát đoạn “tùng rinh rinh...” rất vui tai và tôi nhận ra đúng là bài “Chiếc đèn ông sao””, nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại.


    Nhạc sỹ Phạm Tuyên bộc bạch: “Tôi thử hỏi ông ấy, có biết bài hát này nói về cái gì không. Ông ấy bảo chịu, không biết nội dung bài hát như thế nào. Nhưng khi các em thiếu nhi Việt Nam sang đây hát, họ rất thích đoạn “tùng rinh rinh” vì nó phù hợp với các điệu vũ khúc, đặc biệt rất giống với các lễ hội Carnaval của người Đức”. Bấy giờ nhạc sỹ Phạm Tuyên mới biết bài “Chiếc đèn ông sao” đã được dịch ra tiếng Đức, in trong cuốn sách âm nhạc dành cho thiếu nhi Đức. Hiện, cuốn sách ấy vẫn được ông lưu giữ như một niềm tự hào vì một bài hát Việt Nam đã được bạn bè nước ngoài biết đến và yêu thích.

    Ngoài bài hát về Tết trăng tròn mang tên “Chiếc đèn ông sao” thì một số bài hát của ông cũng có những kỷ niệm riêng. Nhạc sỹ Phạm Tuyên có hai cô con gái và cả hai đều đi học ở Nga về. Hiện nay, cả hai đã là những người rất thành đạt. Ông kể rằng, khi con gái đi học mẫu giáo, cô giáo biết ông là nhạc sỹ nên có yêu cầu con gái về nói với ông viết một bài cho các cháu mẫu giáo. Vậy là bài hát “Trường chúng cháu là trường mầm non” ra đời. Nhạc sỹ cho rằng, hiện nay, nhạc thiếu nhi chưa nhận được sự quan tâm của các nhạc sỹ trẻ, họ được đào tạo bài bản nhưng chưa có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn. Những người quan tâm đến nhạc thiếu nhi thì đã già, rất muốn “truyền lửa” cho những người trẻ để âm nhạc nói chung và âm nhạc thiếu nhi nói riêng được tiếp nối. Như danh họa Picasso đã từng nói: “Phải mất rất nhiều thời gian để trở thành trẻ con”, bởi phải hiểu rõ tâm lý các em mới có thể sáng tác những bài hát được các em đón nhận. Và người nhạc sỹ này luôn dành cho các ánh mắt trẻ thơ những giai điệu thân thương nhất.

    “Chú voi con ở Bản Đôn” làm nhạc hiệu của đài PTTH Đắk Lắk

    Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại rằng, khi Tỉnh ủy Đắk Lắk mời ông đi sáng tác cho Tây Nguyên, ông đã viết “Chú voi con ở Bản Đôn” ngay trong chuyến đi, bài hát mang âm hưởng dân tộc Ê Đê với tiết tấu rất vui nhộn. Sau khi ra đời, bài hát vang lên không chỉ ở Đắk Lắk qua đài phát thanh, truyền hình mà còn đi đến khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Hiện nay, bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” đang được sử dụng làm nhạc hiệu của đài Phát thanh truyền hình Đắk Lắk. Lần gần đây khi ông quay trở lại thăm mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này, ông thấy già làng Bản Đôn cũng hát bài này để đón khách.

    Nhạc sỹ Phạm Tuyên 


    Lạc Thành

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-sy-pham-tuyen-chiec-den-ong-sao-va-ky-niem-kho-quen-trong-doi-viet-nhac-a112231.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.